Phải làm gì khi con muốn là trung tâm vũ trụ?

Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ một đến hai con, điều kiện kinh tế lại khấm khá hơn rất nhiều so với khi trước, các con được yêu thương, chăm sóc đầy đủ hơn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này dẫn đến các con, nhất là khi bước vào tuổi teen, tự cho mình là trung tâm vũ trụ, muốn mọi việc và mọi người phải xoay quanh mình. 

Tiếp xúc với những teen này, bạn dễ dàng nhận thấy các con thường thích điều khiển những người xung quanh từ gia đình đến bạn bè, con đặt ra các luật lệ riêng mà mọi người phải theo nhưng ngược lại không thích tôn trọng nguyên tắc của người khác, con hay đòi hỏi và cho rằng việc mình được đáp ứng là hiển nhiên, thiếu hẳn sự nỗ lực tự thân hay lòng biết ơn… Nếu con bạn, hoặc một teen nào đó mà bạn biết, có những biểu hiện tương tự như vậy, hãy tham khảo bài viết sau để giúp con nhận ra mình không phải là trung tâm của vũ trụ. 

1. Đáp ứng thật ít để dạy con lòng biết ơn 

Khi con có quá nhiều tiền tiêu vặt mỗi ngày hoặc dễ dàng có ngay những món quà đắt tiền mà chỉ cần đạt những thành công nho nhỏ hay chỉ cần đòi hỏi, con rất dễ nghĩ rằng việc mọi người đáp ứng yêu cầu của mình là đương nhiên. Vì thế, con mất đi sự nỗ lực tự thân, không biết trân trọng những thứ mình có và càng ngày những đòi hỏi càng lớn. Có những con gắt gỏng với ba mẹ, chê bai hoặc vứt bỏ những vật dụng không vừa ý mình. Bạn cần giới hạn những quyền lợi và sở hữu của con, ví dụ giảm bớt tiền tiêu vặt, tiền điện thoại, dọn bớt tủ quần áo, cất những đôi giày đắt tiền, chỉ để lại những trang phục cần thiết và không đáp ứng những đòi hỏi mua sắm. 

Thời gian đầu con sẽ rất tức giận, khổ sở, nhưng bạn phải kiên quyết, và dặn những người thân khác trong nhà (ông bà, cô dì chú bác…) làm điều tương tự. Con cần hiểu rằng những quyền lợi mà con được hưởng không phải là điều đương nhiên, mà chúng đến từ tình yêu thương và sức lao động của ba mẹ. Con cũng cần hiểu được giá trị của tiện nghi, vật chất xung quanh để trân trọng những gì mình có, và sau này trở thành một người lớn có trách nhiệm với việc chi tiêu của mình. Trên hết, việc đáp ứng vừa đủ, hoặc thật ít, dạy con bài học về lòng biết ơn và để con nhận ra rằng mọi người không có nhiệm vụ phải chu cấp cho mình, mà mình may mắn được yêu thương và chăm sóc. 

2. Mở rộng thế giới quan của con

Cuộc sống của các con thường chỉ gói gọn trong gia đình và nhà trường, thỉnh thoảng có những chuyến du lịch cùng ba mẹ đến những nơi chốn xinh đẹp và được chăm sóc từ A đến Z. Hãy giúp con thấy rằng thế giới ngoài kia có những người cần được giúp đỡ, cũng như có những người giỏi hơn mình rất nhiều. Khuyến khích con làm tình nguyện viên, tham gia các hoạt động xã hội cũng như những cuộc thi thể thao, trí tuệ giữa các trường. Đưa con đi du lịch ‘bụi’ một chút, cần trèo đèo lội suối, cần tinh thần đồng đội. Đưa con về quê, nơi giá trị cuộc sống nằm ở sự trong lành và giản đơn. Hay nói cách khác, giúp con tiếp xúc với nhiều loại người, nhiều cách sống khác nhau với sự theo dõi của ba mẹ. Mở rộng thế giới quan giúp con nhận thấy thế giới này rộng lớn, mình có nhiều điều để học và trước tiên là bài học về sự khiêm tốn.

3. Khuyến khích những hạt giống tốt đẹp 

Cuối cùng, hãy nhận ra những hành động, suy nghĩ nhân ái, hào hiệp và cảm thông của con để khen ngợi, khuyến khích. Đây là những hạt giống tốt đẹp cần được gia đình phát hiện và chăm sóc mỗi ngày. Dần dần, những tính cách tích cực này sẽ lớn mạnh hơn, thay thế và áp đảo nhu cầu cần được làm trung tâm vũ trụ của con.

Thật không dễ khi chứng kiến đứa con mình yêu quý trở nên ích kỷ và muốn thế giới vận hành quanh con. Nhưng bạn hãy hiểu đây là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Hãy yêu thương, kiên nhẫn và nghiêm khắc khi cần thiết, bạn sẽ nhận ra những thay đổi tích cực nơi con. 

Giang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.