Các con thế hệ bây giờ rất tự tin và cá tính bề ngoài, tuy nhiên ẩn sâu bên trong vẫn có những nỗi sợ nhất định. Trong quá trình trưởng thành, các con mang theo bên mình rất nhiều nỗi sợ như: sợ bị đánh giá về vẻ bề ngoài, sợ bị đánh giá khả năng nói tiếng Anh, khả năng thuyết trình, sợ bị ‘ném đá’, chỉ trích trên mạng, hay sợ thể hiện cá tính hoặc theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của mình… Khi cha mẹ hiểu được những tâm tư này của con sẽ giúp con có một chỗ dựa tinh thần vững chắc đối mặt với những khó khăn xã hội ngoài kia.
Nỗi sợ đánh giá của con đến từ đâu?
Nỗi sợ bị đánh giá có thể đến từ việc các con lớn lên trong một môi trường giáo dục và xã hội khuyến khích “trẻ con không được hỗn”, “phải kính trên nhường dưới”, “người lớn luôn đúng”. Từ nhỏ nếu các con có cãi một câu (mà có thể con đúng), con vẫn bị coi là hỗn láo với người lớn. Không như người lớn chúng ta có thể đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình, các con tuổi nhỏ chưa thể làm được gì ngoài việc uất ức chịu đựng, vì các con vẫn đang phải phụ thuộc vào cha mẹ nuôi ăn, nuôi học.
Một ví dụ khác, một bạn khác (hoặc em) giật đồ chơi của con, khi con giành lại, chúng ta lại đánh và mắng con vì tội “không biết nhường em”. Lại thêm một sự ấm ức nữa. Nhiều những ví dụ như vậy trong tuổi thơ dần dần tạo nên hình ảnh một con người sợ sai, sợ bị người khác đánh giá. Đi học không dám phát biểu vì sợ phát biểu sai bị cười. Sống trong cộng đồng thì không dám làm việc này việc kia vì sợ hàng xóm láng giềng đánh giá.
Cha mẹ có thể vui lòng khi con nghe lời mình, học ở đâu, trường nào, làm công việc gì đều một tay cha mẹ sắp xếp mà con không phản đối. Tuy nhiên, cha mẹ hãy tự hỏi bản thân mình rằng chúng ta có thể lo cho con được bao lâu? Khi không cho con cơ hội được vấp ngã, được sai, liệu con có lớn lên và tự lo được cho cuộc sống của mình khi không còn cha mẹ? Cha mẹ có muốn nhìn thấy cảnh một đứa con 30 – 40 tuổi vẫn không biết làm gì, không tự tin trong công việc, vẫn phải nhờ cha mẹ tìm việc, thậm chí sắp đặt cả chuyện hôn nhân hay không?
Để con trưởng thành, cha mẹ hãy cho con cơ hội được tự do quyết định phần nào những việc con có thể quyết định (ví dụ như học ngành nào, trường gì hay phong cách ăn mặc ra sao). Thay vì cố gắng kìm kẹp con, hãy dạy con chấp sự bị đánh giá. Không có người nào, việc gì có thể làm hài lòng 100% toàn bộ mọi người trên thế giới này. Con có thể được lòng một nhóm, một nhóm khác thì không quan tâm con là ai, và một nhóm thì kiểu gì cũng sẽ đánh giá và ghét con.
Nỗi sợ trên mạng của con
Nỗi sợ đầu tiên là nỗi sợ bị người khác đánh giá trên mạng. Nếu như con luôn đặt cảm xúc của mình vào những lời đánh giá của người khác, con sẽ luôn luôn cảm thấy khổ. Người ta khen thì vui, người ta chê hay nói gì không hay thì buồn.
Trong thời buổi mạng xã hội hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của Internet, những lời khen, chê, đánh giá được dễ dàng tuôn ra hơn – bởi lẽ người nói có thể ẩn danh mà chẳng lo người kia biết mình là ai. Sức mạnh của sự ẩn danh vô cùng đáng sợ. Cha mẹ hãy chỉ cho con biết rằng: Những người đó biết bao nhiêu phần trăm về cuộc đời con? Những người đó có bao nhiêu năng lực chuyên môn trong lĩnh vực con đang chia sẻ? Những người đó ảnh hưởng gì đến miếng cơm manh áo của con? Nếu câu trả lời đều là không, hãy đừng để cảm xúc của mình bị ảnh hưởng bởi những lời đánh giá đó.
Nghề nghiệp sản xuất nội dung trên mạng xã hội đang là một nghề nghiệp “hot” của giới trẻ hiện nay. Có rất nhiều trường lớp dạy các con về các xây dựng nội dung trên mạng, nhưng ít người dạy cách quản lý cảm xúc trên đó.
Là những người đi trước đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, cha mẹ hãy trò chuyện và nói với con rằng, nếu con có ý định trở thành một người phát triển nội dung trên mạng xã hội, con phải chấp nhận một sự thật rằng, con càng được nhiều người biết đến và mạng xã hội càng nhiều người dùng trẻ, tỉ lệ con bị đánh giá hay lăng mạ càng cao .
Chúng ta không thể kiểm soát được việc người khác nghĩ gì hay bình luận gì, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được cách phản ứng của chúng ta với những điều đó. Khi nhận một ý kiến trái chiều, con hãy phân tích xem: (1) người viết ý kiến này có đang sử dụng tài khoản thật hay không; (2) người viết ý kiến này có chuyên môn gì về chủ đề này hay không và (3) người viết này đang góp ý chuyên môn hay công kích cá nhân.
Đừng trốn chạy khỏi việc đánh giá, hay cố gắng tìm một giải pháp nào để không bị đánh giá. Cha mẹ cần hướng dẫn con cần tập đặt những lời nhận xét, đánh giá sang một bên – không biến và dán nhãn những điều đó thành bản thân mình. Bản thân mỗi người luôn như vậy, những lời nhận xét đánh giá dù có đúng có sai cũng không ảnh hưởng đến mình. Khi con đủ bình tĩnh và vững vàng, con có thể ngồi xuống phân tích những lời nhận xét đánh giá để thấy rằng không phải tất cả lời nhận xét đánh giá đều xấu, có những lời nhận xét đánh giá đến từ những người có chuyên môn, không công kích cá nhân, thực lòng thì hoàn toàn có thể giúp ích cho con tiến bộ hơn.
Giúp con vượt qua nỗi sợ bị đánh giá bằng cách nào?
Nỗi sợ là một vấn đề của tâm, vậy cần trị bệnh từ trong tâm. Một số cách để cha mẹ có thể giúp con gạt bỏ đi nỗi sự bị đánh giá đó là:
Cố gắng thành thật hết sức trong mọi hoàn cảnh.
Một cách vô tình hay cố tình, chúng ta thường phóng đại một chút để làm cho bản thân nổi bật hơn. Khi phóng đại như vậy, chúng ta luôn mang cảm giác sợ bị ‘bóc mẽ’, hay gặp ai đó thực sự giỏi về vấn đề đó phản biện. Vì thế, cha mẹ hãy hướng dẫn con luôn cố gắng nói thật về mình, đừng phóng đại hay khoác thêm vỏ bọc những thứ mình không có. Với sự thành thật này, con sẽ không bao giờ lo bị người khác đánh giá.
Thực hành chánh niệm và ngồi thiền.
Trong thực hành chánh niệm, Phật pháp hay thiền có một khái niệm cơ bản là “Không” – Vô Ngã. Nói một cách nôm na đơn giản đó là không có gì tồn tại vĩnh viễn trên đời này. Khi con thuyết trình không hay và bạn bè chê cười, con nghĩ rằng người ta sẽ nhớ việc này suốt đời – nhưng thực tế là ai cũng có việc riêng của họ, sau một vài ngày chẳng ai còn nhớ đến chuyện con thuyết trình không hay.
Con người bây giờ tuy khắc nghiệt nhưng cũng nhanh quên. Cuộc sống là chuỗi những sự kiện nối tiếp nhau và không thể có ai sống một cuộc đời của toàn những sự kiện tốt. Những sự kiện xấu sẽ diễn ra, nó sẽ khiến con đau lúc đó, nhưng rồi nó sẽ đi. Thực hành chánh niệm và ngồi thiền giúp con để những điều tiêu cực đi nhanh hơn, để nó trở thành quá khứ và không ảnh hưởng đến vấn đề hiện tại của con.
Dừng việc đánh giá người khác.
Như đã chia sẻ ở trên, việc người khác như thế nào chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được cách hành xử của chính bản thân mình. Chúng ta hay thường khuyên nhau rằng, hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người ta đối xử với mình.
Vậy thì thay vì trông chờ vào việc người khác ngừng đánh giá mình, cha mẹ hãy dạy con bắt đầu từ việc ngừng đánh giá người khác trước. Hãy hạn chế gán những tính từ “xấu”, “tốt”, “hay”, “không hay” khi quan sát một sự việc hay một con người. Một người làm việc đó thì chỉ đơn giản là đang làm việc đó thôi, không có điều gì tốt hay xấu. Một người bán bảo hiểm thì là bán bảo hiểm, không có việc bán bảo hiểm tốt hay xấu.
Thay cho sự phán xét, con hãy tập thói quen nhìn người khác dưới lăng kính yêu thương. Khi yêu thương một người, con sẽ cố gắng tìm hiểu xem lý do nào họ làm vậy. Hãy lấy một ví dụ, một người nào đó thông chốt kiểm soát Covid-19 trên đường, phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là giận và chửi bới người đó không chấp hành. Thực tế, phản ứng vậy chẳng giúp ích được gì nhiều, mà còn làm cho mình cảm thấy bực bội. Hãy thử suy nghĩ dưới lăng kính yêu thương, thử đặt tình yêu vào người đó và suy nghĩ xem vì sao họ làm vậy? Có thể họ quá đói chăng? Hay biết đâu gia đình có người nhà có bệnh gấp? Con không cần phải đồng ý với hành động sai trái của một người, nhưng không nhất thiết phải công kích người đó.
Học thêm về tâm lý học
Dù con bạn đang ở độ tuổi nào, quan tâm đến lĩnh vực gì, một chút kiến thức về tâm lý học sẽ giúp con kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Hiểu về cảm xúc sẽ giúp con hiểu vì sao mình lại hành xử như vậy, vì sao mình buồn, stress và có các cách để đối diện với những vấn đề này.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại ĐÂY
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.