Kintsugi – 金継ぎ” là một kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản dùng vàng để phục hồi những món đồ gốm bị nứt vỡ. Ẩn sâu đằng sau kĩ thuật này là triết lý wabi-sabi nổi tiếng của người Nhật về vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Mọi thứ đều không hoàn hảo, chỉ đơn giản thế thôi! Là con người, chúng ta cũng không hoàn hảo! Không có ngoại hình hoàn hảo, chưa có bảng điểm hoàn hảo, không có công việc hoàn hảo… cũng không sao, quan trọng là chúng ta luôn nỗ lực để trở thành phiên bản đẹp hơn, độc đáo hơn của chính mình.

Tuy nhiên, để chấp nhận được sự không hoàn hảo của bản thân không phải việc dễ dàng!

Các con của chúng ta ngày nay được sinh ra vào thời kỳ khoa học và công nghệ và internet bùng nổ, được hưởng những điều kiện sống tốt hơn thế hệ cha mẹ, và có nhiều điều kiện để trở thành những con người đa tài đa nghệ, giỏi giang và thành công. Nhưng mặt trái là các con cũng phải đối mặt với một trong những thách thức của thế hệ mình như áp lực đồng trang lứa (peer pressure) và hội chứng sợ mất cơ hội (FOMO – Fear of Missing Out). Các con, vì thế, khó mà chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, các con luôn cảm thấy tự ti và bất mãn với chính mình.

Vậy, là cha mẹ, chúng ta phải làm sao để có thể giúp con tự hoàn thiện và phát triển bản thân?

Cha mẹ, trước nhất, hãy đón nhận sự không hoàn hảo của con mình, hãy chấp nhận bản thân con có những “vết nứt” hay thiếu sót. Mỗi vết nứt là một câu chuyện, là kẽ hở mà qua đó con mới nhìn thấy ánh sáng – là điều con khao khát, là giấc mơ con muốn theo đuổi. Phải có “khe hở” thì “ánh sáng” mới tràn vào. Phải có những khiếm khuyết để con có cơ hội lấp đầy, hoàn thiện bản thân. Cũng giống như những món đồ gốm bị nứt vỡ được vá lại bởi kỹ thuật Kintsugi, chúng sẽ khiến cho những vết rạn nứt tỏa sáng trên nền những thiếu sót, mang lại vẻ đẹp mới, rực rỡ và độc nhất vô nhị.

Thay vì tập trung nhìn về phía thành công của người khác, hãy nhìn về con đường con đã chọn và vững vàng bước tiếp. Có thể ở thời điểm hiện tại, con chưa gặt hái được thành tựu, nhưng ít nhất con sẽ không bại trận chỉ vì những so sánh, định kiến hay rời xa mục tiêu của bản thân, để sống trong lo lắng, ganh tị và bất an với sự thành công của người khác.

Cha mẹ hãy nói với con thường xuyên, rằng con hãy nhẹ nhàng với bản thân và kiên nhẫn với cuộc đời để thấy rằng sự trưởng thành của con là độc nhất và nó sẽ tỏa sáng với vô vàn trải nghiệm! Hãy dành thời gian yêu thương và kết nối với bạn bè, gia đình, bởi họ là những người sẽ luôn ở bên, cùng con rải vụn vàng lên những “vết nứt” của cuộc đời. Và đừng quên bên cạnh định nghĩa FOMO thì các con vẫn còn JOMO (Joy Of Missing Out) là niềm vui khi bỏ qua những thứ mà bản thân con thấy choáng ngợp, để tập trung vào những thứ khiến bản thân thật sự hạnh phúc!

Chúc cha mẹ và con cùng nhau tận hưởng vẻ đẹp của sự không hoàn hảo!


👇 Đọc thêm:

Triết lý Sisu – giải pháp hiệu quả giúp vượt qua áp lực tuổi teen

Con “không hoàn hảo” không đồng nghĩa với con “không cố gắng”

Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.