Kết thúc 3 năm đầy cam go ở trường là lúc các bạn sinh viên bắt tay vào một ‘cuộc chiến’ mới: cuộc chiến tìm việc. Cuộc chiến này cũng khốc liệt không kém việc luyện thi hằng đêm để qua môn, dù cho sinh viên quốc tế như RMIT được trang bị tiếng Anh tốt, kỹ năng mềm giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian này kia đầy đủ – vẫn gặp phải vô vàn vấn đề khi đi tìm việc.
Cha mẹ hãy cùng chúng tôi đọc bài viết dưới đây từ một cựu sinh viên RMIT – bạn Lê Tuấn Anh – để tìm hiểu thêm về những trở ngại mà các con sẽ gặp phải khi đi tìm việc.
Về sự “cà khịa” của xã hội
Với một bộ phận nhỏ ngoài xã hội, cái mác ‘sinh viên RMIT’ vẫn đi kèm với ‘tụi học dốt, bố mẹ giàu’. Vậy nên là một sinh viên RMIT, điều đầu tiên cần trang bị trước khi bắt đầu lao vào thị trường lao động đó chính là thái độ ‘bơ đi mà sống’. Khi bản thân đang rất cố gắng để làm việc phát triển kỹ năng, phụ giúp cha mẹ mà gặp những câu “cà khịa” như là “Trời RMIT mà cũng đi làm hả”, “Ba mẹ giàu rồi đi làm chi nữa” – nếu không có lập trường vững, rất dễ nản lòng. Xã hội không phải lúc nào cũng toàn màu hồng, không phải lúc nào những người xung quanh chúng ta cũng sẽ nói những lời hay ý đẹp, học cách sống chung, gạt bỏ những điều không hay để tập trung vào việc cần làm cũng là một kỹ năng làm việc mà sinh viên RMIT chúng mình có thể học trong hoàn cảnh này. Đây là một điểm các cha mẹ cũng cần hiểu để động viên các con vững tin khi mới bắt đầu ra trường tìm việc.
Nói đi cũng phải nói lại, chỉ có một bộ phận những người chưa hiểu rõ về RMIT thì sẽ phản ứng như trên thôi, còn đa số các anh chị quản lý tôi gặp đến thời điểm này đều đánh giá rất cao năng lực cũng như khả năng làm việc của sinh viên RMIT. Vào RMIT thì dễ, nhưng để qua hết môn và ra được trường, đặc biệt là nếu ra trường với tấm bằng giỏi nữa, thì cũng đâu phải dạng vừa đâu. Ngoài ra, như hiểu được nỗi khổ trên nên các anh/chị cựu sinh viên lại rất ưu ái và thương yêu các đàn em trong trường, có cơ hội việc làm nào hay ho hoặc có chương trình gì hỗ trợ kỹ năng là luôn hỗ trợ hết mực cho các em. Sự hỗ trợ từ các anh chị cựu sinh viên là một lợi thế không hề nhỏ cho sinh viên RMIT sau khi ra trường.
Vượt “sướng”, sự mất định hướng của bản thân
Phải thừa nhận rằng, hoàn cảnh sinh viên RMIT chắc chắn là có sướng hơn phần nào so với các bạn nơi khác. Điều này là một lợi thế, nhưng đồng thời cũng là một “trở ngại” cần phải vượt qua. Cha mẹ chúng ta sống trong một thời kỳ khổ, nên bây giờ muốn làm tất cả mọi điều tốt nhất cho con. Những bạn trẻ 9x, 2000 được lớn lên trong môi trường đầy đủ về mặt kinh tế, cha mẹ bảo bọc và sắp đặt, vây quanh bởi rất nhiều công nghệ và thông tin – rất dễ gặp phải “khủng hoảng đam mê”.
Có một chia sẻ rất hay của chị Thi Anh Đào, CEO Isobar Vietnam, top 30 Forbes U30 (năm 2015) rằng: “Vượt sướng có khi khó hơn vượt khổ. Người khổ biết phía sau lưng không còn gì, người ta chỉ một con đường tiến lên phía trước. Chúng ta đã vượt khổ nhiều thế hệ nên có kinh nghiệm. Trong khi đó, người sướng không biết mình sướng, trước mặt họ là rất nhiều lựa chọn mà không biết sẽ về đâu, có rất ít kinh nghiệm tham chiếu”.
Làm sao để một bạn sinh viên vừa ra trường biết được đâu là mức lương xứng đáng với năng lực của mình, để không bị hớ cũng như không đòi hỏi quá cao? Làm sao để một bạn sinh viên mới ra trường hiểu được rằng phải có sự hy sinh thời gian, cam kết làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm 100% với một công việc mà bạn đã nhận thay vì đứng núi này trông núi nọ? Làm sao để một sinh viên trường quốc tế tin tưởng vào bản thân, không bị tự ti trong con đường nghề nghiệp và so sánh với bạn này bạn kia đang thành công xung quanh mình? Đó là những vấn đề rất thường gặp mà tôi thấy trong cộng đồng bạn bè xung quanh mình và ở cả chính mình.
Điều may mắn cho các em sinh viên RMIT hiện tại là, trong trường có dịch vụ tâm lý và dịch vụ hướng nghiệp rất mạnh, nhiều chương trình để hỗ trợ và chuẩn bị trước tinh thần cho các bạn để giải đáp những câu hỏi ở trên. Một buổi hướng dẫn về cách viết bản tự giới thiệu (CV), cách trả lời phỏng vấn, cách thỏa thuận lương từ phòng hướng nghiệp sẽ giúp các em tự tin gặp nhà tuyển dụng. Một buổi trò chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc hướng nghiệp sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và hạn chế sự so sánh. Những chương trình thực tập ngắn 3-6 tháng sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về môi trường doanh nghiệp khác rất nhiều với những mơ mộng khi ngồi trong trường đại học. Vậy nên, ngoài việc cố gắng để có thành tích học tập thật tốt, các cha mẹ đừng quên khuyến khích các em tận dụng tối đa các dịch vụ hỗ trợ của trường.
Trường quốc tế cũng có áp lực học tập lắm chứ
Nếu cấp 2 cấp 3 bạn đã quen với môi trường học kiểu Việt Nam, những ngày đầu tiên bước chân vào môi trường quốc tế và học những chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn vô cùng khó khăn. 12 năm học ở Việt Nam, các bạn đã quen làm theo khuôn mẫu nhưng giáo dục phương Tây lại đề cao suy nghĩ “vượt ra ngoài cái hộp”. Học bây giờ không phải chỉ là chuyện ghi nhớ, chép và đi thi nữa, học bây giờ có nhiều cái phải lo hơn về khả năng ‘tư duy phản biện’, khả năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo,… Những thứ này các em chưa được tiếp xúc nhiều, nên khi bước vào môi trường quốc tế dễ có nhiều bỡ ngỡ.
Nhiều người chưa tìm hiểu cứ nghĩ, sinh viên trường quốc tế nhà giàu có bố mẹ lo hết, chẳng cần phải lo nghĩ gì, cứ học xong đi về thôi, đến lúc tốt nghiệp lấy bằng. Thực tế mà được như vậy thì cũng sướng thật! Tiếc là, sinh viên quốc tế cũng lo nhiều lắm. Vào được trường thì dễ, ra được trường thì không dễ chút nào. Mỗi kỳ thi đều rất nghiêm túc, học thật thi thật, không có tình trạng hối lộ, xin điểm, làm bài hộ – nên dù bạn có lười đến đâu, gần ngày thi cũng phải cày ngày cày đêm để học. Mà cũng chính nhờ những lần cày ngày cày đêm đó, mình có thêm tinh thần vững để đối mặt với những áp lực công việc sau này.
Học thì khó như vậy, nhưng điểm cộng là cộng đồng học trong RMIT có nhiều sự hỗ trợ. Các thầy cô không ngần ngại nếu sinh viên hẹn gặp và hỏi bài. Bên ngoài lớp có những chương trình hỗ trợ sinh viên cho sinh viên, tức là một bạn sinh viên giỏi đạt điểm cao kỳ trước sẽ hướng dẫn và giúp các bạn đang gặp khó khăn kỳ này. Vậy nên cũng bớt khổ.
Nói chung, mỗi môi trường đều có cái khó cái khổ riêng. Không phải thấy khó là nản và bỏ, chúng ta chỉ cần hiểu rằng có những khó khăn như vậy trước mắt và lên dây cót tinh thần để chuẩn bị đối mặt vượt qua nó.
Về tác giả Lê Tuấn Anh:
Lê Tuấn Anh là cựu sinh viên loại giỏi chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của Đại học RMIT và hiện đang theo đuổi lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh và sinh viên.
Tuấn Anh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp kỹ năng dành cho sinh viên các trường đại học lớn; và là tác giả cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”. Anh hiện đang công tác tại công ty Tâm Lý Hồn Việt với vị trí Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp.
👉 Đọc thêm: Con học RMIT tốt nghiệp cha mẹ có cần xin việc cho?