NÓI DỐI KHI MẮC LỖI, CON “MẤT” NHIỀU HƠN CON TƯỞNG

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các con trong độ tuổi dậy thì (teen) thường nói dối từ 3 đến 4 lần một ngày. Không phải lời nói dối nào cũng mang mục đích xấu, và chúng được sinh ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc liên tục nói dối sẽ hình thành nên những thói quen độc hại, khiến con có thể gặp phải nhiều rắc rối sau này.

Bố mẹ nên làm gì để con sẵn sàng chia sẻ thật lòng khi mắc lỗi? Có khi nào bố mẹ băn khoăn tại sao con chẳng mấy khi kể về những rắc rối trong cuộc sống của mình, mãi đến khi bị phát hiện thì mới chịu nói ra hay không?

Thông qua những chia sẻ trong bài viết ngày hôm nay, RMIT mong rằng bố mẹ sẽ có thêm giải pháp để giúp con rèn luyện tính trung thực và lòng tự trọng trước những rắc rối tuổi teen.

Nhận diện 03 kiểu nói dối phổ biến của tuổi teen

Các con có thể nói dối theo rất nhiều cách, GS Nancy Darling – chủ nhiệm khoa tâm lý học tại Cao đẳng Oberlin – đã chỉ ra 03 kiểu nói dối phổ biến của các con tuổi teen.

1️⃣ Trốn tránh vấn đề

Con sẽ chủ động né tránh các chủ đề bản thân không muốn đề cập, và khiến bố mẹ phân tâm trong khi cố gắng yêu cầu con phải tiết lộ thông tin mà con không muốn chia sẻ.

2️⃣ Bỏ sót thông tin

Con sẽ lược bớt những thông tin mà con biết là bố mẹ sẽ đặc biệt quan tâm. (Trong trường hợp nếu thông tin đó không thật sự quan trọng hoặc cha mẹ không mấy quan tâm thì sẽ không tính là nói dối.)

3️⃣ Nói sai sự thật

Con cố tình kể những câu chuyện không có thật. Theo giáo sư tiến sĩ Darling, kiểu nói dối này hiếm thấy hơn những kiểu khác.

Tác động tiêu cực từ lời nói dối

Sự thật có thể gây đau đớn trong chốc lát, nhưng sự dối trá sẽ gây đau đớn cả một đời người. Lời nói dối dù rất nhỏ thôi nhưng cũng hoàn toàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi này ở con, song phần lớn con nói dối để tránh rắc rối, và để cảm thấy bản thân độc lập khỏi bố mẹ. Một vài lời nói dối có thể vô hại, nhưng nếu thói quen này kéo dài, chúng có thể dẫn đến những vấn đề khó lường, ví dụ như:

🚩 Sẽ không còn ai tin tưởng khi con nói thật

Câu chuyện nổi tiếng về cậu bé chăn cừu nói dối chính là một ví dụ điển hình cho hệ quả này. Khi con nói dối 1 lần, 2 lần, và nhiều lần nữa, thì độ tin cậy của con sẽ giảm dần đi theo thời gian. Khi không còn lòng tin từ bố mẹ và những người xung quanh, vậy mỗi lúc cần giúp đỡ, con sẽ phải tìm đến ai?

🚩 Chìm sâu trong cảm giác tội lỗi

Để khỏa lấp cái cảm giác sợ hãi, khó chịu khi nghĩ đến việc phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu sót của mình, nhiều người thường chọn nói dối. Tuy nhiên, một lần nói dối sẽ kéo theo nhiều lần nói dối tiếp theo, và để không bị phát hiện ra, con sẽ phải ghi nhớ mọi thứ cùng với cảm giác tội lỗi ấy cả đời.

Nghiêm khắc trước những lời nói dối của con

“Con tôi không phải người như vậy”.

Đây là câu nói vô cùng quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh khi con vướng vào một rắc rối nào đó ngoài xã hội. Trong thực tế, khi con mắc lỗi, bố mẹ đừng vội phủ nhận hay bao dung cho con, bởi một lần bao dung đó có thể để lại hậu quả rất lớn sau này.

1️⃣ Một lần nói dối, bố mẹ sẽ không tin con nữa

Ngày hôm nay con có học hành chăm chỉ không, con có mải chơi mà quên làm bài tập không, mọi lỗi sai dù là nhỏ nhất, thì con cũng nên nói sự thật với bố mẹ. Nếu con cố tình nói dối, hãy cứng rắn bỏ qua những lời “xin xỏ” sau này của con cho đến khi con biết nhận lỗi vì đã nói dối.

2️⃣ Bố mẹ sẵn sàng tha thứ khi con sẵn sàng nói thật

Đôi khi con nói dối là bởi sợi dây kết nối giữa mối quan hệ bố mẹ – con cái chưa đủ bền chặt. Con sợ hãi “cơn thịnh nộ” từ phía bố mẹ mỗi khi con sai. Vì vậy, thay vì giận dữ hay la mắng, hãy cố gắng thể hiện sự điềm tĩnh và cởi mở, đồng thời nói cho con biết rằng bố mẹ sẵn sàng tha thứ cho con.

3️⃣ Con làm sai, con phải “chịu phạt”

Tha thứ không đồng nghĩa với không chịu trách nhiệm. Hình phạt ở đây có thể là cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại, cắt giảm tiền tiêu vặt, v.v… tùy theo tình huống gặp phải mà bố mẹ cùng nhau thống nhất. Khi phải chịu phạt, con sẽ có ý thức trách nhiệm rõ ràng hơn so với việc được tha thứ một cách dễ dàng.

4️⃣ Bố mẹ “chịu phạt” cùng con

Bên cạnh việc tác động một chiều tới con, bố mẹ cũng có thể gián tiếp tạo nên sự ảnh hưởng bằng cách duy trì sự công bằng trong việc đối xử với con. Chắc hẳn bố mẹ nào cũng từng có những lần mắc lỗi với con như thất hứa hay trễ hẹn,… Khi ấy, hãy để con đưa ra ý kiến riêng của mình, đồng thời dũng cảm nhận lỗi thẳng thắn với con. Thi thoảng, đừng ngại chấp nhận một vài “hình phạt” đáng yêu từ phía con nhé! Điều đó sẽ giúp con hình thành sự tự giác và tinh thần trách nhiệm từ chính bố mẹ của mình.

Dù không phải lúc nào con cũng nghe lời bố mẹ, và đôi khi bố mẹ cũng không thể ngăn cản con có những hành động bồng bột, ương bướng. Song, mọi nỗ lực của bố mẹ trong việc uốn nắn tính trung thực của con ngày hôm nay sẽ tạo nên những “người lớn” có tự trọng bản thân cho xã hội sau này. Và điều đó thật sự vô cùng xứng đáng!


Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con trên Blog RMIT & Cha mẹ

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.