Những sai lầm của lối tư duy “Được ăn cả, ngã về không"

Lối suy nghĩ “Được ăn cả, ngã về không” hay còn gọi là lối suy nghĩ “trắng đen rạch ròi” (all-or-nothing thinking) là một cụm từ có vẻ mới mẻ, nhưng thực ra chúng ta rất hay có kiểu suy nghĩ này trong đời sống hàng ngày. Hiểu theo cách đơn giản, đây là lối suy nghĩ hoặc cách nhìn sự việc theo hướng tuyệt đối, hoặc rất tốt hoặc rất tệ, hoặc thành công hoặc thất bại, hoặc hoàn hảo hoặc vô dụng… Khi suy nghĩ theo cách này, chúng ta luôn đặt mình ở một trong hai trạng thái cực đoan, không có vùng “màu xám” vừa phải ở giữa. Có thể bạn cho rằng, tư tưởng rạch ròi minh bạch như vậy là tốt. Nhưng thực ra, cách suy nghĩ này đem đến khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực, có thể kể đến như:

Cầu toàn

Những người suy nghĩ trắng đen rạch ròi thường đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo, bởi dù chỉ có một khuyết điểm nhỏ thôi mọi thành quả sẽ biến thành con số không. Vì vậy họ thường cầu toàn, tự gây áp lực cho mình, dễ lo âu căng thẳng.

Đánh giá sai bản thân

Áp dụng lối suy nghĩ này khiến chúng ta không nhìn nhận bản thân trọn vẹn. Thay vì nhìn bản thân có cả điểm mạnh điểm yếu và có thể thay đổi theo thời gian, chúng ta  nhìn bản thân chỉ có hai thái cực rất tốt hoặc rất tệ. Ví dụ, khi con được cô giáo khen, bạn nghĩ mình là người cha/người mẹ tuyệt vời nhất. Nhưng khi vừa cãi nhau với con thôi, bạn đã nghĩ mình là một người cha/người mẹ tồi tệ. Cách nhìn bản thân này khiến bạn có khi tự cao có khi tự ti, nhưng hiếm khi giúp bạn tự tin về mình.

Gây áp lực cho con

Cách nghĩ này cũng khiến chúng ta gây áp lực cho con cái rất nhiều. Bởi khi nhìn mọi việc toàn tốt hoặc toàn xấu, chúng ta chỉ muốn con có toàn tính tốt, thế mạnh, và rất khó chấp nhận những lỗi lầm hoặc điểm yếu của con. Bạn sẽ chỉ yên tâm và tự hào về con khi con học giỏi, và la mắng hoặc cảm thấy con không có tài năng gì chỉ bởi một bài thi điểm kém mà thôi. Dần dần, con cũng sẽ bị “lây” lối suy nghĩ trắng đen rạch ròi này và bị ảnh hưởng xấu bởi nó. Một trong những tác hại của lối suy nghĩ này đến tâm lý của con là nó khiến con cảm thấy suy sụp và thất bại khi không đạt được điểm số mà con mong muốn. Việc này nếu kéo dài có thể gây tự ti và trầm cảm.

Rất khó để không bao giờ mắc phải cách suy nghĩ trắng đen rạch ròi này. Nhưng bạn có thể tập ý thức mỗi khi bắt gặp mình đang suy nghĩ như vậy, và điều chỉnh góc nhìn của mình ngay lúc đó. Một số cách sau đây có thể giúp ích cho bạn, cho con và cách dạy con.

1. Hạn chế dùng “luôn luôn/lúc nào cũng vậy” và “không bao giờ”

Khi tự nhủ với chính mình hoặc khi nói chuyện với con, hạn chế những từ mang tính tuyệt đối này. Những từ này tạo cho bạn hoặc người nghe suy nghĩ rằng về bản chất mình là như vậy và không thể thay đổi được. Ví dụ, khi con đi chơi về trễ, bạn hãy nói “Mẹ giận vì hôm nay con về trễ”, thay vì “Mẹ giận vì con luôn luôn về trễ.”

2. Tách bạch hành động và giá trị bản thân

Một hành động hay một thất bại không có nghĩa cả con người đó là vô dụng. Bạn hãy hiểu rõ giá trị bản thân mình, và giữ sự hiểu ấy không lung lay khi gặp sai lầm hay thử thách. Hôm nay bạn phạm một lỗi nhỏ chỉ có nghĩa là hôm nay bạn phạm một lỗi nhỏ, điều đó không chứng minh bạn là một người bất tài.

3. “Vòng tròn cuộc sống cũng rất hữu ích trong việc điều chỉnh suy nghĩ trắng đen rạch ròi, bởi nó cho bạn một cái nhìn rộng hơn là bạn chỉ có hai giá trị để so sánh. Ví dụ, thay vì chỉ có thể xem xét con tôi học giỏi/học dở, vòng tròn cân bằng cuộc sống nhắc nhở bạn rằng ngoài học ra, con còn có sức khoẻ, sở thích, đạo đức… Khi có một cái nhìn trọn vẹn hơn, bạn sẽ không quá lo lắng về một mảnh khuyết.

Lối suy nghĩ “được ăn cả, ngã về không” xuất hiện ở rất nhiều người. Điều quan trọng là chúng ta không nên để nó biến thành cách tư duy chủ đạo trong mọi việc, mà hãy nhận thức, và điều chỉnh cho mình một cái nhìn thấu hiểu, trung dung hơn. Tin rằng thay đổi này sẽ giúp cho rất nhiều ba mẹ tận hưởng cuộc sống và nuôi dạy con tốt hơn.


👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách Nuôi dạy & làm bạn với con:

Kỳ vọng của cha mẹ: Bệ phóng hay áp lực lên con?

5 cách giúp cha mẹ tạo “áp lực tốt” cho con

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.