Trong bài viết hôm nay, tôi muốn cùng với quý cha mẹ nhìn lại những quan điểm quen thuộc về nghề nghiệp mà ông bà ta truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, xem thử chúng có còn phù hợp với thị trường lao động ngày nay hay không.
1. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Có thể đây là một trong những bài học hướng nghiệp ta thường nghe nhất vào những ngày còn nhỏ. Ý nghĩa của lời khuyên này không có gì khó hiểu cả, hãy học cho thật tốt một nghề thì không lo đói lo khổ sau này. Vì vậy, cha mẹ thường hay khuyên ta, ”Tập trung vào một thôi con; đừng ham hố quá. Học cái này cho xong rồi tính cái kia sau.” Quan điểm này còn đúng trong thị trường tuyển dụng hiện tại không? Câu trả lời là có và không vì những lý do sau.
Nó vẫn còn đúng vì ở thời hiện đại, để một người thành công trong một lĩnh vực nào đó, chuyên môn trong chuyên ngành càng vững thì cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực ấy càng cao. Ví dụ, một người thợ mộc càng giỏi tay nghề trong việc làm ra những sản phẩm bằng gỗ thật đẹp và phù hợp với thị hiếu người mua thì sẽ càng được ưu ái bởi khách hàng và có thu nhập tốt. Hay một giáo viên Văn càng giỏi kỹ năng sư phạm và kiến thức về môn Văn thì sẽ càng được Hiệu trưởng, đồng nghiệp, cha mẹ, và học sinh yêu quý, ngưỡng mộ, được giữ lại trường, có cơ hội lên những vị trí tốt cho nghề nghiệp của họ.
Nhưng nó không còn đúng vì trong thời hiện đại và tương lai gần, thị trường tuyển dụng đòi hỏi người lao động không chỉ giỏi trong một chuyên môn nào đó mà còn phải giỏi trong rất nhiều mảng khác, mà truyền thông thường gọi nôm nay là ”kỹ năng mềm.” Tôi thì thích gọi nó là kỹ năng tuyển dụng hơn. Hãy dùng hai ví dụ như trên, một người thợ mộc nếu chỉ giỏi trong việc làm ra những sản phẩm bằng gỗ thật đẹp mà không có khả năng giới thiệu các sản phẩm ấy đến khách hàng tiềm năng (kỹ năng marketing) hay không có khả năng làm việc với một người có khả năng ấy để họ giúp mình phần việc đó (kỹ năng làm việc nhóm) thì dù giỏi đến đâu, họ cũng khó có nhiều khách hàng dẫn đến việc thu nhập không cao. Một giáo viên Văn giỏi kỹ năng sư phạm và kiến thức về môn Văn nhưng không có khả năng hiểu được bản chất của hệ thống quản lý của trường, phong cách quản lý của cấp trên (khả năng hiểu về chính trị trong hệ thống công ty) thì dù giỏi đến mấy đi nữa cũng khó được giữ lại hay cho phép phát triển ở vị trí cao hơn.
Vậy thế hệ trẻ hiện tại phải làm gì? Họ nên tập trung vào phát triển những kỹ năng nào họ giỏi một cách tự nhiên và cảm thấy vui vẻ trong lúc sử dụng chúng. Tôi gọi đó là những kỹ năng tạo động lực. Khi tập trung vào phát triển những kỹ năng tạo động lực, họ sẽ không bị gói gọn vào trong một ”ngành học” hay ”công việc” nữa. Thay vào đó, họ sẽ nuôi dưỡng và phát triển điểm mạnh tự nhiên theo chiều hướng rộng. Dĩ nhiên họ vẫn phải chọn một ngành học hay công việc làm sau này, nhưng điều đó không giới hạn họ chỉ phát triển ở trong một khuôn khổ nhỏ hẹp.
Họ có thể theo rất nhiều ngành hay nghề khác nhau ở các thời điểm khác nhau, và ở mỗi lúc thì chọn một để tập trung trong lúc vẫn trải nghiệm và học tập ở các mảng khác. Nếu làm được như vậy, họ sẽ vừa phát triển sâu trong một ngành đủ để có thu nhập và lại phát triển rộng trong những mảng khác để bản thân luôn đa dạng trong kỹ năng và sẵn sàng chuyển tiếp qua lĩnh vực khác khi có cơ hội.
2. Phi thương bất phú
Những ai đến từ gia đình có truyền thống kinh doanh thường hay nghe lời khuyên hướng nghiệp này từ rất sớm. Với những ai muốn đổi đời, muốn được giàu có về vật chất, cũng sẽ tin vào quan điểm này. Ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, quan điểm này phù hợp hay không đều tùy vào những yếu tố sau.
Thứ nhất, định nghĩa như thế nào là giàu sẽ khác từ người này đến người khác. ”Vừa đủ” với một số người này đã là ”giàu có” với một số người khác và ngược lại, ”dư dả” với một số người này vẫn ”chưa đủ” với một số người khác. Do đó, với những ai chỉ cần một đời sống vật chất ở mức trung lưu vẫn có thể đạt được định nghĩa ”giàu có” trong những nghề nghiệp “phi thương.” Ví dụ cụ thể là các nghề nghiệp như phi công, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, chuyên gia tâm lý, nhà văn, đạo diễn ngành phim quảng cáo, …
Thứ hai, một người vì mưu cầu giàu có mà chạy theo ngành kinh doanh và thương mại mà không hề có kỹ năng hay sở thích tự nhiên nào liên quan đến ngành thì chắc chắn là sẽ không thể thành công được trong thế giới thương trường đầy phức tạp và cạnh tranh không ngừng.
Thứ ba, chẳng ai cấm những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực ngoài kinh doanh không thể hợp tác với đồng đội giỏi kinh doanh để mình tiếp tục làm chuyên môn trong khi họ lo mô hình kinh doanh. Tổ đội thành công sẽ mang lại rất nhiều doanh thu và sự thành công cho tất cả mọi người. Vì vậy, một chuyên gia giỏi trong ngành kỹ thuật, hay văn học nghệ thuật, hay tâm lý giáo dục, vv. và vv. nếu hợp tác với đồng đội giỏi kinh doanh và thương mai sẽ đạt được lợi ích kinh tế trong lúc vẫn làm được điều mình thích và giỏi tự nhiên trong chuyên môn.
Kết luận của tôi về quan điểm ‘phi thương bất phú’ là một người vẫn có thể đạt được thu nhập cao và mang lại giàu có cho mình mà không nhất thiết phải học và theo con đường kinh doanh hay thương mại. Bên cạnh đó, việc được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại không đảm bảo một người nào đó sự giàu có mà họ mong muốn nếu họ thiếu kỹ năng và sở thích tự nhiên liên quan đến ngành này.
3. Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề
Câu nói này thật ra đúng với nhất nhiều người vì họ học một ngành và sau này làm một công việc hoàn toàn khác. Nhưng điều nguy hiểm ở đây là các bạn trẻ khi nghe câu này từ những người đi trước thường diễn dịch nó thành, ‘Nếu trước sau gì nghề cũng chọn mình thì tội gì phải tìm hiểu bản thân, phải đi tìm ngành học hay trường học phù hợp; mọi chuyện cứ bỏ mặc rồi từ từ nghề phù hợp cũng đi tìm mình.’
Cách suy nghĩ này rất nguy hiểm, đặc biệt cho những bạn trẻ đang mất phương hướng vì có quá nhiều chọn lựa, thiếu hiểu biết bản thân, sợ ra quyết định sai, và không chủ động trong cuộc sống bản thân. Cách suy nghĩ này cho các bạn một lý do chính đáng để KHÔNG làm gì cả, và đó là điều các bậc cha mẹ không muốn xảy ra.
Để hiểu đúng quan điểm trên, có lẽ chúng ta nên giải thích cho các em rằng khi các em đi học một ngành học hay một nghề nào đó, họ đi học những kỹ năng giúp họ tìm một việc làm tốt trong tương lai. Và khi họ hoàn tất chương trình đào tạo, họ sẽ bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm ngành nghề phù hợp với nhiều chọn lựa khác nhau. Qua thời gian, họ sẽ có duyên gặp gỡ công việc họ ưa thích và phù hợp với kỹ năng họ nhất. Điều quan trọng rằng cuộc hành trình này mất thời gian, cần trải nghiệm, và đòi hỏi các bạn trẻ chủ động tìm kiếm, sống, suy ngẫm, và không bao giờ bỏ cuộc.
4. Tốt nghiệp nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) khó tìm việc làm
Không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Canada, Úc,… có một thời gian dài sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành KHXH-NV không được đánh giá cao trong khả năng tuyển dụng khi họ gia nhập thị trường lao động. Định kiến mà xã hội dành cho họ là kiến thức họ chung chung, mờ nhạt, xa rời thực tế, ít liên quan đến lĩnh vực thương mại và kinh doanh, do đó khó tìm việc làm tốt. Vì vậy cha mẹ ít khi khuyến khích con cái theo nhóm ngành này.
Những năm gần đây, một số nghiên cứu của ngành nhân sự về đề tài này lại cho kết quả hoàn toàn khác hẳn. Kết quả nghiên cứu cho thấy phía tuyển dụng từ các ngành nghề khác nhau, kinh doanh, tài chính, nhân sự, truyền thông, quảng cáo, vv. ưa chuộng tuyển sinh viên xuất thân từ nhóm ngành KHXH-NV vì họ có những kỹ năng mũi nhọn mà sinh viên ở những nhóm ngành khác không được đào tạo sâu, như kỹ năng tư duy, khả năng giao tiếp, và khả năng sáng tạo. Trong trường hợp này, kiến thức đa dạng trong nhóm ngành KHXH-NV lại tạo nên thế mạnh giúp họ phát triển trong các lĩnh vực khác nhau. Dĩ nhiên, họ cũng phải học thêm các kỹ năng chuyên sâu khác vào buổi tối hay ngay trong công việc, nhưng các công ty không ngại tuyển họ vì điểm mạnh nêu trên.
Nhìn lại thị trường tuyển dụng Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào tương tự được làm ở nước ta, nhưng những cuộc trò chuyện, thảo luận với các nhà tuyển dụng, các anh chị chuyên viên ngành nhân sự, các bạn đang ở vị trí quản lý, đều chia sẻ rằng họ không nhìn vào ngành học của sinh viên để tuyển dụng một nhân tài. Họ chỉ nhìn vào nhóm kỹ năng mà sinh viên ấy có, thái độ làm việc tích cực, tinh thần ham học hỏi. Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành KHXH-NV có điểm mạnh là làm việc với con người. Họ hòa đồng, hiểu tâm lý, nắm bắt cảm xúc nhanh, và do đó thích nghi môi trường làm việc khá tốt. Đó là những yếu tố quan trọng để một sinh viên mới ra trường tìm được việc làm thích hợp.
Tôi mong quý cha mẹ và các em hãy suy nghĩ kỹ về luận điểm này của tôi trước khi nhanh chóng gạt bỏ việc học ngành trong nhóm KHXH-NV dù rất phù hợp với sở thích và khả năng tự nhiên chỉ vì nỗi lo sẽ không tìm được việc làm sau này.
5. Đỗ đại học rồi tính sau
Quan niệm ‘đỗ đại học, xong cái bằng rồi muốn làm gì thì làm’ là quan điểm được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam trong mười năm gần đây. Truyền thông và chính phủ khuyến khích các bạn trẻ không cần phải làm ‘thầy’ hơn ‘thợ,’ nếu thích thì cứ học nghề rồi đi làm, không cần phải tốt nghiệp đại học. Nhưng nếu ta hỏi một người bất chợt trên đường về việc cho con học nghề hay học đại học, tôi nghĩ hơn 70% câu trả lời ta nhận được sẽ là ‘đại học’.
Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích lý do đằng sau quan niệm này, cho nên tôi sẽ không nhắc đến trong bài viết. Tôi chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn khác liên quan đến hướng nghiệp để quý cha mẹ và các em học sinh tham khảo.
Thứ nhất, mỗi một người trong chúng ta có mỗi cách tiếp thu kiến thức và trau dồi kỹ năng khác nhau. Có người thích học qua đọc sách và nghe giảng trong lớp, có người học nhanh hơn khi xem phim và hình ảnh, có người tiếp thu và trau dồi kỹ năng rất nhanh khi có người làm cho mình học theo… Nói ngắn gọn lại, có một số lớn các bạn trẻ không hề thoải mái khi phải tham gia chương trình đại học nặng lý thuyết, ít thực hành, học nhiều kiến thức tổng quát trước khi học chuyên sâu ngành mình chọn. Khi phải học trong môi trường này, họ dễ nản lòng, không tập trung được, và có cảm giác mình đang phung phí thời gian vì không học được gì hữu ích. Nếu không hiểu họ, ta sẽ dễ dàng nghĩ rằng họ làm biếng, thiếu tập trung, và thiếu kiên trì. Sự thật là họ thuộc nhóm người học tốt nhất khi lý thuyết đi chung với thực hành; họ cũng sẽ trau dồi kỹ năng nhanh và hiệu quả khi được cầm tay chỉ việc. Vì những đặc điểm này, các chương trình đào tạo kỹ năng ngắn hạn, từ hai năm trở lại, ít lý thuyết, nhiều thực hành, được quan sát và làm theo tại chỗ, sẽ phù hợp với họ hơn chương trình đại học hay cao đẳng.
Thứ hai, để một bạn trẻ bước chân vào công việc đầu tiên, người tuyển dụng cần họ có những kỹ năng thiết yếu, bao gồm kỹ năng chuyên ngành (của ngành họ chọn) và các kỹ năng mũi nhọn khác (giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, chủ động trong công việc, thái độ tích cực). Vì vậy, yếu tố quan trọng là họ theo học một chương trình đào tạo cho ho những kỹ năng chuyên môn cứng và các kỹ năng mũi nhọn vững. Học đại học hay không sẽ không ảnh hưởng để khả năng tìm được một việc làm sau này.
Thứ ba, các bạn trẻ thời hiện đại không kiên nhẫn như thế hệ ông bà và cha mẹ họ. Khi học một chương trình không phù hợp, họ dễ dàng nản, bỏ cuộc, mất tự tin, lạc phương hướng. Lúc ấy, họ và gia đình càng tốn thời gian và tiền bạc nhiều hơn.
Kết luận của tôi là khi quyết định chọn một chương trình để theo học, quý cha mẹ và các em nên nhìn lại xem bản thân các em phù hợp với chương trình đào tạo đại học hay nghề, dài hạn hay ngắn hạn, lý thuyết nhiều hay thực hành nhiều hơn. Đừng lấy tiêu chí xong đại học làm chuẩn vì ở thời đại hiện tại, với những yếu tố tôi vừa nêu trên, tôi e rằng tiêu chí này không còn thích hợp nữa.
6. Kết luận
Mỗi thời đại sẽ có những quan điểm mới về hướng nghiệp xuất hiện. Điều này không có nghĩa rằng các quan điểm cũ đã hoàn toàn lỗi thời. Tuy nhiên, quý cha mẹ nên giúp các em vận dụng kỹ năng tư duy để phân tích xem những quan niệm hướng nghiệp ấy còn đúng chỗ nào, lúc nào, với ai, và không còn phù hợp vì lý do gì. Như vậy, các em không dễ dàng bám vào một quan điểm nào đó để ra quyết định quan trọng cho tương lai.
Phoenix Hồ Phụng Hoàng – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam
—
Thông tin về tác giả Phoenix Hồ Phụng Hoàng
Chị Phoenix Hồ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Chị đã tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng nghiệp cho giáo viên cấp 2, 3; và là tác giả cuốn sách “Cứ đi để lối thành đường”, với chủ đề về hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.
Chị Phoenix có bằng Thạc sĩ Tư vấn và Phát triển Hướng nghiệp của trường Đại học Santa Clara (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quản trị Giáo dục của trường Đại học RMIT. Chị từng giữ vị trí Quản lý tư vấn và hướng nghiệp tại trường Đại học RMIT Việt Nam trong nhiều năm.