Những khác biệt giữa môi trường phổ thông và đại học

Bước chân vào đại học, các tân sinh viên sẽ phải đối mặt với vô vàn điều mới mẻ – từ thầy cô bạn bè, kiến thức đến cả những mối quan tâm lần đầu tiên phải lo lắng như tài chính, công việc. Vậy những điều khác biệt này là gì và làm thế nào để cha mẹ và con có thể lựa chọn một trường đại học phù hợp và cùng con vượt qua những thử thách này? Dưới đây là những câu chuyện hữu ích và thú vị dành cho những tháng ngày học đại học đầu tiên của con.

1. Giữa giảng đường

Điểm A ở năm nhất. Có hàng trăm lí do để đánh mất điểm A – tâm lí nghỉ ngơi, chưa quen với cường độ học tập mới, bận bịu công việc ở câu lạc bộ, hay… nhầm giờ thi. Thực tế, cách học và chấm điểm ở đại học sẽ rất khác so với những năm cấp 3, chính vì thế, năm nhất là thời điểm phù hợp  để các con làm quen với phương pháp giảng dạy và học tập tại môi trường đai học, từ đó điều chỉnh bản thân để có thể đạt được mục tiêu học tập của mình, bởi các môn học lúc này vẫn còn ở mức độ đại cương, càng về sau, các con sẽ càng gặp được các môn khó hơn và việc đạt được điểm cao không phải là điều dễ dàng. Việc cố gắng học tốt ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học sẽ giúp các con có một bảng điểm đẹp. Điểm số có thể không quan trọng về lâu về dài nhưng với những sinh viên mới tốt nghiệp một bảng điểm đẹp sẽ là một thuận lợi lớn khi các em nộp đơn xin thực tập hoặc đi du học trao đổi ở năm hai, năm ba. Các trường đại học uy tín luôn xây dựng trung tâm hỗ trợ học tập cho sinh viên. Ở đó, các con có thể nhận lời khuyên về chiến lược học tập hiệu quả, ôn luyện cùng các giáo sư hay đặt lịch kèm riêng. Ở RMIT, sinh viên còn có chương trình Peer Assisted Learning (PAL – tạm dịch là Bạn bè hỗ trợ học tập) – nơi sinh viên có thể kết nối với chính bạn học của mình để được giúp đỡ, chia sẻ về các bài học trên lớp.

Ôn thi trước một ngày. Khi còn là học sinh cấp 3, các con thường có hẳn một tuần tập trung chuẩn bị cho kì thi cuối kì. Nhưng lên đại học thì thời gian và năng lượng đó sẽ bị phân tán ít nhiều. Đợi đến đêm trước khi thi mới mở sách ra ôn, làm bạn triền miên với café là điều có lẽ không quá xa lạ với các cô cậu sinh viên ngày nay. Trì hoãn việc học đến phút chót là một sai lầm trong phương pháp học. Bởi lẽ, kiến thức đại học nhiều và nặng, tiếp nhận hằng ngày sẽ đơn giản hơn “nhồi nhét” trong vài tiếng đồng hồ căng thẳng. Gần đến ngày thi, các con có thể học nhóm cùng bạn, lên văn phòng hỏi giảng viên, đến thư viện đọc thêm sách – những cách rất hiệu quả để ôn tập khi đã có hệ thống kiến thức sẵn được tích luỹ mỗi ngày. Hơn hết, cha mẹ nên giúp con xác định thái độ học tập đúng đắn: “Con đã cố gắng hết sức để vào đại học, chúng ta trả học phí để con có cơ hội được tiếp nhận tri thức, vì thế, bài giảng con được nghe hôm nay là một điều may mắn, không phải là gánh nặng.”

2. Trên hành lang

Kết bạn đại học. Bước vào đại học, bạn bè từ bốn phương đổ về chung một lớp. Bạn của các con khác thành phố, vùng miền, thậm chí với những con du học hay học ở trường quốc tế, là khác cả quốc tịch và phông văn hoá. Điều này là nguồn gốc cho câu chuyện muôn thuở thời sinh viên: “lên đại học con chẳng biết chơi với ai”. Cha mẹ không nên hoang mang lo chuyện con bị “cô đơn” hay “lập dị” ở trường. Thực tế, đây là điều hết sức bình thường trong quá trình các con bước dần ra cuộc đời – nơi các con sẽ gặp gỡ với vô vàn kiểu người – có những người hoàn toàn khác biệt với mình. Để con bớt bỡ ngỡ với điều này, các trường đại học lớn luôn xây dựng trung tâm hỗ trợ toàn diện sinh viên nhằm giúp các con có trải nghiệm học tập và trưởng thành thuận lợi nhất. Ví dụ, các bạn sinh viên RMIT sẽ tìm đến “Wellbeing Center” (tạm dịch là: “Phòng chăm sóc sức khoẻ và tâm lý”) để tâm sự và lắng nghe lời khuyên về mọi “nỗi niềm” của mình – từ sức khoẻ, học hành cho đến vô vàn những rắc rối khác. Vượt qua được những khó khăn đầu tiên này, các con sẽ học được cách sống hoà hợp với những người xung quanh, học được nhiều bài học về đối nhân xử thế, và đôi khi còn có thể nhận ra được những mối quan hệ thực sự giá trị.

Cuộc sống sôi động của một sinh viên. Tất nhiên, đại học cũng hoàn toàn có thể cho ta những trải nghiệm xã hội tuyệt vời nếu các con biết cách tận dụng nó. Câu lạc bộ, các dự án tình nguyện, các chương trình trao đổi không chỉ là cơ hội để các con kết bạn, mở rộng mạng lưới mà còn là tiền đề cho những mối quan hệ ý nghĩa. Chính vì vậy, năm nhất chính là khoảng thời gian rất phù hợp để các con tham gia những hoạt động này – tràn đầy nhiệt huyết, nhiều thời gian trống và dễ  tiếp thu các kinh nghiệm, lời khuyên từ các anh chị khoá trước. Không chỉ vậy, phương pháp học tích luỹ tín chỉ hiện nay còn là cơ hội để sinh viên có thể gặp gỡ, làm quen thêm nhiều bạn bè thay vì chỉ gói gọn mạng lưới quan hệ của mình trong một lớp như các năm trung học trước.

3. Ngoài cổng trường

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của các sinh viên chính là sự nghiệp tương lai  – bắt đầu với các công việc bán thời gian, thực tập và sau này là phỏng vấn cho vị trí chính thức. Điều mà các con mong muốn nhất từ cha mẹ lúc này chính là sự lắng nghe và tin tưởng. Chập chững bước những bước đầu tiên vào đời, chắc chắn sẽ có nhiều bối rối, va vấp. Lúc này, sự chia sẻ và ủng hộ của cha mẹ chắc chắn sẽ là “điểm cộng tuyệt đối” trong mắt cô cậu sinh viên đang nhiều ấp ủ bay xa, “thoát kén”. Chiếc áo sơ mi cho buổi phỏng vấn đầu tiên, góp ý khi con kể về ngày đầu tiên đi làm hay động viên khi con được nhận vào chỗ làm mơ ước là những việc rất ý nghĩa mà cha mẹ có thể dành cho con vào thời gian này.

4. Giấc ngủ và sự cân bằng

Sinh viên vẫn nói để hoàn tất được ba điều trên sẽ cần đến 48h một ngày. Tất nhiên, khoảng thời gian còn thiếu sẽ được đánh đổi bằng giấc ngủ và sức khoẻ. Đây cũng chính là một trong những bài học vô cùng quan trọng trước khi bước vào cuộc sống tự lập – cách cân bằng cuộc sống của mình. Cha mẹ có thể cùng con vạch ra những dự định ngắn và dài hạn, từ đó xác định xem ở từng giai đoạn, học tập, các mối quan hệ xã hội hay sự nghiệp là quan trọng hơn cả. Có được đích đến, các con sẽ tìm được hướng đi – điều nào ưu tiên, điều nào nên gác lại.

Một sinh viên giỏi không phải là người được A ở tất cả các môn, không phải là “bạn của cả thế giới”, không phải là con nghiện công việc quanh năm không thấy mặt trên lớp, cũng không phải là con gấu trúc mắt thâm quầng bơi vô vọng trong núi bài vở và công việc. Một sinh viên giỏi sẽ người người học hiệu quả, chơi thông minh, làm việc nhiệt huyết. Và đi ngủ đúng giờ.

Một phụ huynh quan tâm đến con không phải là một phụ huynh làm hộ con tất cả mọi việc mà là một phụ huynh thấu hiểu nhu cầu của con để cùng con đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất, một trong số đó là lựa chọn một môi trường học tập, nơi con được phát huy hết khả năng của mình, và quan trọng hơn là nơi luôn sẵn sàng hỗ trợ khi con gặp khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.