NHỮNG HIỂU LẦM/ĐỊNH KIẾN/LO LẮNG CỦA CHA MẸ VỀ NGÀNH THIẾT KẾ

Bài viết thuộc Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Hiểu lầm 1: Học Thiết kế chỉ dành cho những ai có đầu óc nghệ sĩ?

Khi tìm hiểu ngành học, nhiều cha mẹ thường cho rằng thiết kế là học thành họa sĩ.

Điều này SAI. Nghệ sĩ hay họa sĩ là một hướng đi khác hẳn, độc lập. Không phải ai làm thiết kế cũng là nghệ sĩ, đồng thời rất nhiều họa sĩ, thiết kế có tư duy thực tế, sâu sắc.

Người làm thiết kế cũng nắm rõ các yếu tố thực tế liên quan tới sản phẩm. Ví dụ khi làm thiết kế các sản phẩm đồ họa để in ra như các cuốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, sách truyện…,, người làm thiết kế hiểu rất rõ những kích thước nào khách hàng nên dùng, để tối ưu cuộn giấy, giảm giá thành sản phẩm khi in ra. Hay đơn giản là một cái logo nếu định cắt lên kim loại thì chi phí sẽ thay đổi ra sao giữa một logo đơn giản so với một mẫu phức tạp uốn lượn. Làm nghề thiết kế bên cạnh sự sáng tạo luôn đi kèm những cân nhắc phương án thiết kế tới hiệu quả, chi phí chung.

Nếu như trước đây, sản phẩm làm ra chỉ cần có công năng là đủ, ngày nay điều khiến sản phẩm khác biệt nằm chủ yếu ở thiết kế. Những nhãn hàng có tên tuổi lớn cũng có phong cách thiết kế riêng mà chỉ thoáng nhìn ra người ta có thể nhận ra thương hiệu.

Ví dụ như cùng chiếc bút để dùng với máy tính bảng, bút của Apple và Samsung có kiểu dáng thiết kế khác hẳn nhau nhìn có thể phán đoán được ngay. Người làm thiết kế khi làm việc còn phải cân nhắc rất nhiều về các kỹ năng chéo: Thương hiệu, marketing, trải nghiệm người dùng, thiết kế giao diện của sản phẩm vậy.

Tại RMIT, các chương trình học thiết kế như: Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo hay Thiết kế Truyền thông số đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường để sau này các em có thể phát triển lên các vị trí quản lý thiết kế như Art Director (Giám đốc nghệ thuật), Design Director (Giám đốc thiết kế), Creative Service Lead (Giám đốc sáng tạo) vv… Sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng đảm nhiệm những công việc và dự án lớn cho các khách hàng trong nước hay đa quốc gia, cũng như tự thành lập công ty riêng về thiết kế sáng tạo khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm.

Hiểu lầm 2: Thiết kế không liên quan gì đến công nghệ

Trên thực tế, người làm thiết kế dùng rất nhiều phần mềm trong công việc, và thường xuyên tiếp xúc với các công nghệ mới. Khi bắt đầu học thiết kế, các con sẽ cần biết và sử dụng một số công cụ phổ thông ví dụ như ngôn ngữ lập trình HTML, CSS, Illustrator, Photoshop, InDesign hay Figma.

Trong công việc, có những mảng việc thiết kế sử dụng những công nghệ mới nhất như thiết kế Game, thiết kế các ứng dụng thực tế ảo (Augmented reality). Chưa kể, do công nghệ phát triển sản phẩm và mong đợi của người tiêu dùng phát triển theo, do đó yêu cầu cần có thiết kế mới cũng liên tục thay đổi. Có thể nói, Thiết kế là ngành tay trong tay với công nghệ.

Tại RMIT, sinh viên được học tập trong môi trường học hiện đại nhằm đón đầu những đổi mới công nghệ trong thiết kế, ứng dụng sự giao thoa giữa thực tế và thế giới số. Các em được tiếp cận những tiện ích học tập mới nhất như phòng thực tế ảo, phòng sản xuất phim và video, bộ phần mềm hậu kỳ video với hệ thống chỉnh sửa phi tuyến và phòng thu âm…

Hiểu lầm 3: Lương thấp, khó tìm việc

Trong bất kỳ ngành nào từ truyền thông, quảng cáo đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng cần những vị trí thiết kế. Vị trí thiết kế thường gặp trong những công ty sau:

–Doanh nghiệp, cơ quan nhà nước
–Các nhãn hàng lớn
–Các công ty quảng cáo, marketing
–Các công ty làm phim và truyền hình
–Công ty thiết kế web
–Tập đoàn lớn
–Tự mở công ty riêng.

Khi người làm thiết kế đã có đủ kinh nghiệm, họ thường có cơ hội tách ra làm việc độc lập, hoặc mở công ty riêng nếu muốn. Đây là cơ hội, hướng đi mà nhiều ngành học khác không dễ có được. Còn nếu làm việc trong một tập đoàn lớn, con đường sự nghiệp của họ có thể phát triển lên Chief Design Officer, CDO, là Giám đốc thiết kế, chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ các khía cạnh của thiết kế và sáng tạo trong toàn bộ dịch vụ, phát triển sản phẩm của công ty. Những công ty có vị trí này cũng đồng thời là các công ty ‘design-led’’ nghĩa là lấy Thiết kế làm đầu tàu, có sức ảnh hưởng dẫn dắt hoạt động của công ty.

Về mặt bằng lương, theo Vietnam Salary by Career Builder, lương tháng trung bình của Thiết kế có 3-5 năm kinh nghiệm tại Việt Nam có thể lên tới 1000-1800 đô la Mỹ, những vị trí quản lý thì mức lương có thể cao hơn nhiều. Còn ở nước ngoài, mức lương thường thấy cũng không thấp, ví dụ ở Mỹ là 60 nghìn đô Mỹ/năm, tại Úc là 80 nghìn đô, hay 38 nghìn bảng tại Anh. Mức lương trung bình này cao hơn khá nhiều ngành khác. Trong các nhánh nhỏ của thiết kế, hiện tại có mảng UX (trải nghiệm người dùng) có mức lương trung bình cao hơn các nhánh khác khoảng 25%.

Chưa kể, trong thời đại thế giới phẳng, nếu con muốn tìm công việc mới tại nước ngoài, không giống như kiến trúc sư, bác sĩ, thường phải học lại và lấy lại bằng mới, với kinh nghiệm làm việc, con có thể dễ dàng gia nhập, phát triển sự nghiệp tại nước ngoài một cách thuận lợi.

Người làm thiết kế cũng có nhiều cơ hội nhận thêm việc làm ở ngoài bên cạnh công việc chính để tăng thêm thu nhập và kinh nghiệm. Một số website như Upwork hay Fiverr, Freelancer.com... là những nền tảng mà nhiều designer tham gia để tìm được việc làm thêm như vậy và khá phổ biến với dân trong ngành.

Hiểu lầm 4: Làm Thiết kế không cần học chính quy

Đây là hiểu lầm do đơn giản hoá vấn đề quá mức thành ra sai. Thực tế cho thấy, có người bước chân vào thiết kế không trường lớp song không phải ai cũng thành công với hướng đi này. Cùng lúc, một người làm thiết kế giỏi rất hiếm khi phải mang bằng ra để đi xin việc, bản thân sản phẩm của họ đã nói lên điều đó. Việc được học một cách hệ thống, có phương pháp giúp các con có sức bật xa hơn trên đường đời.

Vì là công việc phức tạp, đòi hỏi tính sáng tạo, óc phân tích giải quyết vấn đề, giao tiếp và kỹ năng phát triển ý tưởng, học thiết kế một cách quy củ giúp sinh viên có phương pháp tiếp cận vấn đề khoa học, có kiến thức thực tế, hơn là tự mày mò.

Ngoài ra, do ngành này rộng lớn và phát triển liên tục, được học tập chính quy sẽ giúp các con xây dựng được tư duy thiết kế, được lựa chọn học thêm các kỹ năng mềm bổ trợ cho hướng đi dự định. Lợi thế này giúp các con định hướng tốt hơn, tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức sử dụng chéo trong nhiều ngành, giúp các con có thể nhanh chóng thích nghi, linh hoạt khi bước chân vào xã hội.

Hiện 2 ngành Thiết kế – Thiết kế Ứng dụng sáng tạo (Design Studies: Cử nhân Thiết kế (Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo) – RMIT University) và Thiết kế Truyền thông số (Digital media: Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) – RMIT University) đang được giảng dạy tại RMIT sẽ giúp con xây dựng tất cả những kỹ năng và tư duy thiết kế như trên. Ngoài ra, việc học hoàn toàn bằng tiếng Anh trong môi trường quốc tế cũng sẽ mang lại cho con nhiều cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hay làm việc tại nước ngoài theo nhu cầu và mong muốn phát triển sự nghiệp của bản thân con.


▪ Đọc bài 1: Nghề Thiết Kế: “Combo” làm việc tại bất kỳ đâu + không có tuổi về hưu

▪ Tìm hiểu thêm về ngành Thiết kế Truyền thông số tại RMIT ở đây

▪ Tìm hiểu thêm về ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo tại RMIT ở đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.