Những gì cha mẹ nên lo, những gì để con tự lo? hướng nghiệp

Được lo và chăm sóc cho con là niềm vui của cha mẹ. Không cha mẹ nào muốn con thất bại hay vấp ngã. Tuy vậy đôi khi chính vì “lo lắng quá” mà cha mẹ vô tình làm con khó chịu, con cảm thấy không được tự do, từ đó giữ khoảng cách tình cảm với cha mẹ và ít tâm sự với cha mẹ hơn.

Để giúp cha mẹ có kết nối tốt hơn với con, chúng tôi chia sẻ bài viết này dưới góc nhìn của một chuyên gia hướng nghiệp – anh Lê Tuấn Anh, cựu sinh viên RMIT, thành viên Hiệp hội hướng nghiệp Châu Á Thái Bình Dương, chuyên gia tư vấn và giáo dục hướng nghiệp với 8 năm kinh nghiệm, diễn giả về hướng nghiệp cho sinh viên, tác giả 5 cuốn sách Nhắm mắt bắt được việc (2017), Định vị bản thân (2018), Một ngày của tôi có 48 giờ (2020), Freelancer muốn tự do phải tự lo (2021), Đừng Để Bị Loại Từ “Vòng Gửi Xe” (2022)… – về cách để cha mẹ lo cho con đúng cách, điều gì nên lo và điều gì nên để cho con được tự do.

Thuyết vòng tròn quan tâm

Theo Stephen Covey, tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng 7 Thói Quen Hiệu Quả, những mối quan tâm của một người được thể hiện bằng 3 hình tròn lồng ghép như hình bên.

✔️Vòng tròn quan tâm ở ngoài cùng là tất cả những mối quan tâm của một người. Đó có thể là chuyện tài chính của bản thân, con cái, gia đình nội ngoại hai bên, công việc hoặc tình hình kinh tế chính trị, Covid-19, vân vân.

✔️Vòng tròn ảnh hưởng ở giữa là những điều chúng ta quan tâm và có thể tác động được phần nào, kết quả có thể thay đổi hoặc không thay đổi theo ý chúng ta.

✔️Vòng tròn kiểm soát ở trong cùng là những gì chúng ta có thể điều khiển được 100% theo ý muốn của bản thân.

Ứng dụng thuyết vòng tròn quan tâm vào việc dạy con

Cha mẹ thường mong con cái học ngành này, trường kia, làm điều này điều khác theo ý của cha mẹ, vì cha mẹ cho rằng như vậy là tốt cho con. Nếu con làm trái ý sẽ bị coi là hư, không nghe lời cha mẹ, làm cha mẹ buồn. Ở ví dụ này, những quyết định của con đang nằm trong vùng vòng tròn ảnh hưởng. Trong vòng tròn này chúng ta có thể ảnh hưởng phần nào, nhưng không chắc chắn 100% kết quả như ý muốn và cũng không nên kì vọng 100% kết quả như ý muốn. Ví dụ, cha mẹ có thể tạo điều kiện cho con học thêm, đưa con đến các chương trình trải nghiệm như Hội thảo hay Ngày hội trải nghiệm của RMIT để khuyến khích con tìm hiểu thêm về trường, tuy nhiên việc quyết định học ngành gì, trường nào nên là quyết định của con. Cha mẹ hãy nhớ:

🔸 Chúng ta có thể ảnh hưởng bằng việc cung cấp thông tin cho con nhưng không nên quyết định hộ con việc học ngành nào trường nào.

🔸 Chúng ta có thể ảnh hưởng bằng việc chia sẻ những trải nghiệm tình cảm, mối quan hệ với con nhưng không nên quyết định thay cho con việc yêu người nào, chơi với ai.

Vòng tròn kiểm soát của mỗi cha mẹ là lời nói, hành động, cách phản ứng của chúng ta với con. Thế hệ Gen Z (sinh năm 1997 trở đi) là một thế hệ rất mới với những tính cách khác biệt, điều cha mẹ có thể làm để cải thiện vòng tròn kiểm soát đó là học để hiểu hơn về thế hệ này. Cha mẹ có thể học qua các lớp học tâm lý và hướng nghiệp về dạy con, hoặc đọc các bài viết về tính cách Gen Z tại mục Nuôi dạy con. Nếu làm đúng cách, cha mẹ sẽ là trở thành một người bạn đáng tin cậy để con tâm sự khi cần. Với các bạn trẻ hiện nay, đôi khi chỉ cần có người tâm sự là đủ giải quyết vấn đề, không nhất thiết cha mẹ phải đưa ra giải pháp thay con.

Danh sách các đơn vị trợ giúp về hướng nghiệp và tâm lý giúp cha mẹ hiểu hơn về con

Vòng tròn quan tâm ngoài cùng là những chuyện như kinh tế suy thoái, khủng hoảng thị trường việc làm, vân vân. Về cơ bản đây là những chuyện mà cá nhân mỗi người không thay đổi được, điều cha mẹ có thể làm cùng con với vòng tròn này là cập nhật thêm các kiến thức. Đọc sách, đọc báo, xem tin tức để theo dõi những diễn biến thị trường, kinh tế, xã hội và thảo luận cùng con. Một số nguồn thông tin tham khảo tốt cho cha mẹ:

Trung tâm dự báo nguồn nhân lực với các thông tin về thị trường việc làm

Vietcetera để hiểu hơn về đời sống của giới trẻ hiện nay

Tóm lại

Những điều cha mẹ nên lo bao gồm:

🔸 Học và tìm hiểu thêm về đặc điểm tính cách của nhóm tuổi con
🔸 Tạo điều kiện cho con được khám phá, trải nghiệm
🔸 Nói những lời nói đúng mực để động viên con

Những điều cha mẹ nên để con tự lo:

🔸 Ra các quyết định liên quan đến ngành học, trường học
🔸 Sắp xếp thời gian cho việc học tập và làm thêm
🔸 Xử lý các mối quan hệ trong cuộc sống

Hi vọng cha mẹ có thể áp dụng thuyết vòng tròn quan tâm hiệu quả trong việc nuôi và dạy con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc và thành công.


👉 Đọc thêm các bài viết bổ ích về Hướng nghiệp | Định hướng nghề nghiệp cho teen – Đừng để con lại một mình!

👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm việc với con tại chuyên mục Nuôi dạy con hoặc trang Facebook RMIT & Cha mẹ

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.