Bài viết thuộc chuỗi bài viết giới thiệu về ngành Quản trị Nhân sự và Tổ chức
RMIT xin giới thiệu tới cha mẹ chuỗi bài viết giới thiệu về ngành Quản trị Nhân sự và Tổ chức nhằm cung cấp thêm thông tin giúp các con học sinh và cha mẹ hiểu sâu hơn về công việc, cơ hội nghề nghiệp của một sinh viên tốt nghiệp ngành này.
Chuỗi bài viết được thực hiện bởi anh Lê Tuấn Anh, quản lý chuyên môn hướng nghiệp tại TopCV – một công ty hàng đầu về tuyển dụng, đồng thời là chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cá nhân và là một cựu sinh viên RMIT.
Nhân sự và Tổ chức là một trong những chuyên ngành học thuộc ngành Cử nhân kinh doanh tại RMIT đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Mặc dù đang là ngành ‘hot’ theo xu hướng, vẫn có nhiều nhầm tưởng và định kiến về đặc thù công việc nhân sự và tổ chức so với nhóm công việc hành chính trước đây. Mời cha mẹ cùng đọc bài viết để hóa giải những hiểu nhầm này.
Định kiến về tính chất công việc
Một số người cho rằng công việc nhân sự nhàm chán, lặp lại và chỉ mang tính chất hỗ trợ các phòng ban, đơn vị khác trong công ty. Những thông tin trên mô tả một phần công việc hành chính thời gian trước đây, nhưng không bao quát đủ tính chất toàn bộ công việc quản trị nhân sự hiện nay.
Như cha mẹ đã đọc trong các bài viết trước về con đường nghề nghiệp ngành nhân sự, ngoài mảng hành chính còn có rất nhiều các mảng công việc khác nhau như:
Tuyển dụng: đây là công việc đòi hỏi sự nhanh nhạy về thị trường, hiểu biết tâm lý con người và có kiến thức truyền thông để tìm kiếm và đem về nhân tài cho công ty. Đến tháng 12/2021, khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe “cảnh báo” tỷ lệ người đi làm đang tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%. Đây là một con số rất cao, vì vậy càng đòi hỏi nhiều hơn vai trò của người làm tuyển dụng trong công ty. Bên cạnh việc làm tuyển dụng nội bộ tại công ty, thị trường Headhunter (săn đầu người) cũng đang là là một trong những dịch vụ phát triển mạnh mẽ trong ngành nhân sự. Vào thời gian đầu, thị trường Việt Nam chỉ có 200 công ty headhunter nhưng chỉ sau vài năm, con số này đã lên đến 500 và phân bổ khắp cả nước (theo TalentNet). Người làm Headhunt rất cần sự nhạy bén về kinh doanh, khả năng giao tiếp và thuyết phục tốt, khả năng quản lý công việc và con người xuất sắc.
Như vậy, cha mẹ có thể thấy công việc ngành nhân sự không nhàm chán như chúng ta tưởng. Thị trường lao động đang thay đổi rất nhanh mỗi ngày và công việc nhân sự đang đóng góp theo nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi người học cần có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng khác nhau.
Định kiến về kiểu người phù hợp với nghề nhân sự
Nhắc đến nghề nhân sự, một số người lớni cho rằng nghề này chỉ phù hợp với nữ giới bởi công việc nhẹ nhàng, mang tính hỗ trợ. Một số bạn trẻ hiện nay khi mới tìm hiểu thì có định kiến rằng nghề nhân sự chỉ hợp người hướng ngoại do phải tiếp xúc với con người nhiều. Tất cả những định kiến trên xuất phát từ việc chúng ta mới chỉ nhìn thấy một góc nhỏ của ngành.
Như đã chia sẻ ở trên và các bài viết trên, trong ngành nhân sự được chia ra làm nhiều mảng khác nhau như hành chính, tuyển dụng, đào tạo. Ở mỗi mảng lại cần những cá nhân có kiểu tính cách khác nhau để đáp ứng đặc tính công việc.
Ví dụ, người làm hành chính đảm nhận công việc tính lương, xử lý hồ sơ giấy tờ cần tính cách tỉ mỉ, cẩn thận, hướng nội có thể phù hợp. Cũng là công việc hành chính, nếu bạn thường xuyên làm việc với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, bạn cần có sự nhanh nhạy và khôn khéo trong giao tiếp, phù hợp với người hướng ngoại. Hai mảng tính cách khác nhau đều có thể làm công việc hành chính.
Ví dụ khác về công việc đào tạo. Một người thích nghiên cứu, đào sâu, tiếp xúc với dữ liệu có thể tập trung làm các công việc xây dựng học liệu, phát triển chương trình. Trong khi đó một người có khả năng tương tác với con người, không ngại đám đông, nhiều năng lượng có thể phù hợp để đứng lớp giảng các nội dung.
Chính vì đặc thù đa dạng như trên, thực tế nghề nhân sự có thể phù hợp với bất cứ ai, bất cứ kiểu tính cách nào. Nếu con hoặc cha mẹ đã bắt đầu tìm hiểu về nghề này, điều quan trọng tiếp theo là tìm hiểu sâu hơn về các ngành nghề trong nhân sự xem nhóm ngành nghề nào phù hợp với tính cách hiện tại của con, từ đó xây dựng lộ trình học phù hợp nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp học ngành chính Nhân lực và tổ chức cùng các ngành phụ khác như chương trình Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT có thể giúp con có kiến thức đa ngành, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi và làm được nhiều kiểu công việc khác nhau.
▪ Những lựa chọn nghề nghiệp nếu con theo ngành Nhân sự và Tổ chức
▪ Quản trị nhân sự và tổ chức: ngành học mới với những công việc hấp dẫn trong tương lai
▪ Con muốn học về Quản trị Nhân sự: hướng đi nào phù hợp, tính cách nào phù hợp?
▪ Tìm hiểu thêm về chương trình Cử nhân Kinh doanh (mới) của Đại học RMIT