quản lý chuỗi cung ứng & logistics

Sau khi 2 bài viết đầu tiên trong loạt bài về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics được đăng tải trên các kênh thông tin của RMIT, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ cha mẹ về ngành này. Đặc biệt, nhiều cha mẹ lo lắng liệu ngành đó có vất vả cho con gái quá không, hay làm ngành này toàn làm việc tay chân, suốt ngày ở ngoài cảng biển, bến bãi…

Vì vậy, trong bài viết tiếp theo dưới đây, chúng tôi xin được chia sẻ thêm về một số định kiến sai lầm về nghề nghiệp trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics (gọi tắt là QLCCU và Logistics) nhằm giúp cha mẹ hiểu kỹ hơn về ngành để khuyến khích con theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực này nếu con thực sự yêu thích và phù hợp với nó.

Bài viết được thực hiện bởi chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, cựu Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời là chuyên viên hướng nghiệp cá nhân.

Định kiến về Giới tính

Nhiều cha mẹ có con gái băn khoăn rằng không biết con mình có phù hợp với cái nghề vất vả này hay không. Cha mẹ thường có ấn tượng hoặc mặc định rằng nghề Logistics là gắn liền với hàng hóa, với cảng, với xe tải, nói chung là nhưng thứ rất phong sương và dãi dầu hoặc đây là ngành đòi hỏi thể lực và ý chí mạnh mẽ mà chỉ đàn ông mới đáp ứng được. Thực tế không phải như vậy.

Như cha mẹ đã đọc trong các bài viết trước về các môi trường làm việc chính của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành QLCCU và Logistics là các công ty cung cấp dịch vụ logistics và các công ty sản xuất.

Việt Nam có khoảng 4000 công ty (con số áng chừng) cung cấp dịch vụ logistics mà trong đó phần lớn là các công ty nhỏ hoặc rất nhỏ với chỉ một vài loại hình dịch vụ chủ yếu như dịch vụ giao nhận, làm thủ tục giấy tờ, kê khai hải quan, dịch vụ vận tải…Công ty càng lớn thì loại hình dịch vụ càng nhiều. Như vậy vị trí công việc sẽ phụ thuộc vào độ lớn của công ty và các loại hình dịch vụ của công ty cung cấp.

Tuy nhiên dù công ty logistics dù lớn hay nhỏ thì đều có thể chia nhân sự thành 2 bộ phận là bộ phận vận hành và bộ phận hỗ trợ với tỷ lệ áng chừng là 80/20.

Bộ phận vận hành sẽ làm việc liên quan đến hoạt động dòng lưu chuyển của hàng hóa và dòng thông tin tại nhà kho, trong quá trình vận tải phân phối cũng như các hoạt động tại các đầu mối cảng, sân bay.

Bộ phận hỗ trợ sẽ làm những công việc liên quan đến tìm kiếm khách hàng, thiết kế giải pháp cho khách hàng, mua hàng, thương vụ, pháp chế…. Ngay trong bộ phận vận hành thì cũng có hai môi trường làm việc là tại hiện trường (vận hành kho, trung tâm phân phối, vận hành đội xe, kê khai hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu…) và tại văn phòng (đặt chỗ, lấy báo giá, chăm sóc khách hàng, chứng từ…) . Bộ phận hỗ trợ thì đều hoạt động tại văn phòng của công ty.

Với các công ty sản xuất, mô hình nhân sự cũng khá tương đồng như công ty cung cấp dịch vụ logistics nếu như họ tự làm mà không thuê ngoài.

Qua mô tả như vậy, cha mẹ có thể thấy rằng làm việc trong ngành Logistics đâu phải chỉ làm việc tại cảng biển, phải suốt ngày phải dầm mình trong nắng gió. Không thể không thừa nhận, nam giới đang chiếm ưu thế tại ngành logistics nhưng hy vọng các em học sinh nữ với bản tính là chăm chỉ, và tỉ mỉ, chỉn chu (nhóm Nghiệp vụ cao) sẽ vượt qua định kiến này để đến với ngành và tìm được những vị trí phù hợp với mình.

Định kiến học ngành Logistics chủ yếu làm công việc tay chân

Không chỉ cha mẹ đang tìm hiểu về ngành này để hướng con vào đại học mà thậm chỉ nhiều cha mẹ có con đang học ngành này cũng vẫn còn rất hoang mang vì hiểu biết của cả cha mẹ và con về ngành rất mông lung. Cha mẹ và con chọn ngành này để học vì nhiều lý do khách quan như thấy ngành đang ‘hot’, được nhắc đến nhiều chứ thực chất không biết sau 4 năm đại học thì mình sẽ làm gì.

Trên các diễn đàn dành cho học sinh-sinh viên, nơi các con hay đưa ra băn khoăn của mình, đôi khi sự phản hồi lại làm các con hoang mang nhiều hơn với những câu nói đùa “ Học xong ra đi làm shipper hay học xong đi làm culi, đi lái xe cẩu…”.

Như ở phần trên đã đề cập, 80% nhân sự của một công ty cung cấp dịch vụ logistics là làm công việc vận hành trong đó sẽ chia ra làm nhiều nhóm vị trí công việc khác nhau. Có những nhóm công việc chỉ đòi hỏi nhân lực có học vấn cấp 3 và bằng chứng chỉ chuyên môn về một nghề nào đó như lái xe forklift hoặc có những nhiều nhóm công việc chỉ cần có bằng trung cấp, cao đẳng mà ở đó sự đào tạo thiên về sự thực hành với những chuẩn công việc nhất định cho những vị trí công việc được gọi tên rõ ràng.

Vậy thì với các con học các chương trình đại học, vị trí của các con là ở đâu?

Tùy theo năng lực của các con mà nó sẽ rơi vào đâu đó trong 20% còn lại và một số vị trí đòi hỏi kiến thức chuyên ngành cao trong 80% công việc vận hành chứ không phải là tất cả. Vậy nếu con tốt nghiệp với tấm bằng đại học mà đi làm các vị trí đòi hỏi bằng cấp thấp hơn là do con chưa đủ năng lực kiến thức và kỹ năng + ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng mà thôi.

Vì thế, để có được vị trí công việc tốt, có con đường thăng tiến rộng mở trong tương lai, con cần tận dụng tốt những năm tháng đại học để trang bị các kiến thức chuyên ngành cơ bản, phát triển phương pháp tư duy, trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tìm kiếm các cơ hội thực tập, rèn luyện để chịu đựng áp lực công việc cao, đồng thời, hiểu biết về các yêu cầu của nhà tuyển dụng để chuẩn bị cho bản thân tốt nhất, học thêm các chứng chỉ nghiệp vụ bên ngoài. Có như vậy, con mới có thể tìm kiếm vị trí xứng đáng với mong đợi của bản thân và cha mẹ. Xét cho cùng, không có ngành nào không nhàn hạ và không có con đường nào đi tới thành công lại chỉ trải sẵn hoa hồng!


Phụ huynh và các con có thể tìm đọc lại các bài viết trong cùng chuỗi bài về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại đây:

👉 Bài 1: Hiểu đúng về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics để hướng nghiệp cùng con

👉 Bài 2: Con bạn có hợp với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics?

👉 Bài 4: Những công việc và con đường nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng & Logistics

👉 Trải nghiệm thực tế của sinh viên RMIT ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.