Một trong những trải nghiệm học tập tuyệt vời nhất của sinh viên RMIT là tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại một đất nước khác với thời gian tối đa lên tới 1 năm trong khi vẫn duy trì mức học phí Việt Nam. Cơ hội này giúp con được trải nghiệm môi trường mới, học tập văn hóa quốc tế và trở nên tự lập hơn.

Nhân dịp gần 500 sinh viên RMIT Việt Nam học kỳ vừa qua lên đường du học trao đổi tại nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi muốn chia sẻ một số điều cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con trong thời gian con học tập tại nước ngoài. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rằng, việc để con đi xa như vậy có thể khiến cha mẹ có không ít lo lắng. Không biết con ở một mình xoay xở thế nào? Con sang đó có tập trung học hay không? Con có bị nhớ nhà không?..

Chuẩn bị trước cùng con những khó khăn có thể phát sinh

Chúng ta chắc chắn muốn con có trải nghiệm học tập suôn sẻ và vui vẻ nhất trong thời gian du học, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan trong việc chuẩn bị. Có rất nhiều việc có thể phát sinh trong thời gian con đi học nằm ngoài dự tính. Cha mẹ và các con càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu, con sẽ càng có hành trình trải nghiệm trọn vẹn hơn bấy nhiêu.

Những việc cha mẹ có thể chuẩn bị cho các con như: thông tin liên hệ của đại sứ quán trong trường hợp con cần giúp đỡ, các loại thuốc cơ bản khi con gặp vấn đề về sức khỏe, cách để bảo quản và giữ gìn cẩn thận passport hoặc các điều luật cơ bản của đất nước con sắp đến để du học… Những thông tin này nếu cha mẹ chưa biết có thể tham khảo trên Internet từ các nguồn chính thống, các buổi hội thảo, nhóm trao đổi của cha mẹ và sinh viên…

Tìm hiểu trước về chi phí sinh hoạt/hướng dẫn con cách làm kế hoạch tài chính

Con đi du học tới một đất nước khác là một cơ hội để cha mẹ dạy con cách tự xây dựng và quản lý tài chính cá nhân cho riêng mình. Thời điểm này con nên tự học được cách phân chia chi tiêu làm sao cho phù hợp để vừa trả tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, vừa có dư cho các chi tiêu cá nhân. Các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều công cụ và cách thức khác nhau để quản lý tài chính, tuy nhiên cha mẹ có thể chia sẻ thêm tới các em cách cha mẹ đã quản lý chi tiêu như thế nào để các em tham khảo.

Một trong những cách cơ bản và bắt đầu cho việc quản lý tài chính cá nhân khi đi du học là cha mẹ hãy hướng dẫn các con thử ghi chép ra những khoản cần chi trong 1-3 tháng đầu tiên khi đi học, mỗi khoản cần chi tối thiểu bao nhiêu và tối đa bao nhiêu. Đương nhiên vào thực tế con số sẽ thay đổi và phát sinh dựa trên hoàn cảnh, tuy nhiên việc ước chừng được số liệu giúp các con có cái nhìn rõ ràng hơn về chi phí cha mẹ đang phải bỏ ra để hỗ trợ con đi học, từ đó con có động lực học tập tốt hơn.

Trong chương trình trao đổi của RMIT có những cơ hội học bổng/hỗ trợ tài chính giúp con có thể đỡ đần cha mẹ về chi phí sinh hoạt. Vì vậy, nếu con có kế hoạch du học trao đổi theo chương trình của trường, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp của bộ phận Trải nghiệm Toàn cầu (RMIT Global Experience) để được tư vấn cụ thể từng trường hợp. 

Khuyến khích con trải nghiệm trong thời gian du học

Có một số cha mẹ ngăn cấm và không cho con đi làm thêm hoặc tham gia các hoạt động xã hội ngoài giờ học trong thời gian đi du học, do sợ con lơ đãng việc học tập dẫn đến kết quả không tốt. Đây là việc cha mẹ không nên làm.

Lợi ích của việc đi du học ngoài việc các con được tiếp cận với các chương trình học chuẩn quốc tế còn là cơ hội để các con trải nghiệm môi trường, văn hoá, tiếp xúc với con người ở đất nước khác, từ đó giúp con lớn lên cả về tư duy lẫn cách đối nhân xử thế.

Vì vậy, nếu con có mong muốn đi làm thêm hoặc trải nghiệm hoạt động xã hội trong thời gian du học, thay vì ngăn cấm, cha mẹ có thể dành thời gian trò chuyện để con hiểu và biết sắp xếp thời gian phù hợp để vừa cân bằng thời gian trải nghiệm và học tập.

Cho con khoảng không gian riêng

Chúng tôi hiểu rằng cha mẹ có rất nhiều lo lắng khi lần đầu để con đi xa. Sự lo lắng này chuyển thành những cuộc gọi mỗi ngày (thậm chí vài giờ một lần) để kiểm tra xem con đang làm gì, có ổn không. Với các bạn trẻ thì việc này không ổn chút nào.

Cha mẹ cần cho các em khoảng không gian riêng để các em trải nghiệm cuộc sống các nhân và việc học tập. Khi các em có không gian riêng, các em sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn, tự do hơn, từ đó cũng sẽ kết nối với cha mẹ nhiều hơn.

Khuyến khích con chia sẻ

Các bạn trẻ thường có xu hướng giấu đi những điều tiêu cực ở trường hoặc trong mối quan hệ bạn bè với cha mẹ. Các bạn không muốn thể hiện ra mình yếu đuối hoặc không muốn bị cha mẹ đánh giá.

Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ có thể khuyến khích và chia sẻ với con rằng con có thể chia sẻ với cha mẹ bất kì điều gì. Cha mẹ cũng cần tập cách lắng nghe không đánh giá, không phán xét đúng sai và động viên con kịp thời. Các bạn trẻ sẽ cảm thấy vững tin và được tin tưởng hơn khi biết rằng đằng sau các bạn luôn có một người sẵn sàng lắng nghe đúng lúc.

Kết nối thông tin với các cha mẹ khác

Xu hướng cho con đi du học hoặc tham gia các chương trình trao đổi học tập đã trở thành xu hướng quen thuộc với nhiều cha mẹ có con học tập tại môi trường quốc tế. Chính vì vậy, cha mẹ có thể kết nối với các cha mẹ khác cũng có con đã và đang tham gia các chương trình tương tự để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Cha mẹ có thể tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tham khảo, tìm lời khuyên và lắng nghe chia sẻ của các cha mẹ khác hoặc các em sinh viên/cựu sinh viên RMIT về những trải nghiệm quốc tế của họ.

Hi vọng với những chia sẻ này, cha mẹ và con sẽ cùng nhau tận hưởng thời gian du học thật hiệu quả và đáng nhớ. 


Cần chuẩn bị gì cho hành trang du học của con?

Chuỗi Podcast giúp cha mẹ và con tìm hiểu về các ngành học tại RMIT và cơ hội du học Úc 

Trải nghiệm du học trao đổi khi là sinh viên RMIT sẽ mang lại cho con những gì?

Bí quyết tìm thuê nhà phù hợp tại Melbourne cho con khi đi trao đổi sinh viên

Sinh viên RMIT chia sẻ 4 bí quyết “nằm lòng” để học kỳ trao đổi tại Melbourne rực rỡ nhất 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.