Ở các trường đại học Việt Nam, các em sinh viên được xếp vào cùng một lớp giống như thời trung học, có số hiệu riêng của lớp, có cùng giờ học các môn. Nhưng đại học RMIT Việt Nam thì không theo mô hình này, mà làm theo mô hình của các trường đại học trên thế giới, đó là sinh viên sẽ không thuộc về một lớp cố định, mà sẽ có nhiều lớp khác nhau tùy giờ học của từng môn mà các em đã chọn. Ví dụ em A chọn lớp “Lý thuyết sáng tạo” vào lúc 1 giờ trưa, sau đó chọn lớp “Nhập môn quảng cáo” vào lúc 3 giờ, thì vào những giờ này em A cứ việc đến lớp học, và những em khác chọn chung giờ học với em A sẽ trở thành bạn học của em trong khoảng thời gian đó. Cách chia lớp học này có rất nhiều lợi ích cho sinh viên mà cụ thể là 3 lợi ích sau đây.
Chủ động sắp xếp thời gian và lịch học
Lợi ích trước hết và rõ ràng nhất của việc chia lớp theo giờ học này là giúp sinh viên chủ động sắp xếp thời gian biểu của mình, lúc nào các em muốn ở trường, lúc nào tự học, nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động khác. Thêm nữa ở độ tuổi sinh viên, nhiều em đã thử đi làm hoặc có việc làm thêm, nên để các em tự sắp xếp lịch học cho mình cũng là để các em tự cân bằng được với lịch làm việc. Ngoài ra, mô hình này còn khuyến khích sự chủ động và tự chịu trách nhiệm về thời gian của mình cho các em sinh viên. Các em đã lớn, không cần đợi người khác sắp xếp nhiệm vụ cho mình nữa, mà hãy tự biết quản lý thời gian cho mình.
Gặp gỡ sinh viên từ các ngành khác
Đối với mô hình lớp học cố định, chỉ có các em sinh viên cùng ngành học với nhau. Nhưng với mô hình lớp học theo giờ tự chọn này, sinh viên các ngành khác nhau sẽ được ngồi cùng một lớp, chỉ cần chung giờ học và môn học. Ví dụ sinh viên ngành thiết kế và sinh viên ngành truyền thông hoàn toàn có thể học chung với nhau trong lớp nhập môn quảng cáo, vì môn này đều cần thiết cho cả hai ngành. Hoặc sinh viên ngành ngôn ngữ học khi học môn tự chọn là nhiếp ảnh vẫn có thể chung lớp với sinh viên thiết kế. Nhờ đó, các em sinh viên được tiếp xúc, làm quen với các bạn từ nhiều ngành học khác nhau, trao đổi những kiến thức thú vị khi trò chuyện. Thêm nữa là khi làm bài tập nhóm, các em được thấy cách tiếp cận khác nhau cho cùng một vấn đề từ nhiều chuyên ngành, cũng như được trợ giúp những điểm mình không giỏi nhưng là thế mạnh của các bạn ngành khác.
“Chọn bạn mà chơi”
Cách sắp xếp lớp học này giúp sinh viên mở rộng vùng trời quen biết của mình, gặp nhiều bạn hơn vì thế cơ hội gặp được bạn hợp ý cũng cao hơn. Đối với lớp học cố định, các em sinh viên thường sẽ chỉ kết bạn vòng quanh trong lớp mà ít khi giao tiếp với các bạn lớp khác. Nếu như trong lớp học của mình các em cảm thấy không chơi hợp với ai thì sẽ khó có lựa chọn khác. Nhưng với mô hình lớp học theo giờ này, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn, nếu các bạn ở lớp này không hợp ta lại sang lớp khác, thong thả chọn bạn mà chơi không việc gì phải vội.
Đối với sinh viên RMIT, khi ba mẹ hỏi lớp con có đông không, con đã gặp tất cả các bạn trong lớp chưa, thì câu trả lời đúng không thể nào ngắn gọn đơn giản, bởi cách sắp xếp lớp học ở RMIT khác biệt như vậy. Tuy nhiên với tất cả những ưu điểm trên, tin rằng sự khác biệt của mô hình này sẽ được các bạn sinh viên và ba mẹ hoan nghênh.
👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác
👉 Vui lòng nhấn “Thích” (Like) fanpage RMIT & Cha Mẹ và chọn mục “Xem đầu tiên” (See first) trên Bảng tin (Timeline) để cập nhật thông tin mới nhất.
👉 Đọc thêm các bài viết về hướng nghiệp và nuôi dạy con tại Blog RMIT & Cha mẹ