Phương pháp giáo dục lấy người học làm trọng tâm đã được áp dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada. Giáo dục Việt Nam hiện nay cũng đã có những bước tiến trong việc chuyển đổi sang phương pháp này, tuy nhiên còn rất nhiều hạn chế. Một số ý trái chiều cho rằng phương pháp giáo dục này quá ưu ái, cưng chiều sinh viên, điều này có chính xác hay không?
Bản chất của phương pháp giáo dục lấy người học làm trọng tâm
Phương pháp giáo dục này đặt người học làm tâm điểm và mục tiêu của quá trình dạy học. Hiệu quả của việc học được tính dựa trên khả năng tiếp thu của người học. Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp mới này đề cao cá tính của sinh viên, và khuyến khích sinh viên phát triển khả năng tiềm ẩn của mình.
Về nội dung, phương pháp này chú trọng kết hợp giữa lý thuyết môn học với các kỹ năng thiết yếu. Qua các hoạt động thực hành, sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng giải quyết các bài tập thực tiễn. Từ đó, sinh viên rèn luyện được khả năng tư duy độc lập, sáng tạo trước mọi tình huống thực tế sau này.
Về cách dạy học, sinh viên là tâm điểm của chương trình học. Giáo viên đóng vai trò là người quan sát và định hướng cho sinh viên. Sinh viên chủ yếu tự tổng hợp kiến thức qua các hoạt động như thảo luận, bài luận cá nhân, bài thuyết trình nhóm… Cách dạy học này buộc sinh viên phải chủ động tìm hiểu, khai thác thông tin, vận dụng kiến thức đã học.
Rõ ràng là, phương pháp giáo dục này có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đúng về nó.
Những hiểu lầm về phương pháp giáo dục lấy người học làm trọng tâm
Thường thì cha mẹ hay hiểu sai về phương pháp này theo hai hướng sau đây:
- — Giáo viên đóng vai phụ: với phương pháp giáo dục này, vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước hết, giáo viên phải có chuyên môn vững vàng về bộ môn mình phụ trách. Hơn nữa, họ còn cần có khả năng sư phạm linh hoạt. Phương pháp giáo dục mới này đòi hỏi sự sáng tạo khá lớn ở giáo viên. Cuối cùng, họ còn là người phát hiện và khơi dậy cá tính và năng khiếu tiềm ẩn của sinh viên.
- — Sinh viên được toàn quyền quyết định: nhiều người cho rằng, với phương pháp giáo dục mới này, sinh viên tự do quyết định về chương trình học cũng như cách học. Nhưng sự thực là, mỗi môn học đều phải dựa trên khung chương trình nhất định. Hơn nữa, dù sinh viên nắm quyền tự chủ về cách học, nhưng vẫn có những hình thức khen thưởng và kỷ luật rõ ràng để rèn tính kỷ luật cho sinh viên. Ngoài ra, giáo viên sẽ đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa trên thang điểm bao gồm nhiều yếu tố như chuyên cần, điểm thành phần, điểm tổng kết, điểm bài luận cá nhân… Với phương pháp mới này, sinh viên được chủ động hơn, nhưng cũng cần có trách nhiệm và kỷ luật cao hơn với việc học của mình.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ đã có hiểu biết đúng đắn về phương pháp giáo dục lấy sinh viên làm trọng tâm. Đây cũng là phương pháp đang được Đại học RMIT áp dụng và đã rất thành công trong việc đào tạo nên những thế hệ sinh viên chủ động, biết mình biết ta, và thích nghi tốt trong thế giới công việc hiện tại.