công việc chuỗi cung ứng logistics

Sau chuỗi các bài viết về ngành Quản lý Chuỗi Cung Ứng và Logistics, cha mẹ và con chắc hẳn đã hiểu thêm về ngành cũng như cách xác định con mình có hợp với ngành này hay không. Trong bài viết cuối cùng trong chuỗi bài này, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời là chuyên viên hướng nghiệp cá nhân, sẽ cung cấp thêm thông tin để giúp mọi người hiểu được các hướng đi mà một sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể theo đuổi trong thế giới nghề nghiệp thực tế sau khi tốt nghiệp đại học.

Như đã đề cập trong các bài viết trước, phạm vi của các hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng là rất rộng, và mỗi công ty có cách vận hành và mô hình khác nhau nên các vị trí công việc và tên gọi, mô tả công việc của mỗi vị trí nhiều khi cũng rất khác nhau.

Trong bài viết này, việc phân chia các nhóm công việc theo từng lĩnh vực và những lộ trình nghề nghiệp được thực hiện dựa trên sự tham khảo cách phân chia của tác giả Rob O’Byrne trên một chuyên trang về Logistics, kết hợp với phỏng vấn thực tế các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại theo quan điểm của 1 mô hình chuỗi cung ứng: Lập kế hoạch (Plan); Sản xuất (Make); Tìm nhà cung cấp (Source) và Phân phối (Deliver). Cách phân chia này, tất nhiên, cũng chỉ mang tính tương đối, phụ huynh có thể tham khảo để cùng con lựa chọn hướng phát triển sự nghiệp phù hợp với từng cá nhân.

1. Supply Chain Planning: các vị trí công việc liên quan đến việc lập kế hoạc trong chuỗi cung ứng

Trong quản lý CCU, việc lập kế hoạch chiến lược là một công việc vô cùng quan trọng trong mỗi giai đoạn của chuỗi. Nếu con yêu thích công việc lập kế hoạch trong chuỗi cung ứng, sẽ có rất nhiều vị trí công việc như vậy, ví dụ như:

✅ Supply Chain Planner (Lập kế hoạch Chuỗi cung ứng): Đóng vai trò quản lý có trách nhiệm phân tích hoạt động chuỗi cung ứng và phát triển các chiến lược nhằm cải thiện hoạt động.

✅ Demand Planner (Dự báo nhu cầu thị trường): Vị trí này đóng vai trò dự báo và ước đoán nhu cầu thị trường đối với sản phẩm của công ty, làm việc với các phòng ban chức năng trong hoạt động chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu, tính sao cho sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, không thiếu cũng như không dư thừa

✅ Production Planner (Lập kế hoạch sản xuất): Vị trí này có trách nhiệm tập trung vào qui trình sản xuất trong công ty, làm việc với Demand planner để đảm bảo sao cho năng lực sản xuất tối đa được duy trì theo nhu cầu thị trường.

✅ Capacity Planner (Lập kế hoạch năng lực sản xuất): Vị trí này tương tự với vị trí Production Planner nhưng vai trò rộng hơn vì tập trung vào tất cả các yếu tố của hoạt động sản xuất chứ không phải chỉ mỗi qui trình. Mục tiêu của một người lập kế hoạch về năng lực sản xuất là tối ưu hóa năng suất sản xuất thông qua qui trình, thiết kế vận hành, hoạt động thu mua, và tương tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng.

✅ Logistics Resource Planner (Lập kế hoạch nguồn lực logistics): Vị trí dành cho nhân viên mới ra trường, chịu trách nhiệm kết nối các nguồn nhân lực với kho hàng/đội xe của công ty để thực hiện các đơn đặt hàng.

✅ Load Planner (Lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa): Vị trí này có chức năng công việc hẹp hơn một người resource planner, tập trung chủ yếu vào phân chia, kết hợp các đơn hàng để chất lên xe tải cũng như lập kế hoạch về tuyến đường đi hiệu quả cho đội xe.

2. Manafacturing và Production: các vị trí công việc liên quan đến hoạt động sản xuất

Các vị trí công việc mà một sinh viên ngành QLCCU và Logistics có thể bước vào trong qui trình hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp (nên nhớ rằng bản thân hoạt động sản xuất cũng nằm trong chuỗi cung ứng) có thể bao gồm: Giám sát; Trưởng phòng sản xuất; Giám sát chất lượng sản phẩm; Trưởng phòng mua hàng; Trưởng phòng chất lượng; Nhân viên hay trưởng phòng kho vận nhà máy….

Trên đây chỉ là ví dụ của một vài vị trí công việc mà sinh viên ngành QLCCU và Logistics có thể xem xét. Để bắt đầu như một sinh viên mới ra trường, các con có thể đi từ dưới lên, từ vị trí nhân viên, đến giám sát, đến cấp quản lý hoặc các vị trí công việc liên quan đến hoạt động mua hàng, kho vận, chất lượng sản phẩm… Sau khi đạt tới các vị trí quản lý cũng như nhiều kinh nghiệm, các con có thể tùy chọn hướng đi nghề nghiệp cho mình. Nếu như mong ước của các con là làm việc trong ngành với vai trò lớn hơn, các con có thể rời bỏ lĩnh vực sản xuất để theo đuổi các vị trí như trưởng phòng logistics, trung tâm phân phối hay là chuỗi cung ứng và vươn tới các vị trí cao hơn.

Công việc thu mua (procument), tìm kiếm nguồn hàng hay dịch vụ (sourcing) và thực hiện các hợp đồng mua nguyên vật liệu, dịch vụ (purchasing) là một phần của chuỗi cung ứng đầu vào (inbound supply chain), là môi trường thích hợp để con học hỏi các kinh nghiệm tổng hợp về mua bán hàng, dịch vụ, và quản lý tồn kho cũng như logistics để hài hòa cung với cầu.

Trong công việc thu mua (procument), con sẽ thực hiện việc xây dựng hợp đồng với các nhà cung cấp, thương lượng về giá sản phẩm, dịch vụ và các trách nhiệm về công tác vận chuyển nguyên vật liệu về nhà máy. Các vị trí công việc của lĩnh vực này trong chuỗi cung ứng có thể là nhân viên tìm kiếm nguồn hàng, nhân viên quản lý tồn kho và mua hàng, nhân viên/ trưởng phòng thu mua…

3. Logistics và Vận tải: các vị trí công việc liên quan đến hoạt động luân chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa và thông tin trong chuỗi cung ứng

Việc quản lý các hoạt động logistics có lẽ là bề mặt dễ thấy nhất của quản lý chuỗi cung ứng nên phụ huynh và các con học sinh thường hay nhìn thấy/quen thuộc với các vị trí công việc này.

Các vị trí công việc trong lĩnh vực logistics và vận tải có thể bao gồm những vị trí công việc chân tay như nhân viên lái xe vận hành hàng hóa trong nhà kho, trung tâm phân phối, nhân viên phân chia đơn hàng, nhân viên lái cần cẩu ở cảng biển, nhân viên lái xe tải…..; các vị trí làm công việc giấy tờ như nhân viên nhập số liệu ở nhà kho/ trung tâm phân phối, nhân viên điều phối vận hành và các vị trí công việc thăng tiến từ từ lên cấp giám sát, quản lý và quản lý cấp cao.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các vị trí công việc ở các bộ phận vận hành như nhân viên chứng từ, nhân viên phục vụ khách hàng, nhân viên khai báo hải quan và làm các thủ tục chuyên ngành hoặc các bộ phận hỗ trợ như nhân viên sales, kế toán, IT, nhân viên thiết kế và cung cấp giải pháp logistics…

Nếu con luôn muốn hướng tới các vị trí công việc cần nhiều đến tư duy, kiến thức và kỹ năng cao cấp, thì con cũng cần hiểu rằng việc bắt đầu từ các vị trí cấp thấp để thu thập kỹ năng và kinh nghiệm và thăng tiến dần lên ở trong nghề này là điều cần thiết.

Cái hay của ngành này là một khi đã bước vào, con sẽ nhìn thấy muôn vàn lối đi khác nhau cho mình. Con có thể chọn một lối đi rộng hoặc hẹp, làm việc trong các bộ phận vận hành, lập kế hoạch hay là các bộ phận hỗ trợ như sale, tài chính mà vẫn có thể thu thập được những kinh nghiệm sau một quãng thời gian làm việc để chuyển sang một bộ phận khác hoặc thăng tiến ở trong một lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng. Đó chính là sức hút mà không phải ngành nào cũng có được.


Phụ huynh và các con có thể tìm đọc lại các bài viết trong cùng chuỗi bài về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại đây:

👉 Bài 1: Hiểu đúng về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics để hướng nghiệp cùng con

👉 Bài 2: Con bạn có hợp với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics?

👉 Bài 3: Những định kiến sai lầm về nghề nghiệp trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics

👉 Trải nghiệm thực tế của sinh viên RMIT ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.