Khác với môi trường hoàn toàn vô tư của cấp 3, khi lên đại học, cuộc sống sẽ đòi hỏi con nhiều hơn thế. Có những bài kiểm tra giờ đây không còn tính điểm, không ấn định ngày tháng, cũng không có một đáp án chính xác nào, nhưng con không thể không trải qua nếu muốn thực sự trưởng thành.
Sự bền bỉ
Trong một buổi chia sẻ nổi tiếng của chương trình TED Talk, giáo sư Angela Duckworth, Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã kết luận rằng “yếu tố có ảnh hưởng đặc biệt đến thành công của một cá nhân” chính là sự bền bỉ. Nguyên văn tiếng Anh từ này là “grit” – còn có thể hiểu là sự kiên trì, bản lĩnh, ngoan cố.
Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Những đứa trẻ vốn được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” trong tương lai thường gắn liền với những mỹ từ như “thông minh”, “học giỏi”, “giao tiếp tốt”, “chủ động”. Thế nhưng, thực tế là, sự bền bỉ có sức mạnh của nó – khiến chúng ta không chịu chấp nhận thất bại, không xao nhãng, không bỏ cuộc.
Và cũng bởi “ngoan cố” như vậy, nên những đức tính khác cũng dần kéo đến.
Vì nhất định phải hiểu và làm xong bài bằng được nên kể cả những đứa trẻ “không thông minh cho lắm” cũng sẽ hoàn thành tốt bài tập. Được điểm cao quen rồi thì tự sẽ ngồi vào bàn để giữ vững thành tích, rồi dần dần trở nên thông minh thêm.
Vì không ngại mắc lỗi và sửa sai nên khi đi làm có những nhân viên sẽ chăm chỉ, cần mẫn và rồi sẽ giỏi hơn người khác. Không phải nhờ làm một dự án to tát ngay từ đầu, mà là từng bước nhỏ, từng công việc nhỏ đi lên.
Bản lĩnh đôi khi cũng chỉ bắt đầu từ việc không bỏ quét nhà, rửa bát ngay cả khi con đã mệt lả sau một ngày làm việc. Bản lĩnh lớn nhất là biết kiềm chế bản thân. Những người giỏi dù trong nghề gì cũng là người biết vượt qua sự nhàm chán.
Sức chịu đựng
Ngày nay người ta đã nói quá nhiều về việc người trẻ phải mạnh mẽ, phải dám trình bày ý kiến của mình, phải thẳng thắn và rạch ròi trong mọi việc. Thế nhưng, nếu đã học đứng lên đấu tranh, con cũng phải học khi nào cần ngồi xuống, lắng nghe và chờ đợi.
Thật khó để chấp nhận trong lứa tuổi này, nhưng ngây thơ là một trong những điều bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ phải từ bỏ một phần khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành. Lớn lên, con sẽ dần nhận ra rằng: cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Có nhiều thứ con làm đúng, có nhiều việc con có khả năng, nhưng vẫn cần thoả hiệp với người khác.
Sự chịu đựng này không đồng nghĩa với yếu đuối. Biết lùi một bước để giữ hoà khí khiến những mối quan hệ xung quanh con trở nên tốt đẹp hơn. Biết lùi một bước để thể hiện bản thân đúng lúc, đúng chỗ khiến con không vô tình trở thành “cái gai thích phô trương” trong mắt người khác. Kìm nén cái tôi của mình để đạt được mục đích dài hạn trong tương lai cần rất nhiều mạnh mẽ.
▪ Đọc thêm: Làm sao để giúp con phát triển sự kiên định, bền chí, năng lực tự phục hồi trong cuộc sống?
Khả năng kiểm soát cảm xúc
Sau tất cả, con lựa chọn đối diện với những cảm xúc của mình như thế nào là một câu hỏi lớn. Rất nhiều người lớn thường xuyên né tránh vấn đề này. Họ không biết cách gọi tên tâm trạng của mình, không thừa nhận các cảm xúc tiêu cực và không biết phải điều khiển cảm xúc của mình như thế nào. Điều này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới stress và những mối quan hệ đổ vỡ.
Đôi khi, kiểm soát cảm xúc chỉ bắt nguồn từ những việc rất cơ bản như dành ra một khoảng lặng để bản thân nhìn nhận rõ hơn vấn đề hay trò chuyện với người khác để giải quyết khúc mắc thay vì chỉ lặng im.
Thực tế, xét đến cùng, càng tin tưởng vào bản thân, chúng ta càng có khả năng điều khiển cảm xúc tốt hơn. Bởi lẽ, có được sự tự tin trong các tình huống giao tiếp, con sẽ không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá, phán xét của người khác, từ đó có những cách xử lý bình tĩnh, khôn ngoan hơn. Vì thế, học cách trân trọng bản thân và từng cảm nhận của chính mình là một trong những bước không thể thiếu để trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn.
▪ Đọc thêm: Bạn đã biết cách dạy con nhận diện và thấu hiểu cảm xúc?
Giang Nguyễn
🚩 Đọc thêm các bài viết về hướng nghiệp và nuôi dạy con trên Blog.