Những năm gần đây, nguồn cung ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) đang ngày càng gia tăng, do xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất của các công ty công nghệ phương Tây sang các nước Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng có chính sách phát triển ngành công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. CNTT cũng được đánh giá là một trong những ngành mũi nhọn, nhận được nhiều sự ưu đãi về chính sách phát triển nhằm đạt được mục tiêu  phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin (theo báo cáo Vietnam Developer Report 2019)

Vậy làm thế nào để con có thể phát triển sự nghiệp vững chắc trong ngành này? Bài viết này sẽ “hé lộ” những kỹ năng cốt lõi tạo nên sức hút của một sinh viên CNTT trước nhà tuyển dụng.

Nền tảng kiến thức vững chắc

Công nghệ thông tin là một ngành yêu cầu kiến thức chuyên môn nền tảng sâu rộng chứ không phụ thuộc quá nhiều vào năng khiếu như các ngành nghệ thuật. Sẽ rất khó để bắt kịp với yêu cầu của công việc hay tiến xa trong ngành nếu con không được đào tạo bài bản. Vì thế, với ngành CNTT tại RMIT, các sinh viên sẽ được học các môn toán học, phân tích số liệu, thống kê, khoa học máy tính và khoa học thông tin – những lĩnh vực làm nền tảng cho lĩnh vực kỹ thuật ngay từ những năm đầu tiên. 

Đây chính là một trong những điểm cốt lõi làm nên sự khác biệt giữa tấm bằng cử nhân và một chứng chỉ nghề ngắn hạn tại các trung tâm. Khi đó, học viên chỉ được học nghề, biết cách sử dụng một vài công cụ cụ thể mà không nắm được lý thuyết nền tảng cũng như các nguyên tắc cơ bản được áp dụng cho ngành kỹ thuật. Như vậy, con không hiểu được gốc rễ của vấn đề, kiến thức chỉ đủ để áp dụng được trong một thời gian đầu của sự nghiệp, bằng cấp cũng không tạo được niềm tin với các nhà tuyển dụng lớn. Khoản đầu tư vì thế tưởng tốt nhưng kỳ thực rất manh mún, không bền. 

Kỹ năng chuyên môn sâu rộng 

Trong bối cảnh mọi doanh nghiệp đều cần tối ưu nguồn lực của mình, các ứng viên được trang bị kiến thức toàn diện về lĩnh vực công nghệ, có thể làm chủ phương pháp phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ trong nhiều lĩnh vực sẽ dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Ngành CNTT ở RMIT được Hiệp hội Máy tính Úc (ACS) công nhận với chương trình đào tạo bao gồm hệ thống kỹ năng chuyên môn đa dạng và được cập nhật, từ lập trình web, thiết kế ứng dụng lấy người dùng làm trọng tâm, phát triển ứng dụng di động (Android, React Native, iOS) đến an ninh máy tính, điện toán đám mây, khoa học dữ liệu và dữ liệu lớn… Các kỹ năng này được mài giũa không chỉ qua bài giảng trên lớp mà còn thông qua quá trình làm dự án thực tế, giúp con thực sự biến kiến thức thành của mình. 

Khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề sáng tạo 

Doanh nghiệp luôn cần những nhân sự có khả năng phát hiện và đưa ra các giải pháp đơn giản, tối ưu cho các vấn đề công nghệ phức tạp của mình. Để làm được điều đó, các con cần sáng tạo. Trước khi sáng tạo, các con cần nắm được các nguyên tắc. Vì vậy, ở RMIT, các sinh viên tốt nghiệp CNTT luôn được giảng dạy kỹ lưỡng về cách tiếp cận tiêu chuẩn, quy trình thiết kế có hệ thống hay cả các phương pháp kỹ thuật đã được thiết lập sẵn dành cho những vấn đề phức tạp. Sau khi đã nắm chắc những định hướng cốt lõi này, con sẽ có thể sử dụng các kỹ thuật, công cụ và nguồn tài nguyên kỹ thuật một cách thành thạo và linh hoạt nhất cho từng trường hợp. 

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả 

Các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, lãnh đạo hay tiếng Anh thường bị sinh viên ngành CNTT bỏ qua trong quá trình học thực tế sẽ trở thành điểm mạnh giúp con tỏa sáng trong công việc. Ngày nay, các vị trí mở ra cho tấm bằng CNTT không đơn thuần là làm kỹ thuật, con còn có thể ứng tuyển vị trí quản lý dự án hay phụ trách phát triển sản phẩm. Không chỉ vậy, ngay cả nếu muốn đi theo con đường làm chuyên gia kỹ thuật, việc có thể sử dụng Tiếng Anh thành thạo trong công việc, giao tiếp tốt với các nhân tố còn lại trong đội hoặc dẫn dắt những người hỗ trợ mình sẽ khiến con bước đi nhanh và thuận lợi hơn. Chưa kể, các công việc về CNTT hiện nay đều phải làm trực tiếp với khách hàng là người nước ngoài, nếu con làm về IT mà không thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng thì công việc sẽ không trôi chảy và thiếu hiệu quả. Nếu không sở hữu các kỹ năng này, con sẽ không bao giờ thăng tiến được trong sự nghiệp mà mãi mãi đóng vai trò làm “thợ”. Quá trình học kết hợp làm dự án thực tế cùng môi trường 100% tiếng Anh tại RMIT chính là cơ hội phát triển các kỹ năng này cho con, giúp con rèn thái độ và tác phong làm việc quốc tế chuyên nghiệp, chủ động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều bậc cha mẹ lo rằng, “cơn khát” (CNTT) qua đi sẽ khiến thị trường nguồn nhân lực ngành này bị bão hoà. Thực tế, nhu cầu nhân sự ngành CNTT tại Việt Nam không hề giảm và còn có xu hướng tăng, đặc biệt là về chất lượng. Các nhân sự có năng lực đang dần khẳng định được vị trí của mình và đặt ra những tiêu chuẩn chung cho toàn ngành. Xu hướng dịch chuyển của ngành cũng đòi hỏi nhân sự ở những lĩnh vực mới như khoa học dữ liệu (data science), dữ liệu lớn (big data), hay Internet vạn vật (IoT). Chưa kể hiện nay, Việt Nam đang thay thế các nước trong khu vực như Ấn Độ, để trở thành điểm đến trong tầm ngắm của các công ty công nghệ toàn cầu đang có nhu cầu outsource.

Chính vì thế, cha mẹ và con hãy tìm hiểu kỹ để có được lựa chọn đầu tư xứng đáng cho những năm đại học, giúp con tự tin trở thành ứng cử viên sáng giá, được các nhà tuyển dụng săn đón tại bất cứ đâu. 


Đọc thêm các bài viết liên quan:

Con muốn học IT, cha mẹ có thể hỗ trợ thế nào?

Học Thiết kế & IT: công việc ra trường có ổn định không và lương bao nhiêu?

Tất tần tật về ngành Công nghệ thông tin tại RMIT

Những chữ “T” con bạn sẽ nhận được khi theo học công nghệ thông tin tại RMIT

Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Công nghệ Thông tin (RMIT)

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.