Nguyên tắc cha mẹ cần nhớ khi cãi nhau với con tuổi teen

Ngày nay, câu thành ngữ “Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư” đã không còn là một quan niệm hình mẫu. “Cãi nhau” với con trở thành chuyện thường ngày, đặc biệt phổ biến trong những gia đình có con tuổi teen. Để ứng phó với vấn đề này, cha mẹ hãy thử áp dụng nguyên tắc “Đừng cố gắng trở thành người chiến thắng”. 

Khi bất kì cuộc cãi vã nào xảy ra, cha mẹ thường rơi vào trạng thái tức giận, cáu bẳn và cho rằng mình đúng, còn con không có quyền được cãi. Những câu nói như: “Mẹ quyết rồi, không nói nhiều nữa.” hay “Còn thích cãi nữa không?” nhất định sẽ gây ra phản ứng ngược từ phía con. Bởi vậy, thay vì ép con phải nghe theo bạn, hãy cố gắng kiềm chế cơn giận của mình và cho con biết rằng đây là một chuyện quan trọng mà cả bạn và con cần suy nghĩ kĩ hơn trước khi cùng ngồi xuống nói chuyện và bàn bạc. Sau đó, hãy hẹn con một buổi cụ thể để bàn luận nghiêm túc về vấn đề này. 

Khi bạn xử lí tình huống theo nguyên tắc trên, cuộc cãi vã sẽ mang lại những lợi ích về lâu dài, cho bản thân con và cho cả mối quan hệ giữa con và cha mẹ. Thứ nhất, bạn đang rèn cho con khả năng tư duy và lập luận logic. Việc con đưa ra những quan điểm của riêng mình và minh hoạ chúng bằng những ví dụ cụ thể sẽ khiến con biết cách tư duy rạch ròi hơn. Thứ hai, bạn đang gián tiếp dạy con suy nghĩ thật thấu đáo về những vấn đề quan trọng. Con sẽ dần hình thành thói quen bình tĩnh suy xét cội rễ vấn đề, thay vì nổi nóng và cãi vã về những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn, con ấm ức vì không được tham gia một bữa tiệc ngủ qua đêm tại nhà bạn thân, vậy cha mẹ cần cùng con cân nhắc và bàn luận về chủ đề rộng hơn: “Con nên được tự do trong một khuôn phép như thế nào?”. Thứ ba, nhờ cách tiếp cận này, cha mẹ dễ dàng trở thành người bạn đồng hành của con, không biến thành “kẻ thù” và bởi vậy con sẽ không đề phòng cha mẹ bằng những lời nói dối. Con hiểu rằng dù có mâu thuẫn gì, cha mẹ cũng đều sẵn sàng lắng nghe con và cùng con phân tích. 

Một mũi tên trúng ba đích: con hình thành tư duy tốt, biết suy nghĩ thấu đáo hơn, và coi cha mẹ là những người bạn để chia sẻ. Nếu như bạn có con tuổi teen, hãy thử áp dụng nguyên tắc “Đừng cố gắng trở thành người chiến thắng” và chia sẻ cho RMIT về hiệu quả của hướng giải quyết này nhé!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.