Đâu là sự khác biệt giữa một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương và một đứa trẻ lớn lên với một tuổi thơ không trọn vẹn?
Con cái chính là “bản sao” của cha mẹ và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cha mẹ và người thân, sau đó là tới bạn bè, nhà trường và các mối quan hệ xã hội. Những trải nghiệm thời thơ ấu có thể hằn sâu vào ký ức của con một cách vô thức và mãi mãi ở đó cho tới tận khi con trưởng thành.
Đứng từ góc độ của cha mẹ, rất khó để xác định con có đang trải qua một tuổi thơ hạnh phúc hay không. Bởi trong thực tế, hiếm có bậc phụ huynh nào muốn và dám thừa nhận rằng “con tôi đang không hạnh phúc”. Đã có rất nhiều người làm cha mẹ vì quá mải mê chuẩn bị cho tương lai xa của con đã quên mất đứa trẻ đang cảm thấy vô cùng bất hạnh ở thời điểm hiện tại.
Đứa trẻ đang bị tổn thương đó có thể là con, cũng có thể chính là cha mẹ. “Tuổi thơ êm ấm” thực chất luôn là một điều xa xỉ với mọi người, bởi không ai thật sự hoàn hảo. Ai trong đời cũng sẽ có lúc mắc lỗi sai, sẽ có lúc gây ra tổn thương cho người khác. Song, có đủ sự dũng cảm để đối diện với mong muốn được yêu thương của chính bản thân mình là một điều vô cùng đáng trân quý.
Tuổi thơ là thứ không bao giờ quay trở lại. Và tuổi thơ của con cũng giống như của bao đứa trẻ khác: chúng có giới hạn, và cần thật nhiều tình yêu thương. Đặc biệt là khi con đang ở lứa tuổi dậy thì nhạy cảm và nhiều khó khăn. Đừng nghĩ rằng “sẽ không bao giờ là quá muộn”, bởi không ai trong số chúng ta biết được rằng chính xác khi nào sẽ là thời khắc cuối cùng.
Nếu cha mẹ muốn nói yêu con, hãy làm điều đó ngay bây giờ. Nếu cha mẹ muốn dành thời gian ở bên con, hãy sắp xếp lịch trình của mình ngay bây giờ. Nếu cha mẹ lỡ thất hứa với con, hãy thực hiện lời hứa đó ngay bây giờ. Nếu có bất cứ mong muốn nào xuất hiện trong lòng cha mẹ ngay lúc này, tức là chúng đang khao khát được trở thành hiện thực.
Biết rằng cha mẹ cũng từng tổn thương, cũng từng là những đứa trẻ không được yêu thương trọn vẹn. Nhưng sự dũng cảm đối diện và “hy sinh” nỗi sợ của bản thân không chỉ giúp nỗi đau ngừng hằn sâu qua từng thế hệ, mà chính bản thân cha mẹ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và bình an hơn rất nhiều. Hãy để những “nỗi đau thế hệ” đó ngủ yên trong quá khứ, và đừng quên mở lòng hơn với con của hiện tại cha mẹ nhé!
Đọc thêm:
Con đã đủ lớn để nghe những bí mật của bạn?
Áp dụng công thức “Con – Bố/Mẹ – Chúng ta” để giao tiếp với con