ngành thiết kế 1

Các ngành Thiết kế bao gồm Thiết kế Ứng dụng Sáng tạoThiết kế (Truyền thông số) là hai trong những ngành học thu hút sinh viên nhất nhì của khoa Truyền thông & Thiết kế của RMIT và được giảng dạy ở cả cơ sở Hà Nội và Nam Sài Gòn. Tuy thu hút các bạn trẻ nhưng với thế hệ cha mẹ đây là một ngành học khá mới lạ và cha mẹ thường khá dè dặt khi con đề nghị được theo học và làm việc trong ngành này.

Vì thế, RMIT & Cha Mẹ hân hạnh giới thiệu tới cha mẹ và các em học sinh chuỗi bài giới thiệu về nghề Thiết kế nhằm giúp các em và cha mẹ hiểu được: Ngành Thiết kế là gì, Làm thiết kế là làm gì, Ai là người phù hợp với nghề Thiết kế, và Cơ hội nghề nghiệp như thế nào khi ra quyết định chọn những ngành học liên quan đến Thiết kế… để từ đó có được lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp.

Chuỗi bài viết này được thực hiện bởi chị Eva Đỗ, chuyên gia tư vấn thiết kế UX, hiện là UX Research Lead đang làm việc tại RMIT Melbourne, Úc. Chị Eva Đỗ tốt nghiệp cử nhân Đại học Mỹ thuật Hà Nội, thạc sĩ ngành Chính sách Công và Quản trị tại ĐH Carnegie Mellon, Úc. Chị có kinh nghiệm làm việc sâu rộng trong lĩnh vực Thiết kế, Marketing-Truyền thông tại Việt Nam và Úc và là chủ nhân của https://meuxthichui.wixsite.com/ – website tự học thiết kế UI UX.

BÀI 1: NGHỀ THIẾT KẾ: “COMBO” LÀM VIỆC TẠI BẤT KỲ ĐÂU + KHÔNG CÓ TUỔI VỀ HƯU
Tư duy thiết kế giúp loài người phát triển trí thông minh

Thiết kế là một trong những ngành cổ xưa nhất trong lịch sử loài người, từ hơn 2,5 triệu năm trước tổ tiên chúng ta đã biết vẽ, mày mò thiết kế ra các công cụ sử dụng hàng ngày. Người ta tin rằng, tư duy thiết kế hội tụ từ hiểu biết về tự nhiên, trình độ kỹ thuật và nhu cầu của xã hội chính là điều khiến người tối cổ dần bứt lên khỏi các loài vật khác và phát triển trí thông minh vượt bậc.

Cho đến ngày nay, Creative Design – ngành thiết kế luôn gắn liền với chữ sáng tạo, sáng chế là vậy. Nghề thiết kế là sự giao thoa mượt mà giữa Khoa học và Thẩm mỹ – những người theo nghề thiết kế thường có óc quan sát, chế tạo, thử nghiệm của người làm khoa học, đồng thời luôn chăm chút để có sự trình bày đẹp mắt.

Cho đến những năm 1950s, nói về nghề thiết kế trong công việc, người ta thường nghĩ ngay tới thiết kế đồ hoạ ví dụ như sáng tác logo, vẽ minh hoạ, thiết kế bảng biển và sách báo. Những thập kỷ hòa bình sau chiến tranh cùng sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin đã thúc đẩy nghề thiết kế phân nhánh thành rất nhiều con đường khác nhau. Nhiều khi nghề nghiệp trong ngành thiết kế khác hẳn nhau đến nỗi chúng chỉ có điểm chung là sự đam mê tìm tòi, sáng tạo và mắt nhìn thẩm mỹ đặc trưng của người làm thiết kế mà thôi. 

Triển vọng nghề nghiệp: nghề thiết kế giúp con độc lập bay xa

Thời ông bà chúng ta, hầu hết mọi người làm một nghề và sống ở nơi chôn rau cắt rốn cả đời. Ngày nay, nếu có cơ hội, có bao nhiêu bạn trẻ muốn được trải nghiệm học, sống và làm việc ở một quốc gia khác? Trong một thế giới phẳng, Thiết kế sáng tạo có những đặc thù riêng giúp các bạn trẻ có thể sải cánh trải nghiệm xa hơn.

Điều này không dễ với một số ngành, ví dụ những ngành gắn với đặc thù về văn hoá, như viết lách hay ngành có yêu cầu riêng về bằng cấp, như ngành Y, Luật; chúng ta phải có bằng cấp được chấp nhận ở nơi mới. Thiết kế sáng tạo lại không có trở ngại ấy vì ngôn ngữ tạo hình là thứ toàn cầu. Nếu như con có thể thiết kế tốt một cuốn sách, hay một ứng dụng điện thoại và có giao tiếp tiếng Anh tốt, con có thể làm công việc này tại bất kỳ đâu. Nếu con lại là người không muốn ra ngoài giao tiếp nhiều, thậm chí con cũng có thể nhận làm việc hoàn toàn online.

Thứ hai, Thiết kế sáng tạo thường được nhận định là ngành không có tuổi về hưu. Một khi đã làm thiết kế và có con mắt thẩm mỹ, người ta luôn rộng mở và quan sát nhìn ra được những điều thú vị trong cuộc sống. Ngay cả khi không còn đi làm toàn thời gian, những người làm thiết kế vẫn có những dự án, và sở thích riêng không nhàm chán. Được làm điều mình giỏi và mình thích, lại không bị phụ thuộc vào ai là một lựa chọn tuyệt vời mà ai cũng muốn có! 

Những ngả đường chính của ngành Thiết kế

Vậy những con đường chính của ngành Thiết kế hiện nay như thế nào? Hình dung Thiết kế là một dải cầu vồng chạy từ đầu Thẩm Mỹ – Nghệ thuật đến Khoa học – Công nghệ thì chúng ta thường gặp những hướng đi sau:

👉🏻Nghệ thuật tạo hình: Đây là nơi có lẽ sự sáng tạo nghệ thuật thể hiện cái tôi cá nhân nhiều nhất. Các con sẽ học chụp hình, sáng tác tranh tượng, video, tranh kỹ thuật số, các kỹ thuật đồ họa hội họa truyền thống cũng như hiện đại. Công việc của con sẽ cho ra đời những ấn phẩm in ấn như sách, tạp chí; những bộ ảnh và các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, tượng, điêu khắc… Nghệ thuật tạo hình giờ đây không chỉ là những tác phẩm ‘truyền thống” mà đã có những nghệ sĩ sáng tác tranh số bán với kỹ thuật số blockchain NFT.

Đây là con đường tuyệt vời nhưng cũng cần sự kiên định và bền bỉ cho những con muốn hoạt động độc lập, tự do, hướng tới sự thể hiện và sáng tác cá nhân.

👉🏻Thiết kế truyền thông: Học ngành này, con sẽ biết ‘trò chuyện với ai bằng ngôn ngữ gì’, sẽ hiểu rất nhiều về sản phẩm và thương hiệu, sẽ làm việc trong một môi trường có tốc độ nhanh đầy ắp sự kiện, chiến dịch từ online đến offline. Đặc điểm của nghề thiết kế để truyền tải thông điệp là vậy. Cha mẹ đã từng thấy các đoạn phim quảng cáo trên TV, các poster sự kiện, nhãn hàng, bộ quà tặng của những thương hiệu nổi tiếng, hay sách, báo? Đó chính là sản phẩm của Thiết kế truyền thông. Đây là con đường cho những ai ưa sự năng động, thích sự thay đổi, con sẽ làm việc song hành với marketing và những người sản xuất sự kiện truyền thông.

👉🏻Thiết kế ứng dụng số: Nhánh thứ 3 này của ngành Thiết kế bắt đầu ngả dần hơn với mảng công nghệ thông tin và kỹ thuật nhiều hơn. Điều đó nghĩa là thiết kế của con không đứng riêng lẻ, mà ra đời như một phần của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, hiện phổ biến nhất là online. Sản phẩm và dịch vụ của mảng này có công năng, yêu cầu nhất định dành riêng cho người sử dụng sản phẩm ấy. Do đi kèm với công nghệ, thiết kế ứng dụng số cũng có cùng nhịp phát triển chóng mặt, và là nhóm nghề phát triển nhanh trong thập kỷ vừa qua. Làm việc trong mảng này, con sẽ thiết kế ra các giao diện phần mềm mới, quan sát và nghiên cứu người dùng tương tác với sản phẩm, tìm hiểu xem có thể làm gì để khiến trải nghiệm người dùng tốt hơn. Ví dụ làm sao để việc mua vé máy bay, đổi vé, hủy vé và hoàn vé được thuận tiện dễ dàng hơn? Làm sao để dùng dịch vụ ngân hàng trên điện thoại được thuận tiện trong lúc vẫn bảo mật nhất…

👉🏻Thiết kế công nghiệp, kiến trúc, xây dựng: Đúng như tên gọi gợi ý, đây là một mảng vô cùng lớn bao gồm từ thiết kế kiểu dáng công nghiệp đồ dùng trong nhà, cho tới kiến trúc và xây dựng. Con có thể sẽ đi sâu vào Thiết kế nội thất, hay thiết kế xe ô tô, hay chỉ đơn giản là thiết kế một chiếc chai có nắp kín khí airtight dành cho trẻ em, hay thiết kế cả một công trình khách sạn mới, hoặc chỉ chuyên sâu vào thiết kế cầu đường. Đây là con đường đi mà thẩm mỹ luôn là một phần quan trọng, song công năng và nhiều yếu tố khác đóng vai trò quyết định.

Tại RMIT, 2 ngành học về thiết kế đang được giảng dạy là Thiết kế Ứng dụng sáng tạoThiết kế Truyền thông số với nhiều hướng đi chuyên sâu đa dạng sẽ giúp con tìm hiểu, học tập và phát triển bản thân để tìm ra con đường thiết kế phù hợp nhất với bản thân.


Đọc thêm các bài viết liên quan:

Phân biệt ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo (Design Studies) & Thiết kế Truyền thông số (Digital Media)

▪ Tìm hiểu thêm về ngành Thiết kế Truyền thông số tại RMIT ở đây

▪ Tìm hiểu thêm về ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo tại RMIT ở đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.