Quản trị Nguồn nhân lực – không quá mới mẻ, nhưng có tiềm năng trở thành một trong những ngành học dẫn đầu xu thế. Điều này được lí giải như thế nào? RMIT đã thiết kế chương trình giảng dạy ngành Quản trị Nguồn nhân lực ra sao để sinh viên trau dồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong ba năm Đại học? Những câu hỏi này sẽ được phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây, từ góc nhìn của RMIT.
1. Cơ hội nào dành cho ngành Quản trị Nguồn nhân lực trong thời đại mới?
Đóng vai trò thiết yếu đối với mọi doanh nghiệp, ngành Quản trị Nguồn nhân lực đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao. Cụ thể hơn, khi xã hội có những bước tiến mới và con người có nhiều mối bận tâm hơn là chỉ kiếm tiền, thì quá trình tìm kiếm tài năng, giữ chân và phát triển những nhân sự tài giỏi là cả một nghệ thuật. Đây chính là lí do khiến các tập đoàn lớn nhỏ và ngay cả những công ty khởi nghiệp đều đang đầu tư nghiêm túc vào đội ngũ Quản trị Nguồn nhân lực.
Thêm vào đó, trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất thay đổi chóng mặt do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà rất nhiều người mất việc vì mọi thứ đều có thể tự động hóa, thì theo một nghiên cứu của Carl Benedikt Frey & Michael A. Osborne (2013) tại Đại học Oxford, Quản trị Nguồn nhân lực là một trong những ngành khó bị tự động hoá nhất trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điều này không khó lí giải, bởi đây là công việc liên quan nhiều nhất tới con người, cần sự thấu hiểu, khéo léo cùng trí tuệ xúc cảm tốt – sẽ rất khó để máy móc thực hiện thay con người.
2. Ngành Quản trị Nguồn nhân lực được giảng dạy như thế nào tại RMIT?
Khi theo học ngành Quản trị Nguồn nhân lực tại RMIT, con sẽ được tham gia các môn học từ tổng quát tới chuyên sâu, với phương pháp giảng dạy và đánh giá thực tế. Ngoài ra, con được trải nghiệm các hoạt động hướng nghiệp giúp khoanh vùng và định hướng những nghề nghiệp cụ thể trong toàn ngành Quản trị Nguồn nhân lực.
Môn học được thiết kế để sinh viên có thể tiếp cận các vấn đề từ xa tới gần: nhìn được bức tranh toàn thể trước rồi mới đi sâu vào nhiệm vụ của mình. Bởi vậy, ở năm thứ nhất, con sẽ được tìm hiểu về Hệ thống kinh doanh nói chung, Giá cả thị trường, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lí Marketing và Kế toán trong tổ chức & xã hội. Với những môn học nền tảng này, con sẽ hiểu bản chất thay vì “lơ mơ” ở phần ngọn. Sang năm thứ hai và ba, con được nghiên cứu kĩ hơn về chuyên môn của mình: Quan hệ lao động; Quản lý hiệu quả hoạt động; Công việc, sức khoẻ, an toàn và phúc lợi cho người lao động; Quản trị nguồn nhân lực quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực; Đàm phán và vận động… Như vậy, RMIT giúp con học nền tảng để hiểu bản chất, học chuyên sâu để vững vàng trong chuyên môn của mình.
Để chất lượng dạy và học được đảm bảo tốt nhất, phương pháp giảng dạy và đánh giá đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh những bài giảng trực tiếp trên giảng đường, RMIT tổ chức nhiều buổi hướng dẫn, workshop và các buổi chia sẻ, giảng dạy từ chính các đối tác trong ngành. Các hoạt động này giúp việc truyền tải kiến thức không bị khô khan, lí thuyết, mà thực tế và tạo nhiều va chạm nghề nghiệp hơn cho các con.
Hơn nữa, RMIT tập trung đánh giá quá trình học tập của con thông qua các bài tập cá nhân và bài tập nhóm, bao gồm bài phân tích, bài luận, thực hành kỹ thuật chuyên môn và thuyết trình, ngoài ra còn có các bài tập dự án mang tính chuyên môn. Sự đa dạng này giúp việc đánh giá được toàn diện hơn, các con cũng có nhiều cơ hội để thể hiện mình.
Đặc biệt, ở năm học thứ ba, con sẽ được tham gia 2 dự án Học tập kết hợp kinh nghiệm thực tiễn (Work Integrated Learning), mà tại đó, con được lựa chọn tham gia một kỳ thực tập hoặc một dự án của doanh nghiệp. Các hoạt động này không chỉ giúp con ứng dụng những kiến thức đã học tại lớp vào thực tiễn, mà còn tạo lợi thế cho hồ sơ xin việc, hình thành chiến lược phát triển nghề nghiệp, thiết lập mạng lưới quan hệ tốt cũng như thử nghiệm xem mình sẽ phù hợp nhất với các mảng nào trong ngành.
Đối với ngành Quản trị Nguồn nhân lực, nhà trường có đưa ra những chương trình hướng nghiệp với các nghề nghiệp cụ thể như cố vấn nhân sự, tìm kiếm tài năng, an toàn và sức khoẻ, công đoàn, tuyển dụng, lương thưởng, tư vấn quan hệ lao động, đào tạo & phát triển,… Nhận được những gợi ý và tư vấn thực tế, cụ thể như vậy nên sinh viên RMIT sẽ có hướng đi rõ ràng hơn và không gặp nhiều hoang mang, lo lắng trong những năm cuối Đại học.
Nhìn chung, chương trình giảng dạy tại RMIT đặc biệt tập trung mang lại những trải nghiệm thực tế xuyên suốt quá trình học tập của sinh viên. Đây chính là nét khác biệt lớn nhất giữa chương trình Quản trị Nguồn nhân lực ở RMIT. Với mong muốn giúp sinh viên có kết quả đầu ra xuất sắc trên thị trường lao động, RMIT tự tin là nơi để cha mẹ tin tưởng gửi gắm con trong giai đoạn trau dồi kiến thức và hình thành lộ trình nghề nghiệp của mình.