“Nếu chúng ta muốn dạy con cách xử lý vấn đề, chúng ta phải để chúng gặp vấn đề ngay từ khi còn nhỏ.” – Wendy Mogel

Những ngày vừa qua, các em học sinh Việt Nam vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và rất nhiều em đã gục ngã vì áp lực thi cử. Ở các nước bạn như Trung Quốc hay Hàn Quốc, các kỳ thi đại học cũng là ác mộng của sĩ tử khi các con phải truyền thuốc qua đường tĩnh mạch để học, xe cứu thương túc trực ở bên ngoài phòng thi, và nhà trường thì phải gia cố ban công vì trước kì thi hay có học sinh nhảy lầu tự tử. Tôi tự hỏi, khát vọng chiến thắng đến điên cuồng này liệu có đáng giá đến thế? Liệu cha mẹ có từng nghĩ rằng, các con sẽ kinh sợ ra sao nếu “chẳng may” thua trong cuộc chiến này? 

Tôi nghĩ, thực ra cứ để bọn trẻ thua một chút cũng không sao cả!

Bởi lẽ, không phải chiến thắng mà chính là các thất bại mới là người thầy lớn nhất trong hành trình trưởng thành của con. Những đứa trẻ thành công sớm thường trở thành những người lớn “ngoan ngoãn” nhút nhát – chúng sợ đánh mất các danh hiệu giỏi giang của mình. Trong khi đó, nếm mùi thất bại nhiều lần sẽ dạy cho con rằng thực ra thua cuộc không quá đáng sợ. Các con sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn, tự tin, lạc quan và mạnh mẽ hơn. 

Và nếu vậy, với một thế hệ tài năng và tràn đầy đam mê của chúng ta, điều đầu tiên cha mẹ nên trao cho con phải chăng là khao khát khám phá, là tinh thần chấp nhận thử thách? Để mỗi ngày sau phải tự đi, các con sẽ biết cách sải những bước thật dẻo dai – “chân cứng đá mềm”?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.