Cho con học xa hay gần là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh ngày nay. Bởi lẽ mỗi lựa chọn sẽ có ưu và nhược điểm riêng, bản thân mỗi học sinh cũng là những cá nhân với hoàn cảnh, ước mơ và năng lực rất khác nhau. Không thể có một câu trả lời chung cho tất cả. Chính vì vậy, có lẽ trước tiên, cha mẹ và con nên cân nhắc 3 câu hỏi này để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với mình.
1. Khả năng tài chính của gia đình có thể đáp ứng tới mức nào?
Đây là yếu tố nên được cân nhắc đầu tiên. Đặc biệt, với những em du học tại các thành phố đắt đỏ, ngay cả tiền thuê phòng, tiền mua mớ rau, cân thịt hàng ngày cũng sẽ là đắn đo lớn khi mọi thứ đều được tính bằng đồng đô, đồng bảng. Dẫu biết cha mẹ nào cũng sẽ cố gắng đầu tư nhiều nhất vào việc học của con, biến chi phí học tập thành gánh nặng tài chính sẽ gây áp lực nặng nề lên cả gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí học tập của con. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều gia đình hẫng hụt khi con đi du học trở về nước nhận đồng lương mà chắc chắn đến cả chục năm sau cũng không thể “bù lỗ” cho khoản tiền khổng lồ đã bỏ ra để tu nghiệp nước ngoài. Điều chắc chắn khiến cả gia đình không thể hài lòng với quyết định của mình.
Không chỉ gói gọn trong việc học, du học nên là khoảng thời gian tuyệt vời để con có thể thoả sức khám phá thế giới và tận hưởng tuổi trẻ của mình. Vì thế, việc phải thắt lưng buộc bụng hay tiêu lạm vào khoản tiền tiết kiệm để nộp học phí cho con sẽ một quyết định cần được cân nhắc kĩ.
2. Khả năng và nguyện vọng học tập của con đến đâu?
Bắt kịp được bài vở là yếu tố tiên quyết cho thành công trong quá trình học tập của con. Cha mẹ không nên cố ép con vào các trường “danh giá” hay đẩy con đi du học theo xu hướng bởi môi trường có tốt đến mấy cũng sẽ vô nghĩa nếu con không hạnh phúc và quyết tâm với lựa chọn của mình. Hãy trò chuyện với con và các thầy cô giáo ở trường để biết liệu mình nên hướng đến những mục tiêu “hoành tráng” hay dần phát triển bản thân ở những lớp học phù hợp.
Cũng cần phải lưu ý, nếu như việc học ở tỉnh hay học ở thành phố không khác nhau nhiều giữa các trường đại học Việt Nam thì khi con du học, việc có đủ vốn tiếng Anh cần thiết là điều hết sức quan trọng. Hoà nhập được với môi trường, thầy cô, bè bạn sẽ giúp con xoa dịu những bỡ ngỡ, nỗi nhớ nhà trong ngày tháng đầu tiên tự lập.
3. Môi trường sống mới của con như thế nào?
Đây có lẽ là trăn trở của nhiều bà mẹ hơn cả. Sự an toàn, sức khoẻ, những thay đổi về tâm tính của con trong ngưỡng trưởng thành là điều mà ai cũng canh cánh khi con ở xa. Nhìn thấy con cái bạn bè đi học xa nhà về cứng cáp, tự lập thì thích. Nhưng câu chuyện về tệ nạn, cạm bẫy rình rập con khi ở một thành phố khác, một đất nước khác thì cũng không ít. Vì thế, nếu đã sẵn sàng “thả” con, cha mẹ nên chắc chắn rằng thành phố nơi con sẽ theo học là một nơi an toàn về chính trị, an ninh, trường học phải có trung tâm hỗ trợ sinh viên cùng hệ thống liên lạc nhanh chóng giữa nhà trường và gia đình.
Ngày nay, các trường đại học quốc tế tại Việt Nam là lựa chọn kết hợp được cả sự yên tâm khi con học gần nhà và chất lượng đào tạo chuẩn thế giới. Đặc biệt tại RMIT Việt Nam, con có thể theo học ở cả cơ sở Hà Nội hay Hồ Chí Minh, hay du học trao đổi ở hơn hai trăm cơ sở đối tác của trường với mức học phí bằng tại Việt Nam. Với những lựa chọn này, con không phải lo lắng về gánh nặng tài chính hay “chín ép” giữa vô vàn nỗi lo lần đầu làm người lớn mà có thể dần trưởng thành trong môi trường vừa gần gũi vừa rộng mở xung quanh mình.
Dù lựa chọn có là gì, chúng ta nên cố gắng cân bằng giữa mong muốn của con và kì vọng của cha mẹ. Quyết định đi học ảnh hưởng lớn đến tương lai của con nên cha mẹ nào cũng đau đầu “suy nghĩ hộ” mà quên mất rằng, con là người nên có tiếng nói với chính cuộc đời của mình. Con muốn độc lập, hãy để con được lớn mau với trải nghiệm học xa nhà. Nếu con còn nhút nhát, hãy che chở cho con lâu hơn. Nếu còn băn khoăn, mô hình “du học tại chỗ” sẽ đem lại cho con cơ hội trưởng thành từng bước một.
Giang Nguyễn