Tuổi dậy thì hay tuổi teen (13 – 19 tuổi) là một giai đoạn phát triển nhiều biến động. Một trong những khó khăn thường gặp nhất của các con là vấn đề trong giao tiếp. Cha mẹ có thể dễ dàng quan sát thấy, với một số con, đó là khó khăn trong việc điều hòa cơn giận khi có mâu thuẫn xảy ra. Ở một số khác, đó lại là xu hướng thu mình và né tránh giao tiếp. Cho dù là theo xu hướng nào, những khó khăn về giao tiếp này, nếu không được hiểu và hỗ trợ kịp thời, cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển lành mạnh và toàn diện của các con. Những tác động tiêu cực của việc thiếu kĩ năng giao tiếp có thể kể đến như không nói lên được nhu cầu chính đáng của bản thân, làm trầm trọng hơn các mâu thuẫn và khó kết giao với bạn bè. Chính vì vậy, việc hướng dẫn để các phát triển kĩ năng giao tiếp trong giai đoạn tuổi teen là điều hết sức quan trọng.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với cha mẹ bài viết dưới đây của Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ con và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, một trong những tham vấn viên tâm lý được sinh viên vô cùng yêu mến tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội, với hi vọng, cha mẹ sẽ biết cách đồng hành cùng con trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp để con có được cuộc sống hạnh phúc và thành công sau này.
Những lý do khiến các con tuổi teen gặp khó khăn trong giao tiếp
Thời kì hình thành bản sắc cá nhân mạnh mẽ
Bên cạnh những thay đổi mạnh mẽ về thể chất, tuổi teen là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc hình thành bản sắc cá nhân của các con. Các con bắt đầu hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai” một cách hào hứng và quyết liệt. Lúc này, các con có nhu cầu được tham gia vào các nhóm xã hội khác nhau. Mối quan hệ gia đình, mặc dù vẫn đóng vai trò nền tảng và đặc biệt quan trọng, có thể không còn là trọng tâm trong mạng lưới các mối quan hệ xã hội mới của các bạn tuổi teen. Chính trong quá trình mở rộng các mối quan hệ và thử các vai trò khác nhau trong các liên kết xã hội đó, các con khám phá ra những đặc trưng của bản thân mình và định hình các hệ giá trị mà mình muốn theo đuổi.
Thế nhưng, đồng thời với đó, đây là thời kì mà các con bắt đầu hiểu và tìm cách cách bằng giữa những giá trị mang tính đối lập như độc lập – phụ thuộc, khác biệt – được chấp nhận, gắn bó – xa cách. Điều này thật sự không dễ dàng, nhất là khi bản sắc cá nhân – hay cái “Tôi” của các con còn chưa vững vàng. Các con rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng quan điểm khác nhau. Đôi khi, để tránh cảm giác hoang mang, các con có thể trở nên cực đoan để bảo vệ lấy một giá trị nào đó (vd. tự lập) thay vì tìm cách cân bằng giữa các giá trị. Những mâu thuẫn, hay đôi khi chỉ là khác biệt về quan điểm, dưới góc nhìn đó, có thể trông giống như sự công kích cá nhân về phẩm chất con người các con. Điều này dẫn đến việc nhiều khi các con trở nên đặc biệt nhạy cảm và phòng thủ trong giao tiếp.
Một yếu tố nữa cũng đóng vai trò không nhỏ giúp giải thích những khó khăn trong giao tiếp mà các bạn tuổi teen thường gặp đó là thiếu kĩ năng điều hòa cảm xúc. Giao tiếp chỉ có thể hiệu quả khi mỗi bên hiểu và làm chủ cảm xúc của bản thân, đủ để bình tĩnh lắng nghe nhau và đánh giá tình huống một cách khách quan. Với các con, điều này không dễ dàng. Bởi lẽ, não bộ của các con vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Nói cách khác, não bộ của các con chưa phải não bộ của một người trưởng thành. Cộng với việc quá trình dậy thì kéo theo những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động hóc-môn trong cơ thể. Đó là lý do vì sao, các con có thể trải nghiệm các cảm xúc bộc phát cao trào và thất thường hơn người trưởng thành.
Bên cạnh những khác biệt về sinh lý, đa số các bạn tuổi teen chưa được giáo dục về cảm xúc và cách điều hòa cảm xúc. Những gì các con học được (dù qua quan sát hay được dạy dỗ) là ba xu hướng: để cảm xúc bùng nổ; né tránh; và kìm nén cảm xúc.
Nếu cha mẹ tự quan sát lại mình, có thể cũng sẽ nhận ra đây là ba xu hướng chủ đạo mà cha mẹ hay những người trưởng thành khác vẫn dùng để đối phó với khó khăn cảm xúc.
Tuy nhiên, ba cách tiếp cận đó đều không đem lại lợi ích lâu dài. Cái mà các con cần là cách thức để hiểu, chấp nhận và điều hòa lại được cảm xúc của bản thân, đặc biệt trong các tình huống mâu thuẫn. Thế nhưng, nhiều khả năng, ngay cả những người trưởng thành trong cuộc sống của các con (cha mẹ, thầy cô,…) cũng chưa có đủ kiến thức và kĩ năng để hướng dẫn lại cho các con cách làm chủ và điều hòa cảm xúc lành mạnh.
Các gợi ý giúp con tuổi teen giao tiếp hiệu quả hơn
Trước khi nghĩ đến việc muốn con thay đổi, cha mẹ thử làm rõ mong muốn thực sự của cha mẹ để con thay đổi là gì? Chắc chắn là vì những lợi ích tốt nhất cho con! Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cẩn trọng với những kì vọng khác có thể len lỏi vào quyết định của mình. Chẳng hạn, kì vọng con trở nên năng nổ và hoạt bát “như con nhà người ta” để được lòng mọi người, hay kì vọng con phải luôn điềm tĩnh để có thể sau làm nhà ngoại giao như bố,…
Chắc chắn, đây đều là những điều mà cha mẹ cho là tốt nhất cho con. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ hơn, có thể cha mẹ sẽ thấy hơi hướng của sự áp đặt và kiểm soát trong đó. Và những quan điểm này cũng không nhất thiết là đúng! Con không nhất thiết phải trở thành một ai đó nhất định để có thể có cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy.
Đôi khi, chính việc giữ những kì vọng như vậy dẫn đến việc cha mẹ thường so sánh hoặc trách móc con nhiều hơn là thực sự giúp con cải thiện kĩ năng giao tiếp. Vậy nên, nếu cha mẹ có kì vọng con cần phải như một ai đó hay phải theo một khuôn mẫu nào đó, có thể cha mẹ sẽ muốn điều chỉnh lại kì vọng này của mình trước khi đặt gánh nặng của kì vọng đó lên vai con.
Một điều nữa cha mẹ có thể cũng cần lưu ý đó chính là những cảm xúc của bản thân. Cha mẹ đối diện như thế nào khi có những tình huống gây ức chế nảy sinh? Khi cha mẹ buồn hay thất vọng, cha mẹ làm gì với những cảm xúc đó? Nếu như trước giờ cha mẹ chưa từng nghĩ về điều này, có thể cha mẹ sẽ cần làm nó bây giờ. Cha mẹ cần hiểu cách thức chính mình sử dụng để ứng phó với các cảm xúc khó khăn này, có như vậy cha mẹ mới nhận ra những điểm chưa thỏa đáng trong cách hành xử của mình với con và thay đổi nó. Chính khi cha mẹ thay đổi, cha mẹ đang làm mẫu cho con cách thay đổi.
Hãy thử lấy ví dụ, nếu trước giờ cha mẹ thường cáu với con khi đi làm về, đôi khi không hẳn do lỗi của con mà phần nhiều vì cha mẹ mệt mỏi sau một ngày dài ở công sở. Nếu nhận ra điều này, cha mẹ có thể muốn thay đổi để không “giận cá chém thớt” với con nữa. Có thể là thay vì quát con lập tức khi thấy con chưa cắm cơm, cha mẹ có thể nói bình tĩnh hơn “Ba/mẹ sau một ngày đi làm rất mệt. Ba/mẹ đã mong là con đã cắm cơm để ăn sớm. Ba/mẹ thấy bực khi con chưa cắm cơm”. Rõ ràng, cách nói thứ hai vừa giúp ba mẹ thể hiện được sự bực bội của mình trong chừng mực mà vừa giải thích được lý do cho con hiểu về sự bực bội đó. Đó có thể cũng chính là cách giao tiếp mà cha mẹ muốn con làm lại với mình và người khác.
Nếu cha mẹ muốn con học cách nêu quan điểm của mình, cần lắng nghe con trước. Nếu cha mẹ muốn con trò chuyện nhiều hơn, cần lắng nghe con trước. Nếu cha mẹ muốn con trở thành nhà hùng biện, càng cần lắng nghe con. Mặc dù đôi khi, các quan điểm của con không hẳn phù hợp với cha mẹ, đừng vội phản đối hay áp đặt quan điểm của mình lên con. Giao tiếp hiệu quả luôn đòi hỏi cân bằng cả kĩ năng nói và nghe. Chính trong quá trình lắng nghe, cha mẹ đang làm mẫu cho con cách tôn trọng và lắng nghe người khác, cho dù bất đồng quan điểm.
Lắng nghe luôn đòi hỏi giữ một thái độ tò mò nhất định để hiểu về đối phương. Có hiểu thì mới có thể thấy được điểm hợp lý hay chưa hợp lý ở quan điểm của mỗi người. Đây cũng chính là cách rất tốt để phát triển tư duy phản biện cho con. Vậy thì cha mẹ có thể làm mẫu kĩ năng này bằng cách lắng nghe và đặt các câu hỏi để hiểu vì sao con có cách nhìn đó. Điều này không chỉ giúp cha mẹ hiểu con mà con giúp con hiểu chính mình. Cần nhớ rằng, đôi khi các bạn tuổi teen không đủ bình tĩnh hay thấu đáo để tự mình suy xét lại. Việc có một người lớn bên cạnh, đủ bình tĩnh để lắng nghe, không phán xét và đặt ra các câu hỏi giúp con sáng tỏ vấn đề là một điều tuyệt vời để phát triển kĩ năng trình bày và giải thích quan điểm cho con.
Giúp con tuổi teen hướng nội phát triển kỹ năng giao tiếp
Với các bạn hướng nội hay dè dặt trong giao tiếp, cha mẹ có thể tham khảo thêm một số gợi ý dưới đây để giúp con mình.
Với khuynh hướng đề cao những người hướng ngoại hiện nay, đôi khi “hướng nội” được nhìn nhận như một thiếu sót. Rất thường xuyên, các bạn dè dặt hay có xu hướng ít quảng giao hơn phải nhận những đánh giá tiêu cực từ người khác. Những đánh giá dạng này, thay vì thúc đẩy các con thay đổi, lại thường khiến các con càng tự ti và nghi ngờ năng lực giao tiếp của mình hơn.
Lấy ví dụ, khách khứa đến nhà và nhận xét rằng “con bé này chẳng nói năng gì cả nhỉ?” hay “thằng bé này cứ im im thế này thì chết”. Điều cha mẹ có thể làm lúc này là không hùa theo những nhận xét một chiều đó của khách (cho dù chỉ là vì phép lịch sự!). Thay vào đó, cha mẹ có thể sử dụng một nhận xét khách quan, trung lập – “vâng, cháu không nói nhiều” – kèm theo một lời khen về một mặt tích cực của con mà cha mẹ nhận thấy – “nhưng cháu có nhiều suy nghĩ thấu đáo bác ạ”. Với cách làm này, cha mẹ đang giúp con định hình lại góc nhìn về chính giá trị và năng lực của mình một cách vừa khéo léo lại vừa rõ ràng và cương quyết.
Với các bạn hướng nội, đôi khi các bạn gặp khó khăn để nói ngay ra quan điểm của bản thân (vì chưa có thời gian suy xét mọi góc cạnh! Một đặc trưng của người hướng nội). Vậy nên cha mẹ có thể cần dành thời gian chờ lâu hơn một chút để các bạn lên tiếng. Cha mẹ cũng có thể ra hiệu cho bạn thêm thời gian bằng cách nói “con cứ nghĩ chút rồi trả lời bố mẹ cũng được”.
Điều này giúp tạo một không gian an toàn và cởi mở hơn, giúp các bạn cảm thấy an tâm hơn để chia sẻ. Hạn chế thúc giục hay nói át phần của con, bởi cách làm này chỉ càng khiến con cảm thấy bị lấn át hơn và thu mình hơn. Khi con hiểu rằng, có những người sẵn sàng lắng nghe mình khi con nói (bắt đầu từ ba mẹ hay một vài bạn bè thân), con sẽ cảm thấy tự tin để nói với những người khác hơn!
👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.
👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.