Trong suy nghĩ của nhiều cha mẹ, nhà lãnh đạo phải là một người tài giỏi; và đương nhiên, hai chữ “tài giỏi” thường gắn liền với thành tích học tập nổi trội trên lớp. Do đó, cha mẹ luôn khuyến khích con phải phấn đấu học thật giỏi: “Cứ đứng đầu lớp đi, rồi con sẽ trở thành người lãnh đạo!” Nhưng trên thực tế, người lãnh đạo liệu có phải người giỏi nhất? Bài viết này của RMIT sẽ cùng cha mẹ bàn luận về những kỹ năng thiết yếu mà một người lãnh đạo cần tôi luyện.
1. Tạo nên bức tranh lớn từ những mảnh ghép nhỏ
Người lãnh đạo tốt không tập trung quá nhiều vào tiểu tiết. Họ không cần phải biết viết một bài văn lấy đi nước mắt của triệu người đọc, dựng một kịch bản phim kịch tính hút người xem, hay tạo ra một sản phẩm công nghệ vượt trội. Thứ họ cần có là tầm nhìn, là định hướng, là chiến lược, là cách ghép những chi tiết nhỏ lại thành một bức tranh lớn – đẹp đẽ và trường tồn.
Bởi vậy, con không cần phải quá giỏi trong một lĩnh vực nào đó để trở thành người lãnh đạo. Nếu con dựa quá tập trung vào chuyên môn của mình, góc nhìn của con sẽ gặp nhiều hạn chế, sa đà vào sự tiểu tiết mà quên đi bức tranh tổng thể. Lấy ví dụ như trong một công ty phần mềm, CEO tuy không rành rọt về phương thức phát triển của từng ứng dụng, nhưng sẽ nắm rõ tầm nhìn, định vị và hướng đi lâu dài dành cho doanh nghiệp, đồng thời biết rõ các bộ phận trong công ty cần phối hợp với nhau như thế nào. Nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo tương lai, bên cạnh việc “cày cuốc” môn học sở trường, con nên tìm hiểu rộng hơn xem những gì mình đang học sẽ giúp mình ra sao trên con đường sự nghiệp phía trước.
2. Ở đâu có vấn đề, ở đó có giải pháp
Người lãnh đạo tốt không dành thời gian than thở, trách móc, hay đổ lỗi. Họ không kể khổ với mọi người xung quanh, không tìm cách gán tội cho người khác và không đưa bản thân vào tình trạng hằn học, ức chế. Người lãnh đạo tốt luôn tập trung phân tích tình hình và cố gắng tìm kiếm giải pháp phù hợp để giải quyết từng vấn đề phát sinh. Với họ, ở đâu có vấn đề, ở đó nhất định sẽ có giải pháp.
Bởi vậy, con không nhất thiết phải luôn đứng đầu lớp về mặt điểm số. Con có thể xếp thứ 20, nhưng biết nhờ bạn chụp lại phần ghi chép khi con bị ốm phải nghỉ học, biết xin cô đáp án để tự chữa bù bài do vào lớp muộn giờ, biết nộp thêm bài tập nâng cao để xin gỡ điểm kém. Linh hoạt xử lý khi có vấn đề phát sinh thay vì thụ động ngồi một chỗ, con sẽ tiến nhanh hơn tới vị trí “người đứng đầu”.
3. Xây “hòn núi cao” bằng khả năng kết nối trái tim
Người lãnh đạo tốt không “lầm lũi” làm việc một mình. Họ quan sát, ghi nhớ, và kết nối. Họ nắm rõ trong lòng bàn tay tính cách, điểm mạnh, sở thích của những người xung quanh, và sử dụng chính những nguồn tư liệu ấy để kết nối mọi người một cách khéo léo nhất. Họ biết người A sẽ làm việc hiệu quả hơn khi thực hiện cùng người B, hoặc người C và D khó có thể chung “chiến tuyến”.
Bởi vậy, con không cần phải cố sức gồng mình tự đi lên. Việc nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người tài giỏi khác chẳng có gì đáng xấu hổ. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – mỗi người một tay, cùng hướng về chung một mục đích. Nếu con biết cách kết nối các bạn trong lớp lại thành một tập thể đoàn kết, chắc chắn tập thể đó sẽ vươn xa hơn rất nhiều.
4. Ươm mầm những hạt giống đầy triển vọng
Người lãnh đạo tốt không nhận hết những lời khen về mình. Họ biết tự nhìn nhận mọi mặt của bản thân, biết mình đang ở đâu và trân trọng tài năng của những người trong đội nhóm. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn chú trọng tới việc khuyến khích và phát huy khả năng của từng cá nhân trong đội nhóm của mình.
Bởi vậy, ngoài những hành động “thương thân”, con cũng nên học cách tôn trọng bạn bè, tin tưởng họ và tạo cơ hội cho họ thể hiện bản thân một cách xuất sắc nhất.
Nói tóm lại, con không nhất thiết phải trở thành nhà lãnh đạo để thành công. Nhưng kể cả khi con muốn làm lãnh đạo, con cũng không cần phải quá giỏi hay có CV khủng để được thăng chức.
Với mục tiêu đào tạo ra một thế hệ trẻ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có năng lực lãnh đạo, chương trình học và sinh hoạt ngoại khóa của RMIT luôn hướng tới việc khơi gợi và rèn luyện những kĩ năng dẫn dắt và lãnh đạo của các bạn sinh viên. Các em không chỉ được trau dồi khả năng làm việc nhóm và kết nối với các bạn học trong các bài tập trên lớp, mà còn được tham gia các câu lạc bộ sinh viên, các buổi hội thảo huấn luyện kỹ năng chuyên biệt hay các sự kiện đòi hỏi tầm nhìn và kỹ năng tổ chức. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, dù theo đuổi những con đường sự nghiệp khác nhau, các bạn sinh viên đều đạt được những thành quả nhất định trong sự nghiệp và trở thành những nhà lãnh đạo giàu tiềm năng.