Khi còn bé, mọi điều trong cuộc sống đều khiến con hứng thú, từ nụ cười của mẹ cho tới mắt kính của ba.
Lớn hơn chút, con quan sát thế giới nhiều hơn và nhận ra mặt trăng luôn dõi theo từng bước chân con. Con cũng biết những sinh linh bé nhỏ như một chú kiến có thể tạo nên những công trình kì diệu trong lòng đất.
Bước vào tuổi dậy thì, với những sự thay đổi về tâm sinh lý, các con sẽ quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn. Các con muốn biết mình muốn gì, cần gì trong cuộc đời này, các con muốn tìm hiểu sâu hơn về những cảm xúc, những tính cách mà mình đang có.
Tự trong các con sẽ nảy sinh xung đột giữa bản thể và thế giới.
Lúc này, một “tấm gương soi” sẽ rất quan trọng, nó tượng trưng cho việc các con tự nhìn lại bản thân mình, để thấu hiểu mình hơn.
Nhưng mục đích của giáo dục không nên dừng lại ở đó. Mục đích giáo dục là để giúp các con sau khi đã “soi chiếu” bản thân mình thì sẽ đủ sức mạnh và sự tự tin để nhìn ra thế giới, để biết mình không phải là cái rốn của vũ trụ, để biết thế giới này vẫn còn bao điều phải học hỏi, khám phá.
Trong gương con sẽ nhìn thấy chính mình, nhưng qua khung cửa sổ con sẽ nhìn thấy thế giới.
Bạn có đồng ý với chúng tôi không?