“Một người không đọc gì có lẽ còn được giáo dục tốt hơn kẻ chỉ đọc mỗi báo chí” – Thomas Jefferson
Cách nói của Thomas Jefferson, tuy có phần cực đoan, nhưng đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc đọc có chọn lọc.
Chúng ta vốn trân trọng việc đọc và khuyến khích con cái tiếp xúc nhiều hơn với các con chữ thay vì dán mắt vào những bức ảnh trên mạng xã hội. Thế nhưng, không phải đọc gì cũng là tốt. Có những đầu sách dễ đọc, cầm lên là “hút” đến tận dòng cuối cùng. Truyện cổ tích, tiểu thuyết, tin tức báo chí hay tạp chí đời sống, là những trang sách ve vuốt trí tưởng tượng và lòng hiếu kì của chúng ta. Chúng đầy tính “thời sự”, dễ đọc và gần gũi – hấp dẫn ta như một chất gây nghiện khó bỏ.
Tuy nhiên, đó không phải là cách mà con nên đọc.
Những cuốn sách hay, thật không may, thường rất “chảnh”.
Chúng là nguồn tri thức được tư duy sâu, có hệ thống và đến từ những cây bút đáng tin cậy. Sách khoa học là một ví dụ. Con cầm lên đọc, được một hai trang đã thấy toàn thuật ngữ này, khái niệm kia. Mà cuốn sách thì lại dày hàng trăm trang, nhìn nản vô cùng. Sách văn học thuộc hàng kinh điển và các tác phẩm hiện đại xuất sắc cũng không khác. Con phải đọc kĩ, liên hệ với các tác phẩm khác, đọc thêm chú giải, đôi khi đọc lại lần hai, lần ba mới hiểu được một phần ý nghĩa của chúng. Quá trình đọc lúc này chẳng khác gì một “cực hình” sách vở.
Nhưng mỗi lần gấp lại một cuốn sách “cực hình”, chúng ta biết thêm nhiều, luồng tư duy thêm một lần được mài sắc. Con nhìn thế giới này khác hơn, rộng hơn, sâu hơn một chút – đó mới là niềm vui thú thực sự của sách. Sách hay, không chắc có đem đến thư giãn trong lúc đọc hay không, nhưng chắc chắn sẽ để lại những dư âm đầy màu sắc. Qua thời gian, chúng ta sẽ dần chán thứ “giải trí” dễ dãi mà chỉ say mê những “thử thách đọc” quyến rũ này mà thôi.
Vậy nên, cha mẹ có thể cùng con lập chiếc bảng sách-cần-đọc, vượt qua thử thách 10 cuốn sách kinh điển – trong bất cứ lĩnh vực nào mà con yêu thích – và chờ xem chúng sẽ “mê hoặc” trí tuệ của con thế nào nhé!