Chọn trường, chọn ngành khi bước chân vào đại học là một bài toán khó cho bất cứ gia đình nào. Bài viết này đưa ra một mô hình gồm 3 yếu tố then chốt trong việc lựa chọn một chương trình học phù hợp.
Những yếu tố này bao gồm: năng lực học tập của con, chất lượng của chương trình và khả năng tài chính của gia đình. Điểm gặp gỡ của 3 yếu tố này chính là lựa chọn lý tưởng, nếu một trong 3 yếu tố không được đáp ứng, những điểm mạnh của 2 yếu tố còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, khiến con không thể đạt được kì vọng của mình.

Chương trình học có chất lượng tốt và phù hợp với khả năng tài chính của gia đình nhưng lại không tương ứng với năng lực học tập của con
Khi lựa chọn một chương trình học, yếu tố đầu tiên cha mẹ cần cân nhắc chính là năng lực học tập của con. Bởi lẽ tiền bạc và bằng cấp không thể giúp con học tốt hơn hoặc kém hơn. Một môi trường học chất lượng, gia đình đủ tài chính để cho con theo học nhưng quá khó sẽ khiến con nản lòng. Cảm giác “không theo kịp được các bạn” sẽ bào mòn sự tự tin của con, đôi lúc có thể khiến con bị trầm cảm. Chưa kể, nếu con liên tục không theo kịp các bài giảng trên lớp, sẽ có nguy cơ thi trượt cao. Khi đó, số tiền học phí cần nộp cũng tăng lên, đến một thời điểm nào đó sẽ vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Kết quả là, con sẽ phải chuyển trường hoặc chấp nhận bỏ dở việc học.
Một chương trình học quá dễ, ngược lại, có thể khiến con ham chơi, sa ngã vào những hoạt động phù phiếm, đồng thời gây ra sự lãng phí rất lớn cho khoản đầu tư giáo dục của gia đình.
Chính vì vậy, ngoài chất lượng và khả năng tài chính của gia đình, cha mẹ nên cùng cùng con chọn một ngành học có thể tận dụng được các điểm mạnh của mình, ở một mức độ phù hợp với khả năng của bản thân. Lý tưởng hơn cả là gia đình có định hướng từ sớm và giúp con rèn luyện, trau dồi các kỹ năng, tính cách cần thiết ngay khi mới vào học cấp 3.
Chương trình học phù hợp với năng lực của con và gia đình có khả năng chi trả nhưng chất lượng chương trình chưa tốt
Một chương trình con có thể theo học và gia đình có thể đáp ứng được tài chính nhưng chất lượng không thực sự đảm bảo cũng sẽ gây nên những khó khăn nhất định. Với những chương trình không có bằng cấp giá trị, hoặc có giá trị nhưng chỉ ở phạm vi hẹp thì rất có thể sau này, cơ hội đi du học bậc thạc sĩ hoặc kiếm việc làm ở nước ngoài của con sẽ bị ảnh hưởng. Xét từ khía cạnh “đầu tư giáo dục”, lựa chọn một chương trình như vậy có vẻ tiết kiệm nhưng về dài lâu lại có phần lãng phí.
Cũng nên lưu ý rằng một chương trình tốt không chỉ được đánh giá bằng chất lượng của bằng cấp, mà còn bằng nội dung của chương trình và những lợi ích vô hình và con sẽ nhận được khi theo học. Ví dụ, ngoài việc nhận được những kiến thức chuyên môn, liệu con có cơ hội để trau dồi các kỹ năng mềm hay được phát huy cá tính của mình hay không? Khi theo học tại trường, liệu con có được khuyến khích phát huy cả tài “chính” và tài “lẻ”? Liệu con có được giao lưu và kết nối với cộng đồng sinh viên lành mạnh và chất lượng. Những yếu tố như vậy cũng rất quan trọng giúp con hoàn thiện bản thân để sẵn sàng cho thị trường việc làm nhiều biến động.
Vì thế, trước khi quyết định chọn lựa, cha mẹ và con nên tìm hiểu kĩ về nội dung chương trình học, uy tín và xếp hạng của trường đại học đó và khả năng phát triển bản thân và tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu được, hãy dành thời gian đến thăm và lắng nghe tư vấn trực tiếp từ các đại diện của trường để đánh giá liệu đây có phải là một môi trường thực sự đáng để đầu tư không.
Chương trình tốt và đúng với mong muốn của con nhưng chưa phù hợp với tài chính của gia đình
Việc một chương trình học tốt, đáp ứng được nguyện vọng và khả năng của con nhưng lại vượt quá khả năng chi trả của gia đình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều cha mẹ có suy nghĩ “cố cho con được bằng bạn bằng mẹ” để gồng gánh các chi phí. Thế nhưng, thực tế, gánh nặng kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con và cả gia đình, đôi khi lại khiến con không thể tự do phát triển hết bản thân như mình mong đợi. Lúc này, điều cha mẹ cần làm là giải thích để cho con hiểu và lựa chọn 1 trong 2 cách: xin học bổng/trợ cấp tài chính hoặc lựa chọn trường khác phù hợp hơn.
Ví dụ, con muốn đi du học nhưng chỉ xin được học bổng 50%, chi phí sinh hoạt lại quá đắt đỏ. Trước tình huống này, việc lựa chọn theo học một trường đại học quốc tế tại Việt Nam sẽ giúp cân bằng các yếu tố – con được trải nghiệm chất lượng giáo dục đúng nguyện vọng, gia đình lại không phải chịu áp lực tài chính quá lớn. Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn đầu tư hết mức cho con,nhưng hi sinh quá nhiều trong trường hợp này sẽ gây nên những áp lực không đáng có cho cả hai phía.
Lựa chọn phù hợp nhất
Chương trình học lý tưởng nhất chính là điểm gặp gỡ của cả 3 yếu tố: năng lực học tập của con, chất lượng của chương trình và khả năng tài chính của gia đình. Lựa chọn này đảm bảo con sẽ phát huy được hết năng lực của mình trong suốt quá trình học, con yên tâm và không chịu áp lực về tài chính, đặc biệt khi tốt nghiệp con sẽ có một tấm bằng có giá trị.
Chọn trường đại học là quyết định lớn sau suốt 12 năm học tập của con. Đồng thời, cũng là đầu tư và kỳ vọng lớn từ cha mẹ. Một ngôi trường với danh tiếng và học phí “cao ngút” chưa chắc đã tốt, một ngôi trường với chi phí quá thấp cũng không hẳn đã là sự lựa chọn khôn ngoan. Trên hành trình này, sự phù hợp và cân bằng có lẽ sẽ tốt hơn cả.
Đọc thêm các bài viết liên quan:
▪ Thuyết con nhím – Bí quyết giúp con chọn nghề nghiệp lý tưởng
▪ Định hướng nghề nghiệp cho teen – Đừng để con lại một mình!
👉 Đọc thêm các bài viết về Hướng nghiệp và Nuôi dạy con
👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác
👉 Vui lòng nhấn “Thích” (Like) fanpage RMIT & Cha Mẹ và chọn mục “Xem đầu tiên” (See first) trên Bảng tin (Timeline) để cập nhật thông tin mới nhất.