Mẹ hổ và mẹ cá heo - bạn chọn là ai?

Hành trình nuôi con khôn lớn đầy những câu hỏi khó. Có nên cho con học thêm một lớp đàn? Liệu cuối tuần có nên cho con nghỉ lớp toán để tham gia chương trình tài năng của trường? Liệu có nên động viên con làm nốt bài tập khi giờ đã là 3h sáng? Nếu đây là câu hỏi đang khiến cha mẹ đau đầu, thì câu chuyện của “mẹ hổ” và “mẹ cá heo” có thể sẽ là lời giải đáp.

Từ những bà mẹ khác nhau một trời một vực trên trang sách…

Vào năm 2011, dư luận thế giới xôn xao về cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ hổ” kể lại phương pháp dạy con nghiêm khắc đến tàn nhẫn mà người mẹ gốc Hoa Amy Chua áp đặt lên hai cô con gái của mình. Người ta sửng sốt trước những quy định hà khắc đến vô lý như “cấm biểu diễn văn nghệ ở trường”, “cấm chơi bất cứ nhạc cụ nào ngoài dương cầm và dương vĩ” hay “cấm xem ti vi”. Câu chuyện tập chơi đàn với những màn quát tháo, xé sách, giậm chân, đe nẹt nổi tiếng của bà mẹ này khiến không ít người cảm thấy lo lắng và phẫn nộ. Với các bậc cha mẹ hổ, kỉ luật là cách duy nhất để rèn luyện con trước xã hội cạnh tranh khốc liệt không chừa chỗ cho những kẻ yếu hèn.

Sau đó 3 năm, cuốn sách “Nuôi dạy con kiểu cá heo” của Shimi Kang lại một lần nữa khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ về cách nuôi con. Là một bác sĩ tâm lý, Kang cho rằng chính phương pháp dạy con độc đoán kiểu hổ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng người trẻ mất phương hướng, không động lực, nghiện ngập, lo âu và trầm cảm. Những trang sách của chị viết về hít thở sâu, uống đủ nước, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên và ngủ đủ giấc – những điều giản dị “xa xỉ” đối với các chú hổ con. Với Kang, chìa khoá nuôi dạy con là sự cân bằng – chỉ có cuộc sống lành mạnh và vui vẻ mới nuôi dưỡng trí tò mò và khát vọng hoàn thiện. Từ đó khơi gợi nguồn động lực tự thân mạnh mẽ – sức mạnh giúp cá heo con tự bơi đầy tự tin và hạnh phúc giữa những dòng chảy biến động không ngừng của cuộc đời.

Đến những chú hổ và cá heo con trong chính gia đình mình

Tôi hay nhìn hàng dài cha mẹ đứng dưới cái nắng 40 độ trước cổng một ngôi trường chuyên danh tiếng ở Hà Nội mà tự hỏi điều gì khiến họ khao khát cho con mình vào học tại đây đến thế… cho đến khi con mình đứng trước ngưỡng vào lớp 10. Tôi bỗng thấy câu chuyện về mẹ hổ không hề xa lạ với chính mình và những bậc cha mẹ xung quanh. Nhưng tôi cũng nhận ra, đâu đó sâu thẳm, tôi muốn con mình trở thành một chú cá heo con.

Bởi vì, nói như Shimi Kang, những đứa trẻ của thế kỉ 21 cần nhiều hơn là những công thức có sẵn. Google, máy tính, robot đã có thể giúp chúng ta truy xuất những dữ liệu khổng lồ. Thế giới hiện đại đòi hỏi chúng ta cần “đặt những câu hỏi đúng” chứ không chỉ là biết câu trả lời. Cách dạy con cá heo hoàn toàn không đồng nghĩa với nuông chiều và nơi lỏng kỉ luật. Thực ra, dạy con biết lắng nghe trực giác, trân trọng bản thân và thích nghi với sự không hoàn hảo mới là kim chỉ nam đúng đắn giúp con sinh tồn, phát triển bản thân và chạm đến thành công. Bởi vì con nên được biết rằng, cuộc đời thực không có đáp án được điểm 10 hoàn hảo, chỉ có hợp lý hay không, kịp thời hay không.

Đọng lại một triết lý thật đơn giản

Tôi thích câu nói của Shimi Kang về việc “con cái nhắc chúng ta về niềm vui vẻ thuần khiết của việc được sống”, về kết quả kiểm tra trình độ PISA* đứng thứ hai thế giới của đất nước với nền “giáo dục nhẹ nhàng” Phần Lan, về cách cô quay đầu xe vì không muốn con mình trở thành một cỗ robot trong lớp học mà ngay việc nghĩ đến nó đã thấy sợ. Nhưng tôi cũng thực sự cảm động về những hy sinh mà các cha mẹ hổ đang ngày ngày làm cho con mình – những giấc ngủ thiếu vì thức cùng con ôn bài, những bữa cơm vội vàng giữa hai giờ học, gánh nặng tài chính khổng lồ khi các con ngày càng học cao lên. Chúng ta đều hiểu, dù là phương pháp nào, cũng đều xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất đến cho con.

Thế nhưng, phải chăng, chúng ta nên dạy con về cách sống hoà hợp hơn là chiến thắng, cách sáng tạo hơn là răm rắp tuân lời, cách thất bại và thích nghi hơn là đổ sụp trước áp lực khủng khiếp của những tấm huy chương và danh hiệu quý giá. Dạy con trở thành một chú cá heo, khó ở chỗ cha mẹ sẽ chẳng có chuẩn mực nào để đi theo, chẳng có quy tắc nào để chắc chắn không phạm phải sai lầm. Thế nhưng, hành trình ấy cũng vô cùng đơn giản, bởi lẽ, “để trở thành những bậc phụ huynh tốt” thực ra không nhờ những bí quyết cao siêu, “mà tất cả những gì chúng ta cần làm là kết hợp những gì chúng ta biết với trực giác của chúng ta. Với tự nhiên là đồng minh của chúng ta, chúng ta có thể dẫn dắt con cái mình tiến tới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công thực sự trong mọi khía cạnh của cuộc sống bằng tình yêu thương”.

(*) PISA – viết tắt của Programme for International Student Assessment  là chương trình đánh giá học sinh quốc tế của tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu.

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.