Lựa chọn nào cho những du học sinh về nước tránh dịch?

Đối với những cha mẹ có con đang là du học sinh, lựa chọn đưa con về nước tránh dịch có lẽ đã gây ra nhiều hoang mang, trăn trở về kế hoạch học tập dang dở của con mình. Con nên tiếp tục học online theo chương trình của nhà trường, nên bảo lưu sang hẳn kì học sau, hay nên ở lại Việt Nam và chuyển tiếp sang một trường Đại học quốc tế? Rất nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi trực tiếp cho RMIT về vấn đề này trong thời gian qua. Vì vậy, để giúp cha mẹ có cái nhìn khách quan hơn về mỗi lựa chọn, trong bài viết này RMIT sẽ phân tích mặt lợi và mặt hại của những hướng giải quyết “mang tính quyết định” này.

1. Học online theo chương trình của nhà trường

Với phương án này, con sẽ ở nhà tại Việt Nam và học online theo khung giờ của trường học ở nước ngoài. Khi hết dịch, con sẽ quay trở lại đó và tiếp tục đến trường học như bình thường.

Cách xử lí này giúp chương trình học của con không bị gián đoạn. Con vẫn có thể nghe giảng, làm bài tập, tham gia các hoạt động kiểm tra của nhà trường.

Tuy nhiên, song song với đó tiềm tàng những bất lợi khá lớn. Thứ nhất, điều kiện học online sẽ không được thuận lợi bằng việc đến trường: nếu học tạm thời trong một thời gian ngắn thì không sao, nhưng nếu kéo dài nhiều tháng, việc học online sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả học tập và sức khoẻ của con. Con có thể gặp vấn đề về dây mạng hoặc thiết bị điện tử cá nhân, dẫn tới mất tập trung khi “ra vào” các lớp học hoặc gặp trục trặc khi làm bài kiểm tra. Con cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ hoặc đau dạ dày khi học lệch múi giờ trong thời gian dài, đặc biệt là du học sinh Mỹ với mức chênh lệch 12 tiếng đồng hồ. Thứ hai, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến căng thẳng trên toàn thế giới, không chắc khi nào mới hết dịch để con được trở lại trường, trong khi đó chi phí học không giảm. Nếu tiếp tục theo học, có thể gia đình sẽ cần cân nhắc về mức “lỗ” khi chi phí học và chất lượng học có sự chênh lệch như vậy.

2. Xin bảo lưu một kì đến một năm

Xin bảo lưu đồng nghĩa với việc con sẽ nghỉ hẳn ở nhà từ nửa năm tới một năm mà không tham dự buổi học online nào. Sau đó, khi đã sẵn sàng, con sẽ làm thủ tục quay lại trường học, chấp nhận học muộn một kì hoặc một năm.

Mặt lợi của hướng giải quyết này là con được đảm bảo về chất lượng dạy và học. Con sẽ không phải trải qua giai đoạn học online với nhiều điểm bất tiện kể trên, và khi dịch qua đi, con có thể tiếp tục trải nghiệm chương trình học offline như trước. Hơn nữa, nếu bảo lưu, con có thêm thời gian để nghỉ ngơi, cải thiện sức khoẻ và nhìn lại chặng đường mình đã đi. 

Nhưng đối với những bạn trẻ chưa thực sự tự giác, lựa chọn này có thể sẽ khiến các con giậm chân tại chỗ trong suốt khoảng thời gian bảo lưu. Việc học của con cũng dễ bị ảnh hưởng do có khoảng thời gian trống, nhịp học tập bị gián đoạn, con có thể quên nhiều bài học, thực hành… Nếu con không tận dụng được khoảng thời gian này để nhìn nhận lại mình và trau dồi những kiến thức, kĩ năng, mối quan hệ, thì những dự định lâu dài của con rất dễ bị ảnh hưởng, bởi con sẽ tốt nghiệp chậm hơn các bạn cùng lứa, mà không tự tạo ra giá trị nào khác để bù lấp vào. Không chỉ vậy, bỏ bẵng kiến thức suốt nửa năm tới một năm, khi quay lại học con có thể sẽ rất vất vả để theo kịp chương trình. 

3. Xin chuyển tiếp về trường quốc tế ở Việt Nam

Đây là một lựa chọn khá an toàn đối với các du học sinh đã trở về nước trong mùa dịch này. Cha mẹ có thể làm thủ tục chuyển tiếp để con học nốt những năm cuối đại học ở một trường quốc tế tại Việt Nam, do chương trình của các trường này thường được công nhận toàn cầu.  

Dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát rất chặt chẽ, nên có thể chỉ trong 1-2 tháng tới là học sinh sẽ được đến trường, bởi vậy mà việc học online sẽ không phải kéo dài tới nửa năm hay một năm. Đặc biệt, nếu như con có ý định trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp, đây sẽ là bước đệm hoàn hảo giúp con thích nghi với môi trường Việt Nam. Nhờ trải nghiệm “nửa nước ngoài, nửa trong nước” này, con sẽ xây dựng được nhiều mối quan hệ chất lượng hơn và có cái nhìn thực tế về thị trường lao động khi đi xin việc.

Hiện tại, có khá nhiều du học sinh Việt Nam đang theo học tại RMIT Melbourne (Úc) chuyển về học tại Việt Nam do chương trình tại RMIT Việt Nam hoàn toàn tương đồng với chương trình các con đang theo học tại Úc. Các con cũng không gặp bỡ ngỡ gì do phương pháp giảng dạy và môi trường học tại RMIT hoàn toàn giống ở Úc. Tuy nhiên, có thể nhiều cha mẹ chưa biết là việc chuyển tiếp này không chỉ dành cho các du học sinh tại Úc nói riêng mà có thể là giải pháp cho du học sinh ở tất cả các nước trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở mạng lưới đối tác hơn 200 trường đại học trên toàn thế giới, RMIT có thể giúp các con liên hệ với trường đang theo học để hỗ trợ việc chuyển tiếp tín chỉ bất kể con đang học ở cơ sở giáo dục nào trên thế giới. Trong quá trình học, sau khi hoàn thành số tín chỉ/ môn học theo yêu cầu, các con còn có thể tiếp tục đi trao đổi/ chuyển tiếp tại các quốc gia khác và có thể vẫn quay lại ngôi trường mình đã theo học ban đầu. Khi tốt nghiệp, tấm bằng mà con nhận được là tấm bằng quốc tế, được cấp bởi một trường top 15 tại Úc. Vì vậy, mọi khoản đầu tư trước đó đều không bị bỏ phí. 

Dựa vào những phân tích kể trên, RMIT mong rằng cha mẹ sẽ có thể cùng con đưa ra lựa chọn phù hợp nhất đối với hoàn cảnh gia đình, mong muốn và kế hoạch học tập, làm việc lâu dài phía trước của con. Con đã trở về quê hương an toàn, giờ đến lúc cả nhà cùng nhau cân nhắc và lựa chọn bước đi tiếp theo một cách tỉnh táo nhất.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.