Lắng nghe tâm sự của nhiều cha mẹ và các con sinh viên về chuyện học nhầm ngành, làm trái nghề, chúng tôi thấy ở đó nhiều cảm xúc – bối rối có, thất vọng có và đôi khi là cả giận dỗi cũng có. Chắc chắn, đây là điều mà bất cứ gia đình nào cũng không mong muốn. Thế nhưng, có thật làm trái ngành đồng nghĩa với việc “đổ bỏ” khoản đầu tư 3-4 năm đại học? Liệu chọn rẽ sang một hướng khác có phải lúc nào cũng toàn những gập ghềnh? Thực chất mọi chuyện không đáng sợ đến thế, con hoàn toàn có cơ hội phát triển bình thường kể cả khi làm trái nghề. Bài viết này sẽ đem đến góc nhìn mới về sức mạnh của những “ước mơ đi lạc”.

Năng lượng và đam mê 

Trước hết, cần phải thừa nhận rằng khi chấp nhận vượt qua thử thách làm trái ngành, tức là con đã có niềm say mê và quyết tâm rất lớn với con đường mới chọn. Vốn dĩ, nhiệt huyết này chính là điều cần thiết nhất trong suốt chặng đường phát triển sự nghiệp. Bởi lẽ, khi làm đúng thứ mình thích, khi biết rằng mình đang đi chậm hơn, tức khắc chúng ta sẽ chú tâm hơn, bỏ nhiều công sức hơn, cảm thấy nhiều năng lượng hơn, và vì thế có nhiều cơ hội để tiến xa hơn. 

Chính vì thế, ở RMIT, nhiều con sinh viên đến năm 2 mới chọn chuyên ngành hay đổi ngành học và hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. Câu chuyện về Lương Việt Nga – cựu sinh viên RMIT là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp đại học, làm việc cho một công ty bất động sản của nước ngoài và tập đoàn viễn thông lớn với mức lương hàng nghìn đô, cô nàng sinh năm 1990 lại cảm thấy quá ngột ngạt với máy lạnh, với văn phòng. Nga quyết định làm theo trái tim mình – trở thành một nghệ sĩ xăm. Trải qua nhiều ngăn cản, vấp váp bước đầu, cô học sinh “Đường lên đỉnh Olympia” năm nào giờ đây rất hạnh phúc với lựa chọn tưởng như “trái chiều” và muộn màng của mình.

Sự cập nhật và thích nghi với thị trường làm việc 

Với sự phát triển của công nghệ, thế giới đổi thay mỗi ngày. Thực tế đang cho thấy sự “lạc hậu” và dần biết mất của nhiều công việc, đặc biệt là những nhiệm vụ có tính chất lặp đi lặp lại, thiết sáng tạo, có thể thay thế bằng máy móc và công nghệ. Chính vì vậy, việc có thêm thời gian trải nghiệm, va chạm với môi trường làm việc thực tiễn để nhận ra những lối đi mới, hấp dẫn trong tương lai sẽ mở ra cho con những lựa chọn sáng suốt, nhạy bén hơn những gì cha mẹ “cho là đúng” hoặc nhắm mắt chạy theo xu hướng.

Lê Tuấn Anh, một chuyêntư vấn viên hướng nghiệp, tác giả sách, và đồng thời là diễn giả quen thuộc với các sinh viên tại Hà Nội và TP.HCM, đã quyết định lựa chọn theo đuổi con đường của mình sau khi thực tập ở phòng hướng nghiệp tại RMIT và được làm việc trực tiếp với cô Phoenix Hồ. Tuấn Anh cũng từng theo học RMIT với chuyên ngành Truyền thông chuyên nghiệp. Có lẽ, chính việc thấu hiểu con người, thấu hiểu các kỹ năng xã hội từ môn học này đã trở thành bàn đạp vững chắc cho Tuấn Anh trên chặng đường giúp đỡ các bạn trẻ tìm ra và phát triển trên con đường sự nghiệp của riêng mình. Có thể nói, đôi khi đi chậm lại mở ra những hướng đi chắc chắn, trải nghiệm kĩ và đón đầu xu hướng của tương lai.

Tư duy, kỹ năng và hành trang buổi đầu sự nghiệp

Đối với sinh viên mới ra trường, giá trị lớn nhất mà con mang đến trong công việc không nằm ở tri thức, hiểu biết của con về ngành – những gì con học ở trên lớp, kể cả đúng ngành – đôi khi vẫn là không đủ. Bên cạnh đó, không ai có thể đảm bảo việc chọn một ngành “tạm ổn” và học đối phó cho xong suốt 4 năm sẽ đem lại cho con cơ hội tốt sau khi ra trường. Các doanh nghiệp giờ đây rất tỉnh táo, họ đánh giá toàn diện hơn là chỉ qua một vài chữ trên chiếc bằng – từ thái độ, kinh nghiệm làm việc thực tế đến các dự án và hoạt động ngoại khoá.

Thay vào đó, tư duy xử lý vấn đề, hệ thống kỹ năng mềm và các mối quan hệ mới là thứ giúp con phát triển dù ở bất cứ môi trường nào. Thậm chí, ngay cả câu chuyện nỗ lực để thích nghi trong một ngành khác biệt cũng có thể giúp con toả sáng khi trò chuyện với nhà tuyển dụng.

Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách công bằng rằng học trái ngành nhưng đủ tỉnh táo để tìm lại đam mê thực sự và đủ dũng cảm theo đuổi lại từ đầu, đó là năng lực và bản lĩnh đặc biệt mà không phải ai cũng làm được. Nếu con đã quyết tâm, hãy bình tĩnh và cùng con dần khai phá con đường đầy thử thách và cũng rất nhiều thú vị ở phía trước này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.