Bước vào tuổi teen, so sánh mình với những người xung quanh rất quan trọng. Con thất vọng vì mình không có ngoại hình nổi bật. Con xấu hổ vì mình không có chiếc điện thoại cảm ứng sành điệu như các bạn. Con tức tối khi thấy cô bạn thân đi ăn chè với người khác. Sự ghen tị cứ lặng lẽ len lỏi vào trong việc đi học, đi chơi, vào cả những bài đăng con thấy trên Facebook. Vậy, vì lẽ gì mà việc hơn kém trở nên quan trọng đến thế ở lứa tuổi này và làm thế nào để cha mẹ giúp con “đương đầu” với chúng?
Nỗi sợ bị bỏ lại
Đây chính là lí do cốt lõi khiến các con hay so sánh mình với những người xung quanh. Chưa đủ hiểu biết và từng trải để tin vào các giá trị của bản thân, con phải tìm kiếm sự công nhận của những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè. Biểu hiện của sự công nhận ấy chính là việc trở nên “hợp thời” nhất, nổi bật nhất, đáng ngưỡng mộ nhất.
Con có thể hôm trước nhất định không chịu học tiếng Anh tử tế, hôm sau đã thủ thỉ nói với mẹ đăng kí lớp học ôn IELTS tăng cường. Hãy thử hỏi con mình, biết đâu cha mẹ sẽ nhận được một lời thú nhận rất đáng yêu, rằng: “Bạn bè trên lớp ai cũng đạt điểm cao hơn con”. Sự ghen tị của tuổi teen đôi khi cũng là một chất xúc tác tích cực như thế.
Những khoảng cách ngày càng xa
Cha mẹ có thể thắc mắc rằng “Ngày xưa mình đâu có so đo, đòi hỏi nhiều như các con bây giờ?” Thế nhưng, trước khi trách “giới trẻ ngày nay sống trong no ấm rồi sinh hư”, chúng ta cần nhìn nhận rằng: kinh tế phát triển đã tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa các gia đình trong xã hội. Ngày xưa, hầu như ai đi học cũng dùng chung một loại cặp, muốn truyền tin thì chung một cây bút, tờ giấy để viết thư. Ngày nay, các con học sinh nhà có điều kiện hơn đã biết chọn cho mình chiếc cặp hàng hiệu, biết dùng iPhone, đồng hồ cảm ứng để nghe nhạc, nhắn tin.
Vì thế, nếu con có khăng khăng đòi mua một chiếc điện thoại mới thay cho “cục gạch” mẹ bắt dùng, hãy hiểu rằng đó thực chất là một mong muốn hết sức bình thường ở lứa tuổi này. Cha mẹ nên bình tĩnh giải thích cho con quyết định của mình thay vì mắng con ngay là “đua đòi hư hỏng”. Sống giữa một thế giới có quá nhiều lựa chọn, mà mỗi lựa chọn đều phản ánh điều kiện kinh tế, không thể trách các con trở nên nhạy cảm hơn với những gì bạn bè xung quanh mình đang sở hữu.
Một thế giới “ai cũng hoàn hảo” trên mạng xã hội
Internet là “đồng phạm” hoàn hảo khiến sự ghen tị trong con có cơ hội hoành hành mỗi ngày. Con sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram khác với cha mẹ chúng ta – không chỉ là nơi chia sẻ các khoảnh khắc đẹp, đây còn là nơi con thể hiện bản thân. Ở đó, ai cũng cố gắng đưa ra những hình ảnh đẹp nhất, giỏi giang nhất, sành điệu nhất của mình. Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cũng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra những diện mạo “siêu thực” đáng mơ ước đó.
Những đứa trẻ có điều kiện một chút sẽ bị cuốn vào vòng xoáy “sống ảo” không hồi kết. Còn các con không có gì để “khoe” thì ngày càng lún sâu vào sự ghen tị và tự ti. Cách tốt nhất để kéo con ra khỏi sự so sánh này là hướng con đến các hoạt động thực tế – kết quả học tập, chương trình ngoại khoá hay đơn giản là việc quây quần gia đình thay vì dán mắt vào màn hình điện thoại.
Xét đến cùng, có so đo, có tức giận, thì cũng bởi con đang muốn mình trở nên tốt hơn, được yêu quý và ngưỡng mộ hơn mà thôi. Cha mẹ nên lắng nghe con giãi bày, giải thích cho con hiểu lí do của những khác biệt ấy và nếu được, cùng con vạch ra dự định để “giải quyết” tận gốc sự ghen tị đó. Coi những so sánh này là động lực để tiến lên, con chắc chắn sẽ khiêm tốn và bền bỉ nỗ lực hơn trên từng chặng đua phía trước.
Giang Nguyễn