Làm thế nào để quản lý việc sử dụng điện thoại của con?

Hiện nay, hầu hết học sinh cuối cấp 2, đầu cấp 3 đều đã được cha mẹ cho phép sử dụng điện thoại di động. Không chỉ vậy, một số em còn sở hữu những chiếc điện thoại thông minh với vô vàn chức năng hấp dẫn. Điều này vô tình trở thành con dao hai lưỡi khiến các em quá say mê điện thoại mà lơ là việc học, thậm chí, sử dụng chúng với những mục đích lệch lạc. Trước tình trạng ấy, cha mẹ nên làm gì để giúp con sử dụng di động đúng cách?

Ở một số nước trên thế giới, sử dụng điện thoại di động khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường bị hạn chế nghiêm ngặt. Ở châu Âu, 98% trường học ở Anh không cho học sinh dùng điện thoại từ năm 2012. Ở châu Á, hầu hết trường học Singapore có quy định cấm học sinh dùng điện thoại di động, Indonesia còn quyết liệt hơn khi xem xét cấm cả việc học sinh dùng điện thoại bên ngoài trường học. Trong khi đó, một số nước tiên tiến lại có biện pháp mềm mỏng hơn trước vấn đề này. Nhật Bản không ra luật cấm, các bang của nước Mỹ vừa qua cũng đã gỡ bỏ lệnh cấm dùng điện thoại ở trường. Điều này phần nào cho thấy, không cấm nhưng cần định hướng con sử dụng điện thoại chính là cách làm hiệu quả hơn cả.

1. Trang bị cho con một chiếc điện thoại “vừa phải”

Cuối cấp 2, đầu cấp 3, lịch học hằng ngày hầu hết không còn cố định. Việc đi lại, đưa đón có thể được tiện lợi, nhanh chóng hơn nhiều nếu các con có thể gọi điện cho cha mẹ. Chính vì thế, một chiếc điện thoại với các chức năng đủ dùng, không cần quá hiện đại, sành điệu là hoàn toàn phù hợp cho mục đích này. Một phụ huynh có con học lớp 8 trường THCS Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) cho hay con tự đi xe buýt về mỗi buổi chiều, nên chỉ cho con mang theo chiếc điện thoại “cục gạch” nhắn tin khi lỡ chuyến hoặc tắc đường cần mẹ đến đón.

Tình trạng cướp giật điện thoại đắt tiền cũng hay xảy ra ở các thành phố lớn, chính vì thế cho con sử dụng điện thoại “vừa phải” cũng là cách để bảo vệ con khỏi kẻ gian có ý định xấu.

2. Tránh áp đặt, cấm đoán con sử dụng điện thoại

Ông Nguyễn Quốc Bình (hiệu trưởng trường Việt Đức, Hà Nội) cho rằng bản chất điện thoại di động là không xấu, nhưng điều đáng lo ngại là một số em học sinh đang sử dụng chúng với mục đích thiếu lành mạnh. Đối với những tình huống này, càng cấm đoán, các con càng tò mò, cách hiệu quả nhất là giải thích với con mặt trái của việc sử dụng điện thoại sai cách. Ví dụ, việc xem, tải những nội dung không phù hợp sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân của con, hơn nữa, bản thân hành động đó sẽ khiến con không còn thời gian, tâm trí cho những hoạt động bổ ích khác như thể thao, giao lưu bạn bè hay vui chơi cùng gia đình.

3. Thoả thuận rõ ràng với con về quy định sử dụng điện thoại

Hãy duy trì không khí bình đẳng, gần gũi giữa cha mẹ và con bằng cách cùng con thoả thuận về những quy định sử dụng điện thoại – những việc được sử dụng, số giờ được chơi hay lên mạng xã hội, thời gian được sử dụng và hình phạt nếu vi phạm. Vì được phép tham gia vào quá trình này, các con sẽ cảm giác không bị cha mẹ áp đặt. Khi con chơi quá giờ, cha mẹ có thể nhẹ nhàng nhắc: “con đang vi phạm hiệp ước điện thoại nhé, bây giờ là giờ học tối rồi”. Vì đã biết trước các quy định, con sẽ vui vẻ chấp hành.

4. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý con sử dụng điện thoại

Sử dụng điện thoại trên lớp là một vấn đề khiến các bậc cha mẹ hết sức đau đầu. Hầu hết các trường đều có quy định nghiêm ngặt về vấn đề sử dụng điện thoại, ví dụ theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trường hợp nào vi phạm quy định sử dụng điện thoại thì tùy mức độ, hành vi, có trường hợp bị tịch thu điện thoại đến vài tháng và bố mẹ phải đến ký cam kết khi lấy điện thoại về cho con. Để quản lí con trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần theo dõi các quy định của trường, tốt nhất là thường xuyên trao đổi với giáo viên để nắm được tình hình, tránh trường hợp giáo viên mời lên trao đổi mới “vỡ lẽ” thì chiếc điện thoại đã gây hậu quả nhất định đến con.

5. Trở thành tấm gương tốt cho con

Trong cuốn sách “Dạy con đôi khi thật đơn giản“, bàn về việc dạy con dùng điện thoại, tác giả Trần Bích Hà cho rằng trước tiên người lớn cần gương mẫu.  Cha mẹ sử dụng điện thoại suốt ngày thì khó có thể hạn chế con được. Gia đình nên dành thời gian rảnh rỗi để trò chuyện, vui chơi hay nấu nướng cùng nhau. Chính điều này sẽ giúp con cảm nhận được cuộc sống gia đình ấm áp, không còn lệ thuộc vào sức hút của trò chơi hay mạng xã hội nữa.

Cách tốt nhất để quản lý con sử dụng điện thoại chính là để con tự quản lí chính mình. Giúp con nhận ra đúng – sai, tự mình đặt ra quy định, cùng trải nghiệm những hoạt động thú vị với con chính là “lạt mềm” giúp cha mẹ “buộc chặt”, từng bước kéo con ra khỏi sức quyến rũ của điện thoại di động.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.