Làm thế nào để không trở thành cha mẹ độc hại

Con đạt được thành công và luôn thân thiết với mình là mong muốn của bất cứ bậc cha mẹ nào. Thế nhưng, ranh giới giữa khích lệ, rèn giũa và các thói quen “độc hại” trong mối quan hệ cha mẹ – con cái luôn rất mong manh. Trong bài viết “7 biểu hiện của cha mẹ độc hại”, chúng tôi đã liệt kê những dấu hiệu bắt bệnh. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ có những chỉ dẫn cụ thể để bạn “chữa bệnh”.

Bước 1. Ý thức rõ hậu quả của tình trạng “cha mẹ độc hại”

Người ta hay ví trẻ em như những miếng bọt biển – dễ dàng “hút” tất cả những đặc tính trong môi trường mà chúng lớn lên. Vì thế, tình trạng “cha mẹ độc hại” có ảnh hưởng rất lớn đối với tính cách và các thành quả trong tương lai của con. 

Một người mẹ luôn muốn kiểm soát con sẽ khiến đứa trẻ trở nên lệ thuộc. Một người cha xa cách và dữ dằn sẽ khiến con trở nên nhút nhát hoặc biến thành một người hung hăng. Đây có thể tạo ra một vòng tròn tròn luẩn quẩn – lan truyền các tính cách tiêu cực đến cả các thế hệ kế tiếp. Thẳng thắn nhìn nhận các nguy cơ của tình trạng “cha mẹ độc hại” sẽ là bước đầu tiên giúp chúng ta xây dựng lại một mối quan hệ lành mạnh với con.  

Bước 2. Tránh xa các thói quen độc hại 

Học cách giao tiếp hiệu quả: Giao tiếp là một trong những nút thắt lớn nhất mà các bậc cha mẹ và con tuổi teen thường gặp phải. Thay vì la mắng hoặc im lặng, hãy thử 3 bước nhỏ sau:

  • Kiềm chế nói ra những lời gây tổn thương, bình tĩnh suy nghĩ lại vấn đề và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với con.
  • Để bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy trải lòng mình và lắng nghe con một cách tôn trọng. Đừng để con cảm thấy bản thân như một đứa trẻ ngốc nghếch.
  • Nếu thấy mình có nguy cơ “bốc hoả”, hãy đề nghị con ngưng lại một vài phút và đi uống một cốc nước. Đảm bảo tách bạch cảm xúc khỏi câu chuyện là điều quan trọng. 

Hiểu rằng bạo lực không phải là cách thể hiện yêu thương:

Đòn roi chưa bao giờ là một cách hay để con nhận ra lỗi sai của mình. Đừng biện minh “ngày xưa mình cũng được dạy dỗ như thế”. Cuộc sống đầy áp lực của hiện đại làm tâm lí con trẻ không thể chịu nổi bạo lực, dù với bất cứ lí do gì. Nếu yêu con, hãy thể hiện điều đó bằng sự động viên, bằng việc dành thời gian bên con nhiều hơn.

Tôn trọng cuộc sống của riêng con: 

Đừng bắt con phải “cùng buồn, cùng vui” với mình. Những cô cậu tuổi teen vốn đã rất bận rộn với vô vàn rắc rối mới lớn của mình. Vì thế, cha mẹ hãy tìm đến những người bạn hoặc chuyên gia tư vấn để có được câu trả lời phù hợp nhất. 

Cũng đừng bắt con phải thực hiện ước mơ hay chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của cha mẹ. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng: “Liệu những điều cha mẹ kì vọng ở con có thực sự là thứ con muốn? Hay điều đó chỉ đang giúp chúng ta tự hào với đồng nghiệp, giúp chúng ta cảm thấy bớt nuối tiếc những dự định dang dở năm nào?” Trả lời rạch ròi được câu hỏi đó, tôi tin cha mẹ sẽ biết đâu là điều nên làm. 

Bước 3. Nỗ lực nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với con 

Một mối quan hệ tốt thường bắt đầu từ những việc nhỏ. Cha mẹ hãy kể với con về những khó khăn của mình. Hãy lắng nghe con nhiều hơn. Ngay cả khi việc nói chuyện quá khó khăn, thử làm một điều gì mới lạ cũng là một cách hay. Rủ con nấu một món ăn ngon, dành ra một buổi chiều đi mua sách sẽ là những cơ hội gắn bó rất tự nhiên như thế. 

Tất nhiên, việc hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không xảy ra trong một sớm một chiều. Chúng ta cần kiên nhẫn với con và chính bản thân mình. Thật khó để nói lời xin lỗi, nhưng nếu trót nổi nóng, hãy thử mở lòng giải thích. Thật khó để thấy những dự định chúng ta ấp ủ từ khi con chào đời bị tuổi 15-16 gạt đi trong chốc lát, nhưng nếu những ước mơ đó khiến con thức dậy đầy háo hức mỗi ngày, hãy lùi lại để trở thành hậu phương vững chắc. 

Chúng ta đều hiểu, làm cha mẹ là một quá trình đầy khó khăn mà chẳng ai được dạy trước. Thế nên, nếu có sai một đôi lần, hãy thẳng thắn đối diện với chúng và bước tiếp. Bởi lẽ, con cái của chúng ta thật ra luôn rất bao dung. 

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.