Thế giới nghề nghiệp bây giờ đã rất khác xưa, có những nghề biến mất do không có nhu cầu hoặc nhân lực bị thay thế bởi máy móc, có những nghề mới sinh ra hoặc sẽ rất được trọng dụng trong tương lai nhưng thế hệ của chúng ta hoàn toàn không biết gì cả, ví dụ như những nghề nghiệp sau:
- Chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI).
- Kỹ sư y sinh
- Chuyên gia xử lý rác thải
- Chuyên gia năng lượng thay thế (năng lượng mặt trời, điện, gió…)
- Kỹ sư chế tạo robot
- Chuyên gia phân tích dữ liệu lớn
- Chuyên gia điện toán đám mây
Vậy sẽ ra sao nếu con muốn làm những nghề mà bạn chưa nghe đến bao giờ? Bạn sẽ hoang mang và cố hướng con về những nghề mình đã biết, hay bạn sẽ cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình để có thể hướng nghiệp và chia sẻ cùng con? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn những cách để vẫn có thể yên tâm cùng con đi trên con đường mình chưa bao giờ biết.
1. Hãy biết
Điều đầu tiên ba mẹ cần nhớ, đó là nghề nghiệp sinh ra và mất đi theo nhu cầu của xã hội. Vì vậy, chuyện con muốn làm những nghề mình chưa biết đến bao giờ không có gì đáng sợ, mà đó còn có thể là một tín hiệu đáng mừng bởi con có cơ hội làm công việc mình hứng thú và phù hợp với thời đại. Khi con biết về công việc đó từ sớm như vậy, bạn và con sẽ có rất nhiều thời gian tìm hiểu và chuẩn bị cho tốt, để đến khi học xong ra trường con là một ứng viên lý tưởng cho nghề nghiệp tương lai.
Chuyện cần lưu ý thứ hai, đó là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn lo lắng về nghề lạ chính là “không biết”. Trong đầu bạn xuất hiện quá nhiều câu hỏi cần được trả lời, như “nghề đó sẽ làm những việc gì? Học xong có việc làm không? Học ở đâu? Thu nhập thế nào?”…
Nhưng không sao, làm ba mẹ không có nghĩa là bạn phải biết tất cả mọi thứ. Không biết thì hỏi, và hãy hỏi chính con mình. Bởi khi con đã nói với bạn về nghề lạ mà con muốn làm, thì nhiều khả năng tự con đã tìm hiểu về nghề đó khá đầy đủ, và con có thể trả lời những câu đang làm bạn choáng ngợp.
Thêm nữa, khi bạn hỏi và nhận được câu trả lời từ con, bạn có thể biết con nghiêm túc hay không với nghề nghiệp mà mình sắp làm. Nếu con trả lời sơ sài qua quýt hoặc không thoả đáng, bạn có thể yêu cầu con đưa thêm thông tin chi tiết cho mình, “Ba/mẹ chưa hình dung rõ lắm, con có thể tìm hiểu thêm và giải thích rõ hơn cho ba/mẹ biết được không?” Đây là yêu cầu chính đáng, bởi chuyện con muốn học một ngành nghề đồng nghĩa với việc bạn đầu tư vào giáo dục, và một nhà đầu tư, dù vô điều kiện đến đâu, cũng cần được biết mình đầu tư vào cái gì, đúng không nào?
Ngoài ra, sau khi đã hỏi con xong, chính bạn cũng nên và cần tự mình tìm hiểu. Đọc trên Internet, xem trên TV, tham khảo ý kiến bạn bè người thân thông tuệ đáng tin cậy, hỏi chuyên gia hướng nghiệp… Chuyển từ “không biết” thành “biết” sẽ giúp tâm trí bạn cởi mở và yên tâm hơn.
2. Hướng dẫn con trau dồi các kỹ năng chuyển đổi
Kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) là những kỹ năng linh động, có thể được áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Với tốc độ thay đổi của thị trường việc làm ngày nay, rất nhiều nghề nghiệp có thể sẽ biến mất trong vòng mười năm nữa, thay vào đó là những nghề mới mà chúng ta chưa từng nghe tới.
Để con không thất nghiệp, cha mẹ nên định hướng con chú ý đến các kỹ năng chuyển đổi, giúp con mở rộng vùng việc làm của mình. Có nhiều ngành nghề tính chất khác nhau nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, con sẽ nhận ra chúng có nhiều điểm tương đồng, đòi hỏi những kỹ năng và những kiến thức giống nhau.
Ví dụ, nếu con muốn làm chuyên gia trí tuệ nhân tạo, đây là nghề cần kiến thức sâu về công nghệ, kỹ năng tính toán, lập trình, phân tích, quan sát… và nhóm kỹ năng này hoàn toàn có thể ứng dụng qua các nghề tương tự, như phát triển phần mềm, chuyên gia lập trình, chuyên gia máy tính… Rèn luyện các kỹ năng chuyển đổi và tạo cho mình một cái nhìn rộng thoáng, dễ thích ứng, sẽ giúp con và ba mẹ yên tâm hơn trước một tương lai việc làm nhiều biến động.
Con muốn làm nghề ba mẹ chưa bao giờ biết đến là một trải nghiệm khá hoang mang với nhiều bậc phụ huynh, và những trải nghiệm thế này sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai bởi thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Giữ cho mình một tâm trí cởi mở, không ngại hỏi, sẵn sàng biết thêm chính là mấu chốt để ba mẹ có thể đồng hành cùng con trên con đường sự nghiệp mới mẻ này.
Giang Trần