Con nhút nhát, không muốn nói chuyện với người lạ. Con bị bạn trêu, nhưng cố lờ đi mà không phản kháng. Con chưa hiểu bài, nhưng không dám lên thắc mắc với cô giáo. Nếu như con có những biểu hiện của chứng “xấu hổ” kể trên, rất có thể bây giờ và sau này, con sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể sửa chữa được nếu cha mẹ hiểu những khó khăn con đang gặp phải và biết cách giúp con vượt qua.
1. Khi xấu hổ, con sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Những “ngại ngùng” đời thường tưởng như nhỏ nhặt, nhưng khi tích tụ lại, chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con. Con sẽ có những nhận thức không hay về bản thân, tạo dựng được ít mối quan hệ, chịu nhiều áp lực về học tập và cảm thấy mệt mỏi về tinh thần.
Thứ nhất, chuyện “xấu hổ” lâu ngày có thể khiến con cảm thấy mình kém cỏi. Bởi con không dám giơ tay phát biểu, không dám xung phong tham gia các hoạt động của trường lớp, không dám tham dự các cuộc thi học sinh giỏi,.. nên con dần trở nên mờ nhạt và tự cho rằng mình thua kém mọi người.
Thứ hai, càng nhút nhát, con càng đánh mất cơ hội tạo dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Khi con ngại giao tiếp, không muốn tham gia vào những trò chơi hay những cuộc trò chuyện của bạn bè, con sẽ dần tự cô lập mình và dễ trở nên đơn độc. Các bạn cảm thấy con không thân thiện, nên sẽ dần không còn muốn chơi cùng con.
Thứ ba, con có thể đạt thành tích học tập không cao chỉ vì sự thiếu tự tin của mình. Nếu con không dám hỏi lại cô giáo khi chưa hiểu bài, hoặc không dám trả lời khi cô gọi phát biểu trên lớp, kiến thức của con sẽ hổng dần. Khi ấy, rất có thể con sẽ dần tụt lùi trên lớp, hoặc giáo viên sẽ đánh giá sai năng lực của con vì cho rằng con không trả lời được câu hỏi “cơ bản”.
Cuối cùng, tất cả những điều trên nếu kéo dài quá lâu có thể khiến con bị ảnh hưởng nhiều tới mặt tinh thần, thậm chí dẫn tới các bệnh lí như trầm cảm. Đó là khi con thực sự tuyệt vọng, không còn tin vào chính bản thân mình, và cũng không có nhiều mối quan hệ để san sẻ, tâm sự.
2. Cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn?
Muốn con trở nên tự tin hơn, không có cách nào khác ngoài việc giúp con “thực hành” sự tự tin ở nhiều không gian và môi trường khác nhau: trong nhà, trên trường, và ngoài xã hội. Dưới đây là một vài gợi ý mà cha mẹ nên thử để giúp con bớt nhút nhát.
– Cho con tự đưa ra quyết định cho các vấn đề của bản thân, hay nói cách khác là hỏi ý kiến con thay vì yêu cầu con phải làm thế này, phải làm thế khác. Chẳng hạn như cho con tự lựa chọn quần áo với phong cách của riêng mình để đón chào mùa đông tới.
– Cho con không khí thoải mái để bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc. Đơn giản như việc cho phép con “cãi” lại với những lập luận hợp lí, thay vì mắng con khi con tranh luận và bắt con trật tự.
– Cho con thử tham gia nhiều bộ môn khác nhau để phát hiện ra tài năng/điểm mạnh đặc biệt của con. Có thể con không giỏi tính toán, nhưng con lại vẽ rất đẹp. Có thể con không giỏi ngoại ngữ, nhưng con lại rất ham tìm hiểu về các hiện tượng vật lý.
– Khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động, tổ chức để gặp gỡ nhiều người. Con có thể nộp đơn vào Câu lạc bộ của trường, đăng ký các chương trình tình nguyện,…
– Dạy con “thực hành” một số thứ liên quan đến giao tiếp. Trong đó, tự gọi đồ khi đi ăn nhà hàng cũng là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với những đứa trẻ nhút nhát.
Chuyện con tuổi teen hay xấu hổ không còn là câu chuyện quá lạ lẫm, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Điều quan trọng là cha mẹ cần có những hướng đi đúng đắn và luôn thật kiên nhẫn với con trong suốt cuộc hành trình dài hơi này.
RMIT hi vọng rằng cha mẹ sẽ tìm thấy những lời khuyên thực sự hữu ích trong bài viết!
Ngân Hoàng