Làm thế nào để giúp con chữa bệnh trì hoãn?

Ngày mai thi, tối nay hay thậm chí sáng hôm sau mới học bài. Thật ra, không chỉ teen, mà chính người lớn chúng ta cũng mắc căn bệnh trì hoãn. Vậy phải hiểu thế nào về “bệnh” này, và làm thế nào để giúp con tránh khỏi nó? Bài viết này sẽ giúp cha mẹ làm điều đó.

Bệnh trì hoãn là gì?

Biểu hiện của “bệnh” trì hoãn (hay thói chần chừ, lề mề) đó là tạm hoãn hay chưa muốn bắt đầu một việc gì. Trì hoãn cũng ám chỉ việc từ chối làm các việc khó, và tìm đến các thứ gây xao nhãng. Chẳng hạn, con có một bài luận cá nhân cần được hoàn thành vào tuần sau. Thay vì tập trung hoàn thành bài luận, con lại mải mê xem TV, lướt Facebook, hay đi chơi với bạn bè. Một ngày trước hạn nộp bài, con mới cuống cuồng bắt tay vào công việc. Hệ quả là chất lượng bài luận không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của con.

Làm sao để tránh khỏi “bệnh” này?

Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp con tránh khỏi “bệnh” trì hoãn.

Tập quản lý thời gian hiệu quả: Làm chủ thời gian cá nhân là cách tốt nhất giúp con đẩy lùi “bệnh” trì hoãn. Cha mẹ hãy cùng con xây dựng một thời gian biểu hợp lý, sao cho cân đối giữa thời gian học hành và giải trí. Chẳng hạn, trong tuần con nên ưu tiên cho việc học, nhưng vẫn có vài giờ thư giãn cuối ngày như chuẩn bị bữa tối với cha mẹ, chơi điện tử, đọc sách. Vào cuối tuần, con dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động bên ngoài như đi nhà sách, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, đi chơi với bạn bè, hay tham gia các hoạt động ngoại khoá. Như vậy, con sẽ có ý thức tận dụng thời gian hiệu quả. Hơn nữa, khi biết quản lý thời gian biểu, con có thể chủ động lên kế hoạch, dễ dàng đạt được mọi mục tiêu trong cuộc sống sau này.

Bắt đầu với việc con hứng thú: Cha mẹ hãy khuyến khích con “khởi động” làm những việc con thấy hứng thú nhất. Điều này giúp con cảm thấy thoải mái, và giúp con giải quyết các đầu việc này nhanh gọn. Đồng thời, nó cũng tạo hiệu ứng tích cực để con có thể tiếp tục hoàn thành những việc mình ít hứng thú hơn. Chẳng hạn, con thích môn tiếng Anh, nhưng lại không có hứng thú với môn Vật lý. Trong tình huống này, bắt đầu ngay với môn Lý sẽ khiến cả con và cha mẹ mệt mỏi và chán nản. Thay vào đó, cha mẹ có thể gợi ý cho con khởi động với các bài tập tiếng Anh trước, sau đó tiếp tục với môn Vật lý.

Lên kế hoạch giải quyết khó khăn: Trong trường hợp con chỉ có một công việc quá khó và quá chán, con sẽ nản chí và trì hoãn hoàn thành công việc. Đầu tiên, cha mẹ cần giúp con hiểu rằng con cần có trách nhiệm hoàn thành công việc này, tất nhiên là với sự trợ giúp của cha mẹ. Sau đó, cha mẹ hãy cùng con chia nhỏ đầu việc đó thành các bước đủ dễ để con có thể thực hiện. Tiếp theo, hãy liệt kê các khó khăn có thể gặp phải. Với mỗi khó khăn, hãy cùng con đưa ra những giải pháp. Sau cùng, cha mẹ hãy khích lệ con bắt tay với bước đầu tiên dựa trên giải pháp đã có từ trước. Kỹ năng này không chỉ giúp con đẩy lùi “bệnh” trì hoãn, mà còn rèn cho con kỹ năng giải quyết vấn đề – kỹ năng thực sự cần thiết trong công việc và cuộc sống sau này.

Kết luận

Với 3 gợi ý trên đây, hy vọng cha mẹ đã có những phương án thích hợp để giúp con chữa “bệnh” trì hoãn. Điểm mấu chốt để tránh khỏi “bệnh” này đó là giúp con hiểu được trách nhiệm của mình trước các công việc trong học tập cũng như cuộc sống. Như vậy, con rèn được tác phong nhanh nhẹn và chủ động – một đức tính quan trọng giúp con dễ dàng nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Trang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.