Có lẽ mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ có con trong tuổi teen là làm thế nào để có thể nói chuyện cùng con như những người bạn. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm sẽ giúp cha mẹ có những góc nhìn khoa học về mối quan hệ cha mẹ – con cái, từ đó cha mẹ có thể điều chỉnh hành vi để trở thành những người bạn lớn của con.
Hiện trạng khó khăn của cha mẹ
Khi con bước vào tuổi teen, Cha mẹ nào cũng va phải một vấn đề khó khăn làm họ “điên tiết”, mâu thuẫn xung đột leo thang trong mối quan hệ Cha – Mẹ – Con tưởng chừng khó thể vượt qua được. Mọi sự bắt nguồn từ việc cả 3 đối tượng này không thể nào đối thoại và lắng nghe nhau.
Còn nhớ mãi câu chuyện của hai chàng quý tử nọ, vì không thể đối thoại và lắng nghe với ba mẹ, hai anh em chọn dọn ra sống bên ngoài cho đỡ căng thẳng. Khi cha mẹ hốt hoảng trước quyết định táo bạo này của con, họ yêu cầu con đến gặp nhà tâm lý thì con đã gần như mất hết niềm tin có thể hồi phục mối quan hệ. Con phản ứng bằng cách bỏ học, xin đi làm, muốn tự lập để thoát khỏi sự lệ thuộc và cũng khỏi phải nghe cha mẹ.
Tại sao cha mẹ không thể đối thoại và lắng nghe con?
- – Không hiểu tâm lý con vào độ tuổi teen
- – Nói với con rất nhiều nhưng con không hiểu hoặc không muốn hiểu
- – Chưa có cách nói chuyện phù hợp với con dẫn đến hai bên nổi nóng và nảy sinh mâu thuẫn
- – Con ít chia sẻ, hay che giấu cảm xúc và cũng ít quan tâm, chịu làm theo những chia sẻ của ba mẹ.
Cha mẹ có muốn tình hình trở nên căng thẳng đến mức họ không thể nói chuyện với con? Thưa không, và con, có thực sự không còn muốn nghe hoặc nói chuyện với cha mẹ nữa không? Vẫn rất cần, nhưng tình trạng “đóng băng” này đang là hiện thực. Vậy vấn đề do đâu?
Do cả hai chưa thích nghi với cách hành xử mới với nhau. Cha mẹ vẫn quen cách nghĩ trong đầu rằng con mình là một đứa trẻ, với y nguyên sự lo lắng, bất an, bảo bọc, nghi ngờ con không thể tự giải quyết mọi vấn đề của “cậu bé/cô bé ”. Yêu thương và sợ hãi làm cho cha mẹ luôn muốn kiểm soát, áp đặt mọi suy nghĩ và điều hành mọi quyết định của con, Cho nên họ rơi vào tình huống “độc tài” kèm thêm món ”bảo thủ” trong đối thoại và lắng nghe con. Khi cha mẹ nói, vì xuất phát từ lợi ích của con, họ luôn nghĩ rằng con nên, phải tuân thủ theo, vì đó là cách đúng đắn và tốt nhất cho con, vì họ nhiều kinh nghiệm sống hơn con, mà quên rằng những suy nghĩ đó có phù hợp với nhu cầu và ước muốn của con không? Có tôn trọng và lắng nghe con đủ chưa?
Con sẽ gia tăng hành vi ngỗ nghịch khi cảm thấy không được lắng nghe. Con nghĩ nếu hét lớn hơn, đá mạnh hơn, bực tức hờn dỗi hơn, sẽ có người nào đó hiểu điều con muốn diễn tả.
Khi con không chịu lắng nghe và đối thoại với cha mẹ là vì con nghĩ rằng cha mẹ không hiểu được mình, không biết nhu cầu và ước muốn của mình là gì, ở mức độ như thế nào, cha mẹ không ở trong hoàn cảnh và tình trạng của con, không biết hoặc trải nghiệm điều con đang biết, những trăn trở, khó khăn, căng thẳng nào con đang đối mặt, con nghĩ con không thể, không nên chia sẻ với cha mẹ, vì kinh nghiệm cho thấy khi con mở lòng nói ra những điều thầm kín hoặc khó khăn thì thường bị cha mẹ phán xét, chỉ trích, đánh giá… chỉ làm con thêm tổn thương, ngượng ngùng hơn. Ví như khi bước vào teen, con cực kỳ bối rối với sự phát triển và thay đổi cơ thể, tò mò giới tính, rung động đầu đời, còn ai làm “quân sư” cho con hay hơn cha mẹ, vậy mà khi con nói ra liền bị tạt ngay gáo nước lạnh rằng thì là “học không lo học bày đặt yêu đương, thi rớt thì biết tay…”, có cha mẹ kiềm chế hơn thì cố gắng giấu trong lòng nỗi lo sợ hoang mang, khi biết con quan tâm đến tình dục và có bạn trai/bạn gái.
Vì sao phải lắng nghe con?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi truyền thông bị cắt đứt hay bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ trở thành trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị liệu.”
Chướng ngại lớn nhất trong giao tiếp là sự xét đoán, đánh giá, chấp nhận, bác bỏ người khác. Sự giao tiếp chỉ thực sự xảy ra, tránh được chướng ngại là sự lắng nghe thấu hiểu. Lắng nghe là con đường khai thông mọi thấu cảm, hiểu biết và giao hòa trong mối quan hệ, lắng nghe là một nhu cầu quan trọng của con người. Khi cha mẹ biết lắng nghe con, cha mẹ thu được nhiều thông tin đắt giá, thông qua lắng nghe giúp cha mẹ nắm được mọi vấn đề của con, tình trạng, những khó khăn và non kém của con, từ đó cha mẹ kịp thời ứng biến, nâng đỡ hỗ trợ con. Cha mẹ vừa tránh được nỗi lo lắng sợ hãi, vì không kiểm soát được con, vừa tạo lập được mối quan hệ thân thiết gần gũi con, cho con niềm tin vào cha mẹ và vào bản thân.
Thực tế làm việc với các trường hợp bất ổn tâm lý cho thấy: Có những em tuy sống trong gia đình cùng cha mẹ, nhưng em đang có nỗi khổ đau gì, tổn thương, bế tắc trong các mối quan hệ ở trường, trong tình bạn, tình yêu đến mức muốn tự sát mà cha mẹ vẫn không hề hay biết.
Làm thế nào để lắng nghe và đối thoại với con?
Muốn lắng nghe và đối thoại được với con, Cha mẹ phải LÀM BẠN CÙNG CON. Là khi cha mẹ có thể nói cùng ngôn ngữ với con, có thể dễ dàng hiểu nhau trong sâu xa, có đủ tôn trọng và bình đẳng trong giao tiếp ứng xử hàng ngày với nhau. Có cơ hội phản biện và chất vấn nhau… Quan trọng nhất là cha mẹ kiểm soát được cảm xúc của mình, biết chấp nhận sự khác biệt, khách quan và cởi mở.
Hãy lắng nghe và nhìn nhận cảm xúc mà con đang diễn đạt.
Để có thể lắng nghe, cha mẹ phải hoàn toàn chú ý. Khi con có cơ hội phát triển khả năng diễn tả cảm xúc bằng lời nói, con sẽ bớt nhu cầu diễn tả bằng hành vi. Cần gọi tên cảm xúc của con để cho con thấy mình được hiểu.
Không phải chờ tới một ngày thấy con có quá nhiều vấn đề làm mình bất an, lo lắng mới nghĩ tới việc can thiệp bằng cách nào? Ngay từ khi con ở tuổi vườn trẻ, cha mẹ phải thiết lập được mối quan hệ thân tình như bè bạn, mối quan hệ đó phải an toàn và tôn trọng con đủ để con tin cậy nói hết mọi chuyện với mình. Lúc nhỏ chỉ là những vấn đề như bạn A đánh con ở lớp, cô giáo la con, cho đến lúc lớn hơn là những vấn đề như ước mơ, mục tiêu cuộc đời của con là gì, chọn trường đại học nào, nghề gì, bạn gái đó con yêu được không, con thấy có nhiều ham muốn rạo rực trong người, con phải làm sao?
Muốn đối thoại với con cha mẹ phải có kỹ năng đặt câu hỏi, nó giúp con bắt đầu đối thoại.
Cho thấy sự quan tâm của cha mẹ, dẫn dắt hướng dẫn con theo một chủ đề giáo dục mà cha mẹ muốn.
Khích lệ con nói hoặc thắng con lại.
Ngoài ra cha mẹ nên CHƠI VỚI BẠN CỦA CON, qua kênh thông tin từ bạn bè con, cha mẹ có thể hiểu thêm con, từ góc nhìn bên ngoài, những đánh giá của bạn bè, hình ảnh con mình qua lăng kính bạn bè, sẽ giúp cho cha mẹ hiểu thấu đáo con hơn, đồng thời, cha mẹ cũng kiểm soát được nguồn giao lưu của con, mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng của bạn bè lên con rất lớn. Chơi với bạn con, cha mẹ kịp thời nắm bắt thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm – một cách gián tiếp tác động, hỗ trợ lên cả nhóm mà vẫn rất tự nhiên, con không thấy bị áp đặt.
Kết nối với con trên mạng xã hội cũng là cách để hiểu con, từ đó lắng nghe và đối thoại dễ dàng hơn, ngày nay nhiều cha mẹ than rằng con không thèm cho cha mẹ kết nối Facebook, Zalo, điều này cha mẹ nên xét lại chính mình, con cho vào nhà chơi, đọc tin tức rồi thì la mắng, chỉ trích, than phiền, lo sợ… làm con thấy phiền và thấy bị xâm phạm riêng tư. Không được hiểu, tôn trọng, giúp đỡ mà còn thêm mệt mỏi vì giải thích.
Để có thể đối thoại và lắng nghe con cha mẹ phải trở thành bạn của con, nó là một hành trình dài và rất sớm. Cần đầu tư thời gian, suy nghĩ, cách thức quan hệ, thay đổi thói quen, và quan trọng là cha mẹ phải vượt lên những nỗi sợ hãi và cảm xúc giận dữ của chính mình.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tâm
Chuyên gia Tâm lý Công ty Ứng dụng Tâm lý Hồn Việt