Thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc lý tưởng để nhìn nhận những việc đã hoàn thành trong năm vừa rồi, và lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Thế nhưng, không phải teen nào cũng có thói quen tốt đẹp này. Tại sao lại như vậy? Là cha mẹ, bạn nên làm gì để giúp con tạo thói quen lập kế hoạch cho năm mới?
Tại sao teen còn xa lạ với việc lập kế hoạch cho năm mới?
Có rất nhiều lý do khác nhau khiến teen chưa có thói quen lập kế hoạch cho năm mới. Dưới đây là một vài trong số đó:
— Không được rèn luyện thói quen từ nhỏ: Thói quen lập kế hoạch cho năm mới thường được rèn luyện khi con còn nhỏ, thường là lúc con mới vào lớp một. Tuy nhiên không nhiều gia đình chú trọng dạy con lập kế hoạch vì cho rằng khi còn đi học thì trên lớp các thầy cô đã có kế hoạch rồi, ở nhà không cần thiết nữa.
— Thiếu kỷ luật, dễ bị xao nhãng: Một lý do nữa khiến teen khá thờ ơ với chuyện lập kế hoạch cho năm mới đó là kỷ luật bản thân còn chưa cao. Lý do đằng sau thực tế này đó là vùng não trước của teen còn chưa hoàn thiện, nên khả năng kiểm xúc bản thân của teen còn khá kém so với người lớn. Teen dễ bị xao nhãng bởi những điều mới lạ, và khó giữ được thói quen. Chuyện lập kế hoạch và làm theo nó là điều khó khăn đối với teen.
— Sợ không đạt được mục tiêu nên không lập kế hoạch: Có thể do đã nhiều lần đặt mục tiêu nhưng không làm được, hoặc sợ cảm giác phải đối diện với bản thân, bạn bè, hay chính cha mẹ mình nếu không đạt được mục tiêu bản thân đề ra nên nhiều teen rất ngại đặt mục tiêu và thường trốn tránh việc lập kế hoạch cho năm mới.
Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch cho năm mới
Một bản kế hoạch cho năm mới giúp con tận dụng thời gian của mình hiệu quả hơn. Thay vì mải miết chơi điện tử giết thời gian, hay loanh quanh làm những việc vô ích, bản kế hoạch sẽ là chiếc đồng hồ báo thức nhắc nhở con tận dụng quỹ thời gian của mình sao cho có ích hơn. Hơn nữa, thói quen này còn giúp con hiểu đạt được các mục tiêu của bản thân dễ dàng và có phương pháp khoa học thay vì chỉ mơ ước suông mà không tính toán cụ thể những việc cần làm để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Cuối cùng, không những chỉ là một thói quen tốt, thói quen lập kế hoạch cho năm mới còn góp phần rèn cho con ý thức kỷ luật, tính tự lập, và trách nhiệm với bản thân mình.
Cha mẹ nên làm gì để giúp con lập kế hoạch cho năm mới?
Với vai trò là người chỉ dẫn, cha mẹ có thể làm gì để giúp con hình thành thói quen lập kế hoạch và một bản kế hoạch cho năm mới cho phù hợp và thực tế?
Đặt mục tiêu hợp lý
Không chỉ giúp teen tránh khỏi cảm giác chán nản, tự ti, những mục tiêu hợp lý còn giúp teen nhanh chóng đưa ra những hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đã đề ra. Mô hình SMART là môt công cụ khá hiệu quả và dễ dàng để giúp cha mẹ cùng con thiết lập mục tiêu cho năm mới.

Không kỳ vọng
Tâm lý chung của các bậc cha mẹ đó là mong muốn con mình trở nên giỏi giang, đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Thế nhưng, chính kỳ vọng đó vô hình chung đặt áp lực lên teen, khiến teen cảm thấy bị stress và bị tước đi sự tự chủ trong chính kế hoạch cho năm mới của mình. Thay vì là người chỉ huy, cha mẹ hãy lùi lại phía sau cánh gà, đóng vai trò là cố vấn, và để teen chủ động đưa ra mục tiêu và kế hoạch. Trong trường hợp thực sự cần thiết, cha mẹ sẽ đưa ra những lời khuyên, định hướng tham khảo cho con dựa trên kinh nghiệm của mình.
Làm gương cho con
Một cách khá hiệu quả để giúp con có thói quen lập kế hoạch cho bản thân đó là chính cha mẹ hãy là người tiên phong đưa ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho từng cá nhân và cho cả nhà trong năm mới. Chẳng hạn:
— Mục tiêu của cả nhà: đi 1 nước châu Á và cuối tuần đi ăn sáng cùng nhau.
— Mục tiêu của bố: tập luyện thể dục hàng ngày
— Mục tiêu của mẹ: học thêm một ngoại ngữ mới
— Mục tiêu của con: giữ cho phòng riêng của mình luôn sạch sẽ, ngăn nắp
Viết ra giấy
Cha mẹ hãy dành tặng cho con một cuốn sổ tay thật đẹp để khuyến khích con lên kế hoạch cho năm mới. Chính việc viết mục tiêu và kế hoạch của mình ra giấy giống như một hình thức tự cam kết với bản thân rằng sẽ cố gắng hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Không những vậy, khi viết kế hoạch ra giấy, con sẽ có hình dung rõ ràng hơn về những điều cần làm trong năm mới, tránh chuyện bỏ sót mục tiêu. Ngoài sổ tay, cha mẹ có thể gợi ý con tận dụng lịch treo tường, giấy dán, hoặc bảng.
Theo dõi tiến trình
Lập kế hoạch đã khó, duy trì và hoàn thành nó còn gian nan hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Scranton (Mỹ), có tới 41% dân số tại Mỹ có thói quen lập kế hoạch cho năm mới, nhưng chỉ 8% trong số đó hoàn thành hết các mục tiêu của mình. Chính vì thế, ngay cả khi đã có một bản kế hoạch hoàn chỉnh, cả cha mẹ và con cũng cần thường xuyên theo dõi tiến trình của kế hoạch, và đưa ra những sửa đổi cần thiết cho phù hợp. Điều này không những đảm bảo rằng con vẫn đang theo đuổi kế hoạch, mà còn giúp loại bỏ các mục tiêu, hành động không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, con cũng có cơ hội thêm vào những mục tiêu, hành động cần thiết hơn cho con trong năm.
Kết luận
Không chỉ là một thói quen tốt, lập kế hoạch cho năm mới còn giúp con hình thành kỷ luật cá nhân, và tư duy lập kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu lớn hơn của mình trong tương lai. Hy vọng qua một vài gợi ý trên đây, cha mẹ đã có thêm tự tin và để cùng con lập kế hoạch cho bản thân, và đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Very Useful for Parents and Teachers also
Cám ơn chị, mong chị sẽ tìm thêm được nhiều thông tin hữu ích từ trang.