Làm thế nào để dạy con tư duy phản biện?

Tư duy phản biện (critical thinking) là yếu tố rất được coi trọng trong các trường đại học trên thế giới cũng như tại các tập đoàn quốc tế. Tư duy này giúp mọi người suy nghĩ chủ động thay vì bị động đón nhận mọi thông tin, tự mình phân tích đúng sai, phải trái, từ đó có suy nghĩ độc lập và giải pháp khác biệt. Tiếc thay, vì sự khác biệt trong quan niệm về giáo dục, mà học sinh Việt Nam nói riêng hay các nước Á Đông nói chung khá yếu về tư duy phản biện, một phần bởi lối học thầy cô nói gì trò nghe nấy không được hỏi lại.

đại học RMIT, các em sinh viên được rèn luyện khả năng tư duy phản biện bằng những cách rất thiết thực như sau, mà ba mẹ cũng có thể áp dụng cho gia đình mình.

1. Không có câu trả lời tuyệt đối – tuỳ vào lập luận của từng cá nhân

Khi viết luận, làm dự án, thuyết trình, trả lời câu hỏi, sinh viên RMIT không bao giờ bị đánh giá đúng sai hay phải đoán ý thầy cô xem thầy cô thích nghe câu trả lời như thế nào. Ngược lại, thầy cô không bao giờ cho các em câu trả lời tuyệt đối, mà chính các em phải đề ra lập luận của riêng mình. Em hiểu vấn đề này thế nào, em ủng hộ hay phản đối, giải pháp của em ra sao, và sinh viên phải tìm bằng chứng trong các nghiên cứu số liệu để chứng minh câu trả lời của mình.

Việc đánh giá sinh viên không đến từ việc thái độ, quan điểm của các em đúng hay sai, mà đến từ lập luận của em chặt chẽ, logic đến đâu và bằng chứng em tìm được mạnh hay yếu. Cách làm này tập cho sinh viên cái nhìn trung dung về thế giới, ai cũng có quan điểm và được quyền nói ra quan điểm của mình, quan trọng là phải biết lập luận và có bằng chứng.

2. Không thao túng bằng ngôn ngữ

Khi trình bày lập luận, sinh viên RMIT không được sử dụng các ngôn ngữ mang tính biểu cảm hay cường điệu, ví dụ như “đau lòng, tàn ác, ghê tởm, thánh thiện…” Thuyết phục người đọc bằng cách thao túng cảm xúc, khoả lấp các lập luận thiếu căn cứ hay bằng chứng không thuyết phục, là điều tối kỵ trong môi trường nghiên cứu hay làm việc nghiêm túc. Các em buộc phải viết với một thái độ điềm tĩnh, khách quan, luyện cho mình khả năng lập luận chặt chẽ, logic.

Chính nhờ cách viết và tư duy như vậy, mà khi các em tiếp xúc với các nguồn thông tin đến từ báo chí, mạng xã hội, hay một cá nhân cố lôi kéo người khác bằng ngôn ngữ thống thiết, các em cũng sẽ tỉnh táo bóc tách xem lập luận của họ là gì, có đáng tin không, từ đó đưa ra quyết định của riêng mình.

3. Kiểm tra độ tin cậy của nguồn thông tin

Tin tức giả (fake news) mỗi lúc một hoành hành trên mạng xã hội. Mỗi tháng, chúng ta đọc được bao nhiêu là bài báo khó tin, những thông tin không có cách nào kiểm chứng, hoặc những số liệu không biết từ đâu ra. Với những người không được rèn tư duy phản biện, chỉ cần đọc thấy những dòng như “nghiên cứu cho thấy” hoặc “khoa học đã chứng minh”, họ đã tin là thông tin này là sự thật.

Nhưng với sinh viên RMIT, các em được rèn luyện phải kiểm chứng độ tin cậy của nguồn thông tin, bằng cách truy tới cùng những nghiên cứu, số liệu đó được thực hiện như thế nào, nơi công bố thông tin đó có uy tín không. Việc kiểm chứng này đã thành thói quen, bởi khi tìm bằng chứng cho những bài luận của chính mình, các em cũng buộc không được dùng những nguồn tuỳ tiện trên Internet, nhất là báo chí, Wikipedia hay mạng xã hội, mà phải dùng các bài nghiên cứu từ các dữ liệu học thuật có uy tín. Các bài nghiên cứu này khó đọc hơn báo chí rất nhiều, nhưng thông tin được trình bày khách quan, đáng tin cậy hơn.

Rèn luyện tư duy phản biện không khó, nhưng cần thời gian thay đổi mỗi ngày. Nếu ba mẹ có con đang theo học tại RMIT, có thể hỏi và học điều này từ con, bởi tư duy phản biện là thứ con đang được trang bị hàng ngày ở trường. Ngoài ra, cũng rất khuyến khích ba mẹ áp dụng những cách trên để rèn luyện tư duy phản biện cho con, để con có suy nghĩ độc lập, từ đó tạo nên bản lĩnh và sự tự tin cho mình.

Giang Trần

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.