Đã qua rồi thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hay “để dành một suất” cho con. Trong thị trường việc làm ngày nay, con chính là một “sản phẩm”. Việc bán “được giá” đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào cách định hướng – phát triển nghề nghiệp của gia đình và nhà trường ngay từ những ngày còn ngồi trong giảng đường.
1. Định hướng phát triển phù hợp
Một định hướng tốt đảm bảo ba tiêu chí: phù hợp với xu thế xã hội, được con yêu thích và tất nhiên, kiếm ra tiền. Thông thường, những ngành được săn đón sẽ đem lại thu nhập cao. Nhưng ngành con đam mê thì chưa chắc đem lại tài chính tốt. Để có được lựa chọn cân bằng những yếu tố này, cha mẹ và con nên tham khảo các chuyên viên hướng nghiệp hoặc thầy cô giáo. Định hướng đúng ngay từ đầu giúp con tiết kiệm thời gian và công sức, khoản “đầu tư” của cha mẹ nhờ vậy cũng sớm có “lãi” hơn một chút. Cha mẹ cũng có thể đọc thêm bài viết về Thuyết con nhím trong lựa chọn nghề nghiệp để hiểu rõ hơn về khái niệm một công việc lý tưởng.
2. Quảng cáo khéo léo
Thị trường việc làm ngày càng văn minh và chuyên nghiệp. Các con cần biết cách giới thiệu hình ảnh của mình trước các nhà tuyển dụng tiềm năng một cách tinh tế chứ không phải chờ đợi cha mẹ “xin cho một suất” sau khi tốt nghiệp. Có rất nhiều cách để con tự quảng bá chính mình. Các kì thi là một ví dụ. Từ thi nghiên cứu khoa học, thi khởi nghiệp, thi giải đề án kinh doanh đến các kì thi lớn quy mô quốc gia, quốc tế, biết đâu con lại lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng đang ngồi trên chính chiếc ghế ban giám khảo.
Bên cạnh đó, các hội chợ nghề nghiệp đang trở thành hoạt động quen thuộc với sinh viên đại học với sự xuất hiện của hàng trăm doanh nghiệp lớn trong cùng một hội trường. Đây cũng là nơi con có thể tìm được những lời khuyên hữu ích từ các anh chị đã ứng tuyển thành công quay trở về giúp đỡ các em sinh viên. Các con nên mặc trang phục nghiêm túc, chuẩn bị CV và sẵn sàng cho bất cứ cuộc phỏng vấn trực tiếp nào ngay tại sự kiện.
3. Xây dựng quan hệ thân thiết với khách hàng
Nhà tuyển dụng biết đến con chưa đủ, con cần phải chứng tỏ mình là một “sản phẩm” hoạt động thực sự tốt. Các kì thực tập chính là khoảng thời gian “dùng thử” này. Con nên chọn công ty phù hợp với mục tiêu của bản thân mình – lăn lộn trong start-up, “làm lớn” trong các môi trường quốc tế hay khám phá thế giới ở các tổ chức phi lợi nhuận. Mỗi trải nghiệm không chỉ giúp con trưởng thành hơn mà còn là cơ hội khiến nhà tuyển dụng yêu quý và công nhận khả năng của con. Rất nhiều bạn thực tập vào mùa hè hoặc học kì cuối đã được nhận đề nghị làm việc chính thức ngay sau khi tốt nghiệp.
Con cũng nên tham gia vào các câu lạc bộ hay hội nhóm để được tiếp xúc với những “đàn anh đàn chị” giỏi giang đi trước. Đây vừa là cơ hội để con mài sắc các kỹ năng của mình, vừa là cách tạo dựng mối quan hệ rất tự nhiên. Tốt nghiệp rồi, chính các anh chị thân thiết năm nào giờ sẽ trở thành cầu nối hữu ích giới thiệu con đến với công ty mơ ước.
Ở RMIT, chúng tôi luôn coi triển vọng sự nghiệp của các con là một trong những chiến lược cần được quan tâm nhiều nhất. Đổi mới liên tục trong giáo trình đào tạo trên lớp của các con được ra đời từ việc theo sát những biến động nhỏ nhất của thị trường việc làm. Các chương trình định hướng, networking, các kì thi và thực tập tại những đối tác doanh nghiệp lớn là “lửa” mà chúng tôi đặt các con vào trong suốt những năm tháng sinh viên. Hàng năm, chúng tôi cũng tổ chức các ngày hội việc làm với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia thuộc nhiều lĩnh vực. Tại đây, sinh viên sẽ có cơ hội được nộp đơn, phỏng vấn tại chỗ và thậm chí nhận vào làm việc ngay. Nhờ những hoạt động như vậy, sinh viên RMIT sẽ có được những trải nghiệm thực tế để sẵn sàng cho công việc tương lai.