Một trong những vấn đề hướng nghiệp được cha mẹ quan tâm nhất cho con cái đó là chọn được cho con ngành học và trường đại học tốt sau khi tốt nghiệp THPT. Những tưởng khi vấn đề này được giải quyết thì không còn gì để lo lắng, tuy nhiên lúc này lại có thể phát sinh một vấn đề mới: Sau một thời gian học con không thích hoặc mất cảm hứng học, muốn được nghỉ hoặc đổi ngành khác. Việc con mong muốn đổi ngành hoặc nghỉ học vừa tốn thời gian và tài chính, chưa kể đến việc có thể ảnh hưởng đến tương lai nghề nghiệp của con. Đứng trước vấn đề nan giải này, cha mẹ phải làm sao?
Để giải quyết được vấn đề con muốn nghỉ học hoặc đổi ngành một cách dứt điểm, cha mẹ và các con cần ngồi lại để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của mong muốn này. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến một bạn trẻ không còn thích thú với ngành học hiện tại, tìm ra đúng nguyên nhân có thể giúp cha mẹ và các em chọn được cách xử lý phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân chúng tôi tổng hợp được thông qua các cuộc trò chuyện với các em học sinh đã từng đổi ngành trước đây.
Con cảm thấy không hòa nhập với môi trường, bạn bè
Trường hợp đầu tiên khiến một bạn trẻ cảm thấy ‘lạc lõng’ sau một hai kỳ học đầu tiên tại trường đại học là do cảm thấy không hòa nhập với môi trường, bạn bè. Có những nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến việc này. Ví dụ con thuộc nhóm hướng nội, ngại giao tiếp nên trong thời gian học không có nhiều bạn. Hoặc con lần đầu bước chân vào môi trường học quốc tế, tiếp xúc với các bạn học có phong cách khác với mình nên cảm thấy ‘không theo kịp’, khác biệt.
Để giải quyết vấn đề trên, cha mẹ nên khuyến khích các con tham gia vào nhiều hoạt động kết nối khác nhau tại trường để con mở rộng mối quan hệ và thêm phần tự tin. Ví dụ con tìm tham gia các câu lạc bộ tại trường (câu lạc bộ học tập hoặc câu lạc bộ xã hội) để kết nối với bạn bè cùng sở thích. Con cũng có thể tham gia và các nhóm sinh viên hỗ trợ của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động như hướng dẫn các em học sinh cấp 3 thăm quan trường. Ngoài ra, mỗi ngành học tại trường đều có các ‘nhóm chat’, cha mẹ khuyến khích con tìm các nhóm chat này để kết nối với các bạn.
Cha mẹ hãy dạy cho con biết rằng môi trường đại học cũng giống như một môi trường xã hội thu nhỏ, tức là có nhiều kiểu người khác nhau với các kiểu tính cách và phong cách sống khác nhau. Một nhóm người với một kiểu tính cách không đại diện cho toàn bộ sinh viên của một trường. Vì vậy có thể con cảm thấy không hợp chơi với một nhóm bạn thì ngoài kia vẫn còn những kiểu người khác, nhóm khác hợp với con hơn, đòi hỏi con cần tìm hiểu để mở rộng mối quan hệ cho mình.
Con cảm thấy khó khăn về mặt ngôn ngữ, không theo kịp bài
Không theo kịp về ngôn ngữ hoặc không theo kịp bài thầy cô giảng ở trường cũng là một vấn đề khiến nhiều bạn trẻ ‘nản’ và muốn nghỉ học. Nguyên do đến từ việc trước khi vào học môi trường quốc tế các bạn chưa sử dụng tiếng Anh liên tục, hoặc các bạn chưa quen với cách học theo tín chỉ đòi hỏi sự chủ động cao ở môi trường đại học, dẫn đến cảm giác bị ngợp trong thời gian đầu. Lấy ví dụ tại môi trường cấp 3 khi lên lớp thầy cô dành nhiều thời gian để chia sẻ, các bạn học sinh nghe giảng và tiếp nhận thông tin, trong khi đó lên môi trường đại học thầy cô đòi hỏi các bạn tìm hiểu và đọc bài trước nhiều ở nhà, thời gian trên lớp dùng để hỏi đáp và trao đổi. Bạn nào thiếu sự chủ động và đọc bài ở nhà khi lên lớp có thể cảm thấy ‘lạc lõng’ vì không có chất liệu để tham gia trao đổi cùng bạn bè và thầy cô ở lớp.
Thực tế đây là vấn đề không khó để giải quyết và là vấn đề nhiều bạn gặp phải khi mới bước chân vào môi trường đại học, đặc biệt là môi trường quốc tế. Chính vì vậy tại RMIT có các phòng ban hỗ trợ về ngôn ngữ và gia sư môn học do các bạn đạt điểm cao khóa trước hỗ trợ, cha mẹ nên hướng dẫn các con chủ động tìm đến các phòng ban hỗ trợ này để được giúp đỡ nếu con đang cảm thấy khó khăn về mặt ngôn ngữ, không hiểu bài hoặc không theo kịp bài.
Ngoài các chương trình gia sư ở trên, hàng kỳ tại RMIT đều có các chương trình hỗ trợ kỹ năng học tập như kĩ năng quản lý thời gian, kỹ năng ghi chép, kĩ năng đọc bài hiệu quả, vân vân. Việc tham gia các lớp học này sẽ giúp các em trang bị cho mình kỹ năng học tập tốt hơn.
Con cảm thấy các môn học khô khan, không đúng như kỳ vọng
Một trường hợp khác có thể khiến các con cảm thấy mất hứng thú với chương trình học đó là các môn học không giống như các con kỳ vọng. Trường hợp thông dụng và dễ gặp nhất là việc các bạn phải học những môn ‘khô khan’, nặng lý thuyết trong khi các bạn đang kỳ vọng học những môn có tính thực hành, sáng tạo hơn. Vấn đề này có thể chia làm 2 trường hợp:
🔹 Trường hợp 1: Các môn đại cương
Gần như đa số các ngành học đều sử dụng 1-2 kì đầu tiên, 4-8 môn học đầu tiên để giảng dạy các môn học đại cương. Đây là các môn nền tảng, nặng hơn về lý thuyết, giúp các em có gốc rễ vững chắc trước khi bắt đầu các môn thực hành ở những kì học tiếp theo. Tùy theo mỗi ngành học các em nên dành thời gian xem về danh sách môn học và thời khoá biểu gợi ý theo kỳ từ nhà trường để biết rõ kì nào học môn gì, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp.
🔹 Trường hợp 2: Các môn học thực sự không phù hợp
Sau khi đã học nhiều môn học khác nhau trong ngành và các con cảm thấy thực sự không phù hợp, không theo kịp, đã cố gắng nhưng điểm vẫn không cao, khi đi học tâm trạng nặng nề, chán ghét, thì đây là lúc cần cân nhắc kĩ xem đây có phải ngành học phù hợp thực sự với con hay không. Trường hợp này cũng có thể gặp do khi chọn ngành các con phải học theo ngành cha mẹ chọn, hoặc khi chọn ngành không tìm hiểu kỹ dẫn đến bị hiểu nhầm về ngành học. Ví dụ, các con chọn ngành Quản trị kinh doanh thời trang với mong muốn được học nhiều về thiết kế thời trang, nhưng trong quá trình học mới nhận ra cần phải học thêm những môn về quản trị, kinh doanh, là những thứ các con không thích…
Với trường hợp này, cha mẹ và các con nên cùng ngồi lại phân tích về thực trạng hiện tại xem nên quyết định học tiếp hay đổi ngành. Cha mẹ và các con có thể tham vấn với các phòng ban hỗ trợ của trường để được các chuyên gia tư vấn có chuyên môn hỗ trợ tốt nhất. Khi đổi ngành, có những môn học có thể chuyển tiếp qua ngành khác nếu phù hợp.
Một số vấn đề khác liên quan đến sức khoẻ tinh thần hoặc thể chất
Ngoài các vấn đề đã nêu trên, một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của con đó là các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ví dụ cảm xúc của con bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ bạn bè, tình yêu hoặc các vấn đề trong gia đình. Nếu cha mẹ thấy con đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề như trên, chúng tôi khuyến khích cha mẹ cho con tìm gặp các cơ sở tham vấn tâm lý để con được hỗ trợ tốt nhất. Không nên gò ép con nếu con đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần, vì như vậy hại nhiều hơn được. Tại RMIT chúng tôi có phòng tham vấn tâm lý dành riêng cho sinh viên, ngoài ra cha mẹ cũng có thể tìm hỗ trợ từ rất nhiều các trung tâm tâm lý uy tín bên ngoài.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về hướng nghiệp và cách nuôi dạy, làm bạn với con