Làm sao để những năm đại học của con thật sự hữu ích?

Đại học là quãng thời gian đẹp nhất của một đời người: con đủ lớn để tự đưa ra những quyết định của riêng mình, nhưng cũng đủ trẻ để nắm trong tay thời gian, sức khoẻ và nguồn cảm hứng bất tận. Cha mẹ hãy cùng con vạch ra một danh sách những việc nhất định phải thực hiện khi còn là sinh viên, vừa để chuẩn bị cho con đường thật dài phía trước, vừa để không thấy nuối tiếc sau này. 

Những người đầu tiên con tiếp xúc khi lên Đại học, ngoài bạn bè ra, sẽ là những giảng viên đáng kính. Cha mẹ có thể khuyến khích con trò chuyện, học hỏi thật nhiều từ giảng viên sau những giờ học trên lớp, hoặc xung phong trợ giúp thầy cô trong những công việc chuyên môn. Và bởi con sẽ gặp gỡ và quen biết anh chị khoá trước, hoặc làm việc cùng các anh chị trong một Câu lạc bộ nào đó của nhà trường, nên hãy hướng dẫn con tìm một người “hợp cạ” với mình, có cùng lí tưởng sống với mình, hoặc chỉ đơn giản là người mà con rất ngưỡng mộ, rồi mạnh dạn gọi họ là “mentor” (người hướng dẫn) – những người có thể cho con lời khuyên cả về học tập, tình yêu lẫn những trăn trở về tương lai. Nhờ có họ, con sẽ hiểu thêm thật nhiều về cuộc sống. Con còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, nên còn ham học hỏi. Sau này tốt nghiệp rồi, ngọn lửa “ham học” của con không còn “rực cháy”, người ta cũng khó mà nhiệt tình được như khi con còn là sinh viên. 

Học hỏi từ những người xung quanh là điều cần thiết, nhưng chưa đủ. Cha mẹ cũng nên cùng con lập kế hoạch thu thập kinh nghiệm làm việc thực tế cho bản thân ngay từ những năm Đại học. Sau này khi con đi xin việc, công ty nào cũng yêu cầu chuyên môn tốt, kĩ năng cứng. Họ trả lương để con làm việc và mang lại hiệu quả cho công ty, bởi vậy nên họ sẽ đặc biệt quan tâm tới chất lượng công việc. Khi còn là sinh viên, con trải nghiệm thực tế càng nhiều, cọ xát chuyên môn và trau dồi những kĩ năng quan trọng, thì khi tốt nghiệp con sẽ càng dễ xin việc và nhanh chóng được trọng dụng. Bước chân vào Đại học, con cần xây cho mình một lộ trình phát triển bản thân, rồi dựa vào đó để thu thập kinh nghiệm (cả về mặt chuyên môn, kĩ năng và cuộc sống) cho phù hợp với chuyên ngành. Các trải nghiệm khá phổ biến trong giới sinh viên bao gồm: tham gia các Câu lạc bộ, đi làm part-time (bán thời gian), nhận làm freelancer (làm tự do) khi đã khá cứng cáp,…

Nếu “táo bạo” hơn một chút, con có thể cân nhắc tự làm ra một thứ gì đó của riêng mình. Lúc này, cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành “nhà đầu tư” hoặc một “cố vấn” thân thiết. Rủ đứa bạn thân tạo ra một dự án xã hội nho nhỏ, lập một trang Instagram/ Fanpage để viết blog, hay mở một “business” (doanh nghiệp) nhỏ bán những sản phẩm tự làm,… – dù đó là công việc gì đi chăng nữa, con cũng sẽ học được rất nhiều điều thú vị khi tự mình một tay gây dựng. Cha mẹ hãy ủng hộ con triển khai dự án của mình ngay khi có một ý tưởng mới, bởi nếu không phải lúc này, thì có lẽ con sẽ bỏ quên nó mãi mãi. Chỉ khi là sinh viên, con mới có đủ thời gian rảnh, đủ tâm trí và thể lực để “dấn thân” vào những điều thực sự mới mẻ. Sau này mải miết trong guồng quay “cơm áo gạo tiền”, tư tưởng lại không được “tươi mới”, óc sáng tạo dần “lụi tắt”, con sẽ nuối tiếc những ý tưởng năm xưa – giờ đây vẫn nằm lại trên trang giấy trắng. 

Tuy nhiên, nếu cuộc sống Đại học chỉ gói gọn trong việc đi học, đi làm, trải nghiệm của con sẽ chưa được toàn diện. Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con trải nghiệm qua những chuyến đi. Tuổi trẻ là để chinh phục những vùng đất mới, để khám phá văn hoá và con người trên khắp thế giới xinh đẹp này. Nhân lúc còn có sức khoẻ tốt, lại được cha mẹ “hỗ trợ” tài chính, con nên đi phượt thật nhiều, đi du lịch trong và ngoài nước với bạn bè, tham gia các chương trình trại hè quốc tế, đăng ký đi làm tình nguyện ở những khu vực cần sự giúp đỡ, và tham dự các cuộc thi giải quyết những vấn đề toàn cầu. Ở độ tuổi này, với tâm trí rộng mở, dễ tiếp thu kiến thức và thích nghi với những điều mới mẻ, con có thể sẽ có các quan sát rất thú vị, có ích cho việc học tập hoặc công việc tại công ty sau này. 

Quãng thời gian học Đại học không chỉ đẹp, mà còn rất ý nghĩa nếu như con có một kế hoạch rõ ràng để phát triển bản thân mình. Cha mẹ không thể cùng con tới trường, nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc giúp con định hình được những việc cần làm và sớm bắt tay vào thực hiện chúng. Chặng đường Đại học phía trước sẽ là một trận chiến dài hơi, nhưng RMIT tin rằng cha mẹ sẽ luôn luôn sát cánh bên con, và con nhất định sẽ chiến thắng!

Ngân Hoàng

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.