Cha mẹ có để ý thấy, có những khi chúng ta căng thẳng, mệt mỏi, không phải vì công việc vất vả, mà do chúng ta có quá nhiều thông tin phải xử lý, vượt quá sức chịu đựng của não bộ? Đây là biểu hiện điển hình của quá tải thông tin, thường khiến chúng ta giảm tập trung, giảm năng suất, đưa ra những quyết định thiếu chính xác và kém hiệu quả.
Nhưng không chỉ người lớn mới quá tải thông tin. Con cái chúng ta, đặc biệt là lứa tuổi teen, cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng, thậm chí tổn thương bởi tình trạng này.
❓ ❓ Tại sao không nên để các con tuổi teen bị quá tải thông tin?
Thế hệ các con ngày nay được gọi là những “công dân số”. Các con sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên mà công nghệ số phát triển như vũ bão. Ngoài sách vở, ti vi, các con thường xuyền sử dụng thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính, tablet…) để kết nối với gia đình và bạn bè, xây dựng các mối quan hệ mới, tiếp thu các giá trị văn hóa và xã hội, khám phá thế giới. Và tất nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 đang bao phủ toàn cầu, các con càng phải sử dụng thiết bị thông minh trong học tập nhiều hơn bao giờ hết.
Xét trên bề mặt, sống trong một thế giới mà thông tin luôn dồi dào và dễ dàng tiếp cận như vậy có vẻ rất thuận tiện và hữu ích. Nhưng thông tin chỉ thực sự có giá trị khi những dữ liệu đơn giản được chuyển hóa thành kiến thức, động lực, trí tuệ của mỗi người. Điều này chỉ xảy ra khi mỗi người có thời gian dừng đủ lâu để phân loại, suy nghĩ, thậm chí “đánh vật” với thông tin, chế biến thông tin thành thứ thuộc về chính mình.
Tuy nhiên, lượng thông tin ngày nay quá đồ sộ và dội đến liên tục, gây ra cảm giác choáng ngợp, mất phương hướng, dễ nhầm lẫn và khó phân biệt đúng-sai. Ở vào lứa tuổi đang định hình tính cách và thế giới quan của con ở lứa tuổi dậy thì, nếu tình trạng quá tải thông tin xảy ra thường xuyên, sẽ mang đến những tác động tiêu cực đối với sự phát triển nhận thức và tình cảm xã hội của các con.
Như vậy, hẳn cha mẹ cũng đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc hướng dẫn con phân loại, xử lý và chế biến luồng thông tin ồ ạt ập tới với con mỗi ngày, vì điều này giúp các bạn trẻ trở thành những người lớn có tư duy vững vàng, đúng đắn – điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tối ưu của con.
Làm sao giúp con “bơi trong biển thông tin” mà không bị “chìm”?
Trở thành “chiếc vòi” thông tin của con
Bạn hãy trao đổi với con, đưa ra hướng dẫn và tiêu chí về kênh thông tin và loại hình thông tin phù hợp với con, tiêu chí phân loại và lựa chọn thông tin hữu ích. Giúp con chọn sách, chọn website, chọn phần mềm nói chuyện trực tuyến, chọn game… , chủ động điều chỉnh nguồn và lượng thông tin đến với con ở mức con có thể tiếp nhận và xử lý được, tương ứng với lứa tuổi. Hãy bắt đầu với những lĩnh vực cơ bản: kiến thức học tập, giao tiếp với bạn bè ở trường hay lớp học thêm, sở thích cá nhân… Theo thời gian, chiếc vòi thông tin từ trạng thái nhỏ giọt sẽ được vặn mở dần, tới những chủ đề rộng và sâu hơn nữa.
Áp dụng thời gian biểu khoa học, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị số
Thao tác này giúp con bạn ngắt kết nối với các luồng thông tin, những yếu tố dễ gây mất tập trung hoặc gây nhiễu (nền tảng trò chuyện trực tuyến, lang thang trên internet, chơi game, truyện tranh, TV…), dành những khoảng lặng phù hợp để đào sâu tư duy, chế biến thông tin, hấp thụ kiến thức…
Luôn kiên nhẫn và đừng cầu toàn
Hãy phân biệt rõ thông tin con bạn thực sự cần và thông tin mà bạn nghĩ con bạn cần. Ví dụ: để con phát triển khả năng cảm thụ văn học, bạn nghĩ con cần đọc các tác phẩm văn học lớn, theo lớp học thêm trực tuyến của một cô giáo nổi tiếng. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc xem con có thực sự cần học thêm Văn không? con có đủ thời gian để học và làm bài tập của lớp học thêm không? con đã đủ tri thức và vốn sống để tiếp cận các tác phẩm lớn vốn tương đối phức tạp hay chưa?…
Con cái của chúng ta không tự nhiên mà lớn. Chúng cần thời gian, cần rất nhiều nỗ lực tự thân và công sức đồng hành của mẹ cha. Bạn cần hiểu sâu sắc khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin của con đến đâu để vặn “chiếc vòi” cho phù hợp.
Đừng quên những trợ thủ đắc lực này
Nếu bạn lo ngại khó kiểm soát thời gian và nguồn thông tin con truy cập trên internet, hãy nhớ rằng bạn luôn có sẵn các trợ thủ đắc lực và hoàn toàn miễn phí. Đó là các phần mềm dành cho cha mẹ có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, ví dụ Family Links, Family Safety…
Giúp con điều chỉnh lưu lượng thông tin tiếp nhận, rèn luyện cách xử lý thông tin là cách bạn tập cho con đương đầu với làn sóng thông tin luôn luôn ồ ạt, không để bị nhấn chìm, giúp con giảm căng thẳng và choáng ngợp, có thêm thời gian cho những điều quan trọng và ý nghĩa, thêm thời gian để tư duy, mang tới kết quả tốt hơn cho con cả về phát triển tính cách, tình cảm gia đình, giao tiếp xã hội và kết quả học tập trong trường lớp.