anh hùng bàn phím

Cụm từ “anh hùng bàn phím” chỉ mới xuất hiện trên mạng xã hội 5-6 năm trở lại đây, thế nhưng đó chính là vấn nạn làm đau đầu không biết bao nhiêu người, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi con cái ngoài đời thì rất ngoan ngoãn và lễ phép, cho đến khi ngồi sau màn hình máy tính thì lại có những hành vi và phát ngôn khiếm nhã, tiêu cực, thậm chí là sỉ nhục người khác trên mạng.

💡 Giải mã khái niệm “anh hùng bàn phím”

Ở cái thời của cha mẹ, mọi người coi trọng việc gặp gỡ và tiếp xúc với nhau. Cãi vã hay hiềm khích cũng hiếm khi xảy ra bởi “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, mọi người thường tránh nói những lời làm mất lòng người đối diện. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo điều kiện cho một số bộ phận cư dân mạng online núp sau chiếc mặt nạ ẩn danh và luôn sẵn sàng buông những lời nói làm tổn thương người khác. Đó chính là những “anh hùng bàn phím”.

Họ thường thoải mái đưa ra ý kiến của mình, “chém gió” mà không cần quan tâm đúng sai và nhất là lời nói không đi cùng hành động. Họ hóa thân thành một con người rất khác với bản thân họ ở bên ngoài xã hội. Nguyên nhân có thể ở ngoài họ kiềm chế cảm xúc rất nhiều và không có cơ hội để bộc lộ. Do đó, khi lên mạng, họ xả hết những cảm xúc tiêu cực của họ ra cho thoải mái.

💡 Con rất dễ bị ảnh hưởng bởi mạng Internet

Hiệu ứng “anh hùng bàn phím” xuất hiện cùng với sự bùng nổ của internet. Khác với cha mẹ, các con là thế hệ gắn liền với internet, đời sống của con song hành với mạng xã hội ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Trong quá trình tiếp xúc với thế giới đó, con rất dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung không hay và kém chất lượng từ những đối tượng xa lạ trên mạng.

Chỉ qua những dòng bình luận tưởng chừng như vô hại hay đùa cợt, con sẽ trở nên xấu tính, cọc cằn và thích phán xét hơn. Hệ quả của hiệu ứng tâm lý này là con thường đưa ra các bình luận thiếu tế nhị, khiếm nhã về một cá nhân hay vấn đề, trong khi thậm chí con chỉ vừa mới lướt qua trên internet mà chưa hề đọc hay tìm hiểu kỹ.

💡 Những hệ quả khôn lường

So với tưởng tượng của con, hậu quả của việc này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Trước hết là đối với những nạn nhân bị công kích trên mạng xã hội, các hành vi đặt điều, nhục mạ hay bêu xấu đều sẽ để lại di chứng tâm lý vô cùng nặng nề cho họ như cảm xúc tự ti vào bản thân, hay thậm chí là rối loạn lo âu và trầm cảm. Thậm chí, nhiều nạn nhân của việc bắt nạt/sỉ nhục trên mạng còn quẫn trí đến mức tự tử.

Tiếp theo đó, việc trở thành “anh hùng bàn phím” còn có thể khiến con tự hủy hoại chính những giá trị nhân cách của mình. Bởi không phải ai cũng ý thức và chấp nhận được rằng mình đang có những hành động tiêu cực, và những hành động đó không hề bình thường một chút nào.

Chưa nói đến việc nếu chẳng may con gặp phải những thành phần không tốt trên mạng xã hội, có thể con sẽ tự chuốc lấy phiền phức, nặng nề hơn là phải trả giá bằng sức khỏe và an nguy của chính mình. Mâu thuẫn là ảo, nhưng thương tích thể xác và tinh thần hoàn toàn có thể xảy ra ở ngoài đời.

💡 Để con không vô tình trở thành “anh hùng bàn phím”

Đây là vấn nạn mà đôi khi con hoàn toàn không thể nhận biết được, vì thế cha mẹ cần giúp con thông qua một số gợi ý sau đây:

Hình thành bộ lọc Phát triển năng lực thông tin

Trước hết, cha mẹ hãy học cách phân biệt những nguồn thông tin chất lượng, sau đó hướng dẫn lại cho con. Cụ thể, gia đình cần phân biệt đâu là trang thông tin điện tử chính thống, được kiểm duyệt rõ ràng để tránh trường hợp con bị “nhiễu sóng” trước dòng chảy tin tức trên mạng xã hội, từ đó, biết lọc cho mình thông tin nào là đáng tin cậy, thông tin nào là cần thiết..

Đặt bản thân vào tình huống của người khác

Cha mẹ cần hình thành cho con nhận thức rằng việc nói xấu hay bêu rếu người khác trên mạng xã hội là điều không hề bình thường. Mỗi khi con định bình luận gì đó, hãy suy nghĩ thật kĩ xem nếu con nói ra những điều này, con có đang làm tổn thương ai đó không.

Học cách kiểm soát và xử lý cảm xúc

Mạng xã hội giúp con giải tỏa những áp lực cuộc sống, nhưng không phải nơi để con trút những cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác. Để con có thể trở thành một người văn minh hơn trên mạng xã hội, trước tiên con cần học cách xử lý cảm xúc của bản thân đúng cách trong mọi tình huống.

Rời xa bàn phím

Và điều cuối cùng, để con không trở thành “anh hùng bàn phím”, hãy giúp con rời xa bàn phím. Cha mẹ hãy cố gắng tạo ra những khoảng thời gian thư giãn để giúp con “cách ly” khỏi mạng xã hội. Con có thể nghỉ ngơi, làm việc nhà hay ở bên gia đình và bạn bè. Hãy cho con thấy rằng thay vì tốn thời gian và công sức để hạ thấp 1 ai đó trên mạng xã hội, con có thể tập trung nâng cao giá trị của bản thân và học hỏi biết bao điều mới mẻ, để từ đó khám phá được những ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của riêng con.


👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về Nuôi dạy con tại ĐÂY.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.