LÀM BẠN KHI CON TRAO ĐỔI VIỆC HỌC, LÀM CHA MẸ KHI CON CÁI XIN ĐI CHƠI

Thế hệ nào cũng vậy, sự khác biệt về tư tưởng, quan điểm sống giữa thế hệ cha mẹ và con cái là không thể tránh khỏi. Thật khó xử cho cha mẹ hiện nay khi phải suy nghĩ làm sao để vừa cho con thấy được cha mẹ giống như “một người bạn” để tâm sự những khúc mắc trong cuộc sống, lại vừa phải để con tôn trọng và vâng lời khi cần. Trong bài viết này, RMIT muốn chia sẻ tới các quý cha mẹ một vài điều giúp cha mẹ vừa có thể là bạn, vừa có thể là người lớn trong mắt con mình.

Hãy bắt đầu từ sự tôn trọng

Người lớn chúng ta thường đòi hỏi con cái phải tôn trọng mình, tuy nhiên chính mỗi người lớn cũng cần thể hiện sự tôn trọng tương tự dành cho con. Nếu như con cái tôn trọng bố mẹ thể hiện qua sự thưa gửi lễ phép, cha mẹ có thể tôn trọng con thông qua việc không xâm phạm vào đời tư cá nhân của con và không áp đặt con phải làm theo ý muốn của cha mẹ. Cha mẹ để ý đến suy nghĩ, cảm xúc, sức khỏe thể chất và cả tinh thần của con chính là sự tôn trọng cha mẹ có thể dành cho con.

Khi con cảm thấy được cha mẹ tôn trọng, con sẽ sẵn sàng mở lời nhiều hơn để tâm sự cùng cha mẹ các chuyện cá nhân trong cuộc sống, cũng như tin tưởng hỏi ý kiến cha mẹ cho những việc quan trọng như chọn ngành, chọn trường, chọn nghề.

Cha mẹ có thể đang nghĩ rằng tôi rất tôn trọng và thương con mình, nhưng có thể những hành động thương của cha mẹ đang ‘sai’, không phù hợp với thế hệ con cái hiện nay. Cha mẹ hãy xem những ví dụ dưới đây để xem bản thân mình có đang ở trong tình huống tương tự không nhé.

Cha mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con

Một trong những câu ‘cửa miệng’ của người lớn dành cho con cái đó là: “Cha mẹ thương con nên muốn con có được những điều tốt nhất” hay “Cha mẹ là người đi trước, biết điều gì là điều tốt cho con“. Đây chính là một cách thương “sai” đầu tiên mà chúng tôi đề cập ở trên.

Có thể cha mẹ là người đi trước, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống nên có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Tuy nhiên, không phải kinh nghiệm sống ở thế hệ nào cũng giống và tương tự như nhau. Có những điều trong thế hệ cha mẹ là đúng, ở thế hệ con cái không còn đúng nữa. Ví dụ, thế hệ cha mẹ có thể đề cao sự ổn định, cống hiến lâu dài cho một công ty. Thế hệ con cái hiện nay thích sự tự do, được trải nghiệm nhiều hơn.

Nhiều cha mẹ thương con nên không muốn con vấp ngã, phạm phải những sai lầm giống như mình đã từng gặp phải. Tuy nhiên cha mẹ hãy thử nghĩ lại xem, có phải chính nhờ những vấp ngã đó mà chúng ta đã lớn lên, trở nên mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn và có được những thành quả của ngày hôm nay. Vậy nếu con không có những vấp ngã, thất bại, làm sao con có được những bài học của riêng mình? Thay vì che đi những “chiếc hố” để con không ngã (điều mà cha mẹ chẳng thể làm suốt cuộc đời), cha mẹ làm chỗ dựa tinh thần cho con để con hiểu rằng, dù có vấp ngã hay thất bại thế nào, cha mẹ vẫn ủng hộ phía sau.

Đọc thêm: Bí kíp để mỗi cha mẹ trở thành ‘chuyên gia’ hướng nghiệp riêng cho con

Phải về nhà đúng giờ. Không được tụ tập bạn bè nhiều

Ở độ tuổi trưởng thành, con cái cần nhiều sự riêng tư hơn, vì vậy thời gian dành cho cha mẹ có thể ít hơn so với trước. Đây cũng là lúc con bắt đầu lớn, có nhiều mối quan hệ bạn bè hơn, nhiều dự án và hoạt động câu lạc bộ hơn. Đây chính là thời điểm quan trọng quyết định việc con cái có tin tưởng chia sẻ nhiều với cha mẹ hay không.

Có nhiều cha mẹ lo lắng con đi chơi buổi tối sẽ hư hỏng, tệ nạn – tuy nhiên cha mẹ thử nghĩ xem, nếu đã là tệ nạn, ban ngày có khác gì buổi tối? Nhiều cha mẹ cũng không cho con giao du nhiều với bạn bè vì sợ bạn xấu hay không cho con tham gia nhiều các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ ngoài việc học vì cha mẹ cho rằng “ở tuổi này học hành là quan trọng nhất”. Tuy nhiên, ở thế hệ hiện nay, ngoài việc học, một bạn trẻ cần được trang bị những kinh nghiệm hoạt động thiện nguyện, chính việc đi làm thêm, tham gia các CLB sẽ giúp các con trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn khi bước ra đời.

Vậy, thay vì bắt con phải về nhà vào khung giờ cha mẹ muốn – hãy cho con quyền chọn giờ con về và tự nói chuyện với cha mẹ, con cần có trách nhiệm và chịu trách nhiệm nếu không đúng giờ. Thay vì ép không cho con tham gia cái này, làm thêm cái kia – hãy cho con quyền tự quyết định, cha mẹ trò chuyện cùng con và chia sẻ với con những được mất của mỗi lựa chọn. Đó là cách cha mẹ vừa trở thành bạn, vừa là cha mẹ của con.

Đọc thêm: Ba việc trong đời: làm, học và chơi: con bạn có đang chỉ học? | Thế hệ trẻ sinh sau năm 2000 và mạng xã hội: những điều cha mẹ nên biết

“Con nhà người ta cũng như con mà học giỏi hơn, thành công hơn”.

Điều dễ dàng nhất cha mẹ có thể làm để mất đi sự tin tưởng từ con đó chính là so sánh con với người khác. Mỗi cá nhân có một tính cách riêng, một mối quan tâm riêng, một khả năng riêng, việc cha mẹ so sánh con với người khác chính là gây áp lực cho con, từ đó khiến con không còn tự tin để chia sẻ với cha mẹ bất kỳ điều gì. Có thể con nhà bạn bè mình học giỏi hơn vì bạn có năng khiếu trong học tập, nhưng con mình lại giỏi hơn trong việc chơi thể thao, hoạt động thể chất – mỗi người mỗi năng khiếu.

Làm cha mẹ là một hành trình không hề dễ chút nào, làm sao để cân bằng được vai trò của một người bạn đồng hành và một người cha mẹ có uy. Hi vọng bài viết này giúp cha mẹ tránh phải những sai lầm để khiến con tin tưởng chia sẻ cùng cha mẹ nhiều hơn.


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.