KỲ VỌNG CỦA CHA MẸ BỆ PHÓNG HAY ÁP LỰC LÊN CON

Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tuy nhiên cách thức nào để những kỳ vọng của cha mẹ trở thành động lực cho sự phát triển và thành công của con thì không phải ai cũng hiểu rõ. Nếu cũng quan tâm tới chủ đề này, RMIT mong cha mẹ sẽ đọc bài viết dưới đây và chia sẻ cho chúng tôi góc nhìn của cha mẹ.

Vì sao cha mẹ kỳ vọng ở con cái?

Con cái là sự nối dài và kế tục cuộc sống của cha mẹ. Một cách tự nhiên, bất cứ cha mẹ nào cũng mong con được mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Lý do chính thường là vì họ quá yêu thương con, muốn bảo vệ con khỏi thất bại, đau khổ, vì họ hy vọng con trở thành phiên bản tốt hơn của mình, để sống tốt hơn cha mẹ, hoàn thành được những gì cha mẹ chưa làm được, vì cha mẹ nghĩ mình nhiều kinh nghiệm hơn con, cho rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho con… Và kết quả tất yếu là cha mẹ thường sẽ bằng cách này hay cách khác định hướng, khuyến khích, hỗ trợ, hay thúc giục, đòi hỏi, thậm chí ép buộc con đạt được những tiêu chuẩn, yêu cầu… mà mình đặt ra.

Công bằng mà nói, kỳ vọng của cha mẹ có những mặt tích cực nhất định. Nó giúp đứa trẻ có một động cơ đủ lớn để phấn đấu, là điểm tựa để đứa trẻ dựa vào khi chán nản hoặc gặp trở ngại. Nhưng sẽ có những hậu quả tiêu cực nếu đứa trẻ không sinh ra với những tố chất phù hợp, đủ để hoàn thành những điều cha mẹ mong chờ ở nó, hoặc đơn giản hơn, khi kỳ vọng của cha mẹ không phải là mong muốn của con.

Đừng bắt cá phải leo cây!

Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Khi đã có con, bạn khó có thể nói bạn không kỳ vọng gì ở con mình. Tuy nhiên, liệu có khi nào con bạn đang chính là chú cá được cha mẹ mong muốn có thể trèo cây kia?

Khi cha mẹ kỳ vọng ở con cái nhiều hơn mức mà trẻ có thể đáp ứng, có những hậu quả mà bạn có thể không nhận ra, ví dụ như:

🌡 Liên tục chịu áp lực về tinh thần và thể chất vì phải luôn làm hài lòng cha mẹ, con thường thấy bị dồn nén, ngột ngạt và mệt mỏi;

🌡 Con dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như chán nản, tự ti, thất vọng về chính mình, co mình lại và không dám thể hiện bản thân. Kết quả học tập giảm sút, hoặc con học kém hơn so với khả năng thực tế của mình;

🌡 Con có thể có hành vi chống đối, phản ứng tiêu cực với yêu cầu của bố mẹ. Con trở nên nhạy cảm, dễ nổi giận, dễ bùng nổ, hoặc lớn lên với những lệch lạc về tính cách và hành vi;

🌡 Trong một số trường hợp cá biệt, con có thể mắc 1 số rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu… và sẽ diễn biến nặng hơn nếu không được can thiệp kịp thời.

Vì thế, nếu có lúc nào đó bạn nhận ra ở con những biểu hiện như trên, hãy dừng lại, hít thở thật sâu và tìm hiểu xem, liệu có phải mình đã kỳ vọng ở con quá nhiều, và bạn cần làm gì để cải thiện tình trạng này.

Để kỳ vọng của cha mẹ thực sự trở thành bệ phóng của con

“Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

Trong các gia đình Việt Nam hoặc châu Á nói chung, sự hiếu thảo thường đồng nghĩa với phục tùng, con cái thường nỗ lực làm theo yêu cầu của cha mẹ, hầu như không phản đối, không làm trái. Nhưng đó chính là lý do chúng ta thường không hiểu được mong muốn của ta có phù hợp với khả năng và mong muốn của con không.

Vì thế, để kỳ vọng của cha mẹ không trở thành gánh nặng trên vai con trẻ, mà còn hỗ trợ con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, cha mẹ hãy cố gắng dung hòa giữa kỳ vọng của mình và khả năng, mong muốn của con thông qua một vài gợi ý sau:

👉 Điều chỉnh suy nghĩ và kỳ vọng của mình

Hãy học cách chấp nhận thực tế nếu con không làm được như mình mong đợi; ủng hộ con, khuyến khích và hỗ trợ con làm điều mà con có thể làm tốt hơn cả. Bởi vì chỉ khi làm việc với niềm yêu thích và sự tự tin, người ta mới có thể đạt được thành công cao nhất.

👉 Thấu hiểu con để tìm ra thế mạnh, lợi thế của con, giúp con phát triển

Thấu hiểu là hiểu được tận cùng suy nghĩ và mong muốn của con, chứ không chỉ đơn giản là hiểu trên bề mặt ngôn ngữ. Để làm được điều này, bạn cần quan sát, đồng hành, trao đổi với con đủ lâu và đủ sâu để hiểu năng lực, tố chất của con, hiểu con muốn gì, cần gì, lắng nghe cảm xúc của con, tôn trọng ước mơ của con. Mỗi quyết định liên quan đến cuộc đời con nên được đưa ra sau khi đã cân nhắc kỹ càng những yếu tố trên.

👉 Tôn trọng con

Khi đã thấu hiểu con, hiểu được năng lực, mong muốn của con, cha mẹ sẽ nhận ra việc tôn trọng con sẽ không còn quá khó khăn nữa. Cha mẹ sẽ thông cảm hơn với con, đỡ sốt ruột hơn và bớt áp đặt hơn kể cả khi con không có sở thích hay ước mơ rõ ràng. Hãy tận hưởng hành trình đồng hành với con khám phá bản thân thay vì chăm chăm nhắm về một mục tiêu mà bố mẹ cho là tốt nhất.

Khi đọc đến đây, hẳn sẽ có người đặt câu hỏi: “Nếu như nhiều năm nay tôi đã ép con làm điều tôi muốn, nhưng giờ tôi nhận ra mình phải thay đổi, thì còn kịp không?”. Câu trả lời của chúng tôi là: Bạn đừng dằn vặt vì đã ép con. Điều cần làm là ngồi lại nói chuyện nghiêm túc với con, để hoặc là động viên con đi tiếp hành trình đã chọn, hoặc cho con chọn lại nếu đó thực sự là điều con muốn. Cuộc đời thực ra rất dài; thay vì dành cả đời để nói câu “giá như”, thì ta vẫn có thể dành ra vài năm để làm lại một điều sẽ không bao giờ khiến con nuối tiếc và cha mẹ hối hận.

Thấu hiểu con, yêu thương con, luôn đồng hành và ủng hộ con chính là chìa khóa để cha mẹ giúp con có một cuộc sống hạnh phúc. Vì hơn tất cả, hạnh phúc của con cái chính là kỳ vọng lớn nhất đời cha mẹ.

👇 Đọc thêm:

5 cách giúp cha mẹ tạo “áp lực tốt” cho con

Nỗi sợ bị đánh giá – tâm tư ít ai hay của các con thế hệ Z

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.