Kinh Văn Quân Dao - Khi sinh viên RMIT bước từ truyền thông sang khởi nghiệp.

Cách đây không lâu, giới truyền thông – startup xôn xao vì một cô gái 21 tuổi gọi vốn thành công hơn 3 tỷ đồng. Cái tên Kinh Văn Quân Dao được nhắc đến như một tuyên ngôn cho phụ nữ hiện đại – giỏi, quyến rũ và cực kì cá tính. Thế nhưng, bấy nhiêu chưa bao giờ là đủ để một người trẻ dựng nên và chèo lái con tàu khởi nghiệp của mình. Vậy, với cô sinh viên RMIT vừa tốt nghiệp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp này, đâu là “bí quyết” để can đảm dấn thân với ước mơ khởi nghiệp của mình?

Câu chuyện thời trang lấp lánh trên sóng truyền hình VTV

Ý tưởng khởi nghiệp của Dao bắt nguồn từ những khó khăn phái nữ gặp phải khi “không biết mặc gì” mỗi khi đứng trước tủ quần áo. Cũng với từng ấy món đồ nhưng phối thế nào để phù hợp với dáng người từng người, từng dịp là chuyện mà không phải ai cũng làm được. Dao thì khác. Nhạy bén và sắc sảo trong gu thời trang, cô muốn đem đến một “giải pháp đẹp” tiện ích cho những người phụ nữ xung quanh mình. Và thế là Phleek – ứng dụng tư vấn phong cách thời trang cá nhân ra đời.

Kể về những ngày đầu tiên ấy, Dao luôn cảm thấy may mắn vì những năm tháng sinh viên được sống trong môi trường tràn ngập sáng tạo của RMIT – nơi “hỗ trợ rất nhiều cho con đường sự nghiệp của mình, là nơi cho mình biết như thế nào là sự sáng tạo không giới hạn. Trong ngành truyền thông, quảng cáo và PR, bạn không thể đem đến sự khác biệt nếu thiếu đi tính sáng tạo.”

Với sự tự tin ấy, Dao chiến thắng niềm tin của hai nhà đầu tư trong Chương trình Truyền hình Shark Tank Vietnam và nhận được khoản đầu tư hơn 3 tỷ từ “shark” Hưng, phó chủ tịch HĐQT CEN Group. Màn đầu tư này được đánh giá là liều nhất từ trước đến giờ, vì thậm chí Dao còn chưa có… sản phẩm mà mới chỉ dừng ở mức lên ý tưởng, dựng bản chạy thử trên web.

Ý tưởng lung linh, vòng gọi vốn thành công hoành tráng. Cô gái vừa tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của RMIT này dường như đã có một “cú” khởi nghiệp êm xuôi hoàn hảo.

“Chi phí thì dồn dập, nhân viên thì mất nhiệt huyết dần”

Thế nhưng, start-up chưa bao giờ là con đường màu hồng. Với Dao, Phleek cũng không phải là một ngoại lệ. Những gì sóng truyền hình chiếu, là những khung hình “xinh đẹp” và cũng không khỏi thiếu đi một vài câu chuyện “hậu trường”.

Khó khăn thường trực với một start-up, đầu tiên vẫn là tiền bạc. Trước khi nhận được khoản đầu tư lớn từ Shark Hưng, Dao cũng đã từng nếm không ít cái lắc đầu từ chối của các nhà đầu tư trước đó. Bắt đầu với 100 triệu, chẳng mấy chốc mà chỗ vốn ban đầu này bốc hơi hết. Cạn tiền, cộng sự cũng nhụt ý chí, hoạt động đình trệ, đam mê lúc này cũng không thể “bẻ ra” xài được. Trong một bài phỏng vấn với báo chí, Dao kể: “Ngày nào cũng căng thẳng hết, như kiểu rơi xuống dưới đáy vậy đó. Các chi phí thì dồn dập, nhân viên thì mất nhiệt huyết dần… những thứ đó khiến Dao cảm thấy rất nặng nề.”

Thời trang thì đẹp thật. Nhưng đối với một vài người, sự quyến rũ của đam mê không lớn bằng lực hấp dẫn của việc bước đi trên một con đường bằng phẳng. Không chỉ đấu tranh để khẳng định Phleek trong mắt những người xung quanh, Dao còn quyết định bỏ công việc tại một công ty quảng cáo danh tiếng – lựa chọn an toàn có lẽ đã hơn một lần làm cô phải suy nghĩ khi đối mặt với các thách thức bộn bề của khởi nghiệp. Cô sinh viên truyền thông nay phải học thêm cả tài chính, nhân sự, vận hành, thậm chí mảng công nghệ Dao cũng phải tìm hiểu “mải miết” để phục vụ việc điều hành công việc.

“Đây là sự nghiệp mà, đâu thể nói bỏ là bỏ”

Băn khoăn việc Dao tìm đâu ra sức mạnh để vượt qua hết những khó khăn đó, tôi nghĩ câu trả lời nằm ở 3 điểm quan trọng hơn cả: sự say mê, nghiêm túc và lì đòn. Những thứ ấy, đều không phải ngẫu nhiên mà có.

Ngay từ khi mới đặt chân vào trường đại học, Dao đã như cá gặp nước vì được thoả sức “vẫy vùng” với mọi ý tưởng trong môi truờng học đa văn hoá năng động, cởi mở, khuyến khích sáng tạo của RMIT. Không phải đến Phleek mà ngay từ những ngày còn là cô sinh viên truyền thông, Dao đã là một trong những thành viên sáng lập chủ chốt của nhóm tổ chức TED Series tại trường. Cũng chính sự say mê ấy đã đem lại cho cô nhiều kinh nghiệm, các mối quan hệ và bài học đắt giá mà các lớp học chưa chắc đã có được.

Xuất phát từ môi trường mà chỉ một bài tập cũng đủ để cả lớp thức xuyên đêm, Dao nghiêm túc và trân trọng công việc. “Đây là sự nghiệp mà, có phải yêu đương hay bạn bè gì đâu mà nói bỏ là bỏ.” Giản dị vậy thôi, nhưng là câu nói mà tôi rất thích của cô gái này. Tinh thần làm việc như vậy là thứ nhiều người, cả trẻ, cả “không trẻ”, vẫn còn thiếu.

Và cuối cùng, và cũng là “gia tài” lớn nhất mà một người trẻ may mắn có được, đó là tinh thần bền bỉ – sự “lì đòn” trước các thất bại. Tôi nghĩ nếu mỗi người trẻ có thể gạt đi cái tôi sợ sai của mình đi để dấn thân lên phía trước, đón bắt cả thành công và thất bại, thì chúng ta sẽ tiến rất nhanh, rất xa. Ở Kinh Văn Quân Dao, điều ấy thực sự toả sáng. Cô kể: “Nếu có thất bại ở Shark Tank thì Dao lại tiếp tục đi gọi vốn bên khác thôi. Đã từng nhiều lần gọi vốn thất bại rồi nên Dao cũng lì hơn trước, không ngại người ta nói vào nói ra gì cả.” Nói nhẹ tênh như vậy, nhưng không phải nhà sáng lập nào cũng làm được.

Tuổi trẻ có đặc quyền là được thử và sai. Với sinh viên RMIT, không phải kết quả cao mà tinh thần dấn thân mới là điều mà chúng tôi luôn kì vọng ở các em. Như Kinh Văn Quân Dao, chúng tôi tin rằng thất bại của tuổi 21, đơn giản chỉ là những thành công đang đến.

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.