Trước mỗi mùa tuyển sinh, chúng tôi lại có cơ hội lắng nghe nhiều trăn trở từ những học sinh sắp bước vào giảng đường đại học. “Đâu là những ngành nghề tốt nhất? Có những vị trí nào tiềm năng nhất trong tương lai? Tỉ lệ cạnh tranh ở đâu là “dễ chịu” hơn cả?” Các con đều muốn có một “lựa chọn hoàn hảo” cho riêng mình.
Thế nhưng, sự lựa chọn hoàn hảo vốn không tồn tại. Chúng tôi vẫn hay nói với các sinh viên – hãy cố gắng tìm một lựa chọn phù hợp nhất.
Bởi lẽ, cái gì cũng có hai mặt. Không có ngành nào vừa thử thách, giúp con trưởng thành nhanh chóng vừa nhàn nhã “sáng đi tối về”. Không có vị trí nào vừa đãi ngộ tốt vừa dễ cạnh tranh ứng tuyển. Cái “hoàn hảo” hay được nhắc đến đôi khi lại chỉ tương đồng với “nhiều người chọn, nhiều người thích”. Sự thật này có thể gây thất vọng, nhưng là thực tế con cần nhận thức rõ.
Lấy ví dụ, đối với nhiều con, làm nghệ thuật rất hấp dẫn, đem lại những trải nghiệm thú vị. Nhưng chọn đi theo con đường này cũng đồng nghĩa với việc con có thể phải nhận mức thu nhập khởi điểm thấp hơn so với các vị trí trong ngân hàng, các công ty đa quốc gia. Ngược lại, làm tài chính có đãi ngộ tốt, con đường sự nghiệp ổn định, nhưng môi trường công sở nhiều ràng buộc có lẽ không phù hợp với tất cả mọi người.
Rõ ràng, không có đáp án nào tuyệt đối đúng, cũng không có đáp án nào hoàn toàn sai. Câu chuyện chọn ngành cần được bắt đầu từ chính mỗi cá nhân và gia đình. Con nên chọn điều gì mình muốn làm nhất – muốn đến mức có thể chấp nhận gác lại những điều khác để thực hiện đến cùng. Rồi cân nhắc xem liệu hoàn cảnh của mình có đáp ứng được những “hy sinh tạm thời” đó hay không. Chỉ có như vậy, con mới có một quyết định khôn ngoan và có giá trị lâu bền.